Dù là ông bà nội hay ông bà ngoại cũng đều thương yêu con cháu hết lòng tiếc rằng có nhiều người lại lấy vật chất làm thước đo tình cảm gia đình, điều ấy sẽ khiến người thân bên cạnh bị tổn thương ghê gớm. Như anh chồng trong câu chuyện dưới đây chẳng hạn, vì tiền của mà phân biệt nội ngoại khiến vợ anh bất bình vào mạng xã hội tâm sự.
Câu chuyện của cô như sau: "Từ ngày cưới, lúc nào em cũng mệt với lối suy nghĩ thực dụng tính toán của chồng. Hễ nhắc tới nhà ngoại là anh ấy lại tỏ thái độ miệt thị ra mặt vì bố mẹ em dưới quê, tuy cũng có lương hưu nhưng không đáng kể nên kinh tế không có. Phía bên nhà nội ông bà dư giả hơn, vì trước đây bố mẹ chồng em đều kinh doanh buôn bán nên tài chính vững lắm.
Còn nhớ hôm cưới, mẹ chồng trao cho em chiếc lắc tay với kiềng vàng gộp lại là hơn cây vàng, chưa kể anh chị em chồng mỗi người cho thêm 2 ba chỉ nữa. Mẹ đẻ em không có, bà chỉ cho con gái chiếc nhẫn 2 chỉ, ngay đêm tân hôn lúc ngồi kiểm tiền mừng, chồng em nói luôn: 'Gớm, mang tiếng con gái kết hôn mà nhà em trao được 2 chỉ vàng, không bằng số lẻ nhà chồng cho'.
Hôm đó em tự ái, chạnh lòng kinh khủng, cũng nói thẳng quan điểm rằng bố mẹ có thế nào cho thế đó, nhắc chồng đừng so sánh mà tội các cụ.
Em mới sinh được vài tháng, hôm con đầy cữ vợ chồng tổ chức một bữa tiệc nhỏ mời anh em trong nhà với ông bà hai bên. Tuy nhiên hôm đó ông bà ngoại bận việc không lên được, chỉ gọi điện chúc mừng. Bố mẹ chồng em thì tới từ hôm trước, ông bà tặng cháu nội 1 lắc tay bằng vàng hơn chục triệu. Lúc ông bà đeo vào tay cháu, mọi người nhìn đều khen các cụ tâm lý, chiều cháu. Chồng em ngồi bên liền bảo: 'Ông bà nội thì thương cháu thế chứ ông bà ngoại nhạt lắm, có như không. Đấy, hôm nay đầy cữ cháu cũng có ai lên đâu'.
Lúc đó em đúng là ù tai luôn vì không thể nghĩ nổi chồng mình lại hành xử kém tới như thế. Trước mặt mọi người anh mang bố mẹ vợ ra so sánh làm em không thể nhịn nổi. Lẳng lặng đứng dậy về phòng, em cầm chiếc hộp trên tay mở lấy đôi khuyên tai bằng vàng ra bảo: 'Em quên mất không khoe, vì bận không lên với cháu ngoại được, hôm qua ông bà ngoại gửi dì H. (em gái em) đôi khuyên tai tặng cho bé Bông (tên ở nhà của con em). Vì con còn nhỏ, em chưa bấm lỗ tai cho nên chưa đeo được. Đợi vài hôm nữa cho con đi chơi thì em bấm để con đeo'.
Anh ấy không nói gì, em thì vẫn tiếp lời: 'Với lại lần sau anh đừng bao giờ mang tiền bạc vật chất ra so sánh bố mẹ hai bên rằng ai thương, ai quan tâm con cháu hơn. Bậc làm cha làm mẹ, làm ông bà ai cũng thương con thương cháu nhưng hoàn cảnh mỗi nhà mỗi khác. Anh so sánh vậy bố mẹ em bên nhà sẽ nghĩ ngợi mà chạnh lòng'.
Vì toàn là người nhà nên em nói thẳng luôn như thế không giữ ý tứ giúp chồng nữa để cho bên nội hiểu tính anh cũng như hiểu suy nghĩ của em. Mẹ chồng em ngồi bên nghe hết lời con dâu liền lên tiếng: 'Vợ con nói đúng đó, con đừng so bì ông bà nội hay ông bà ngoại như thế là bất hiếu đó. Ông bà bên đó sinh con gái, nuôi lớn khôn rồi gả cho con, họ đã được con báo hiếu, đền đáp ngày nào chưa mà con lại ăn nói như vậy'.
Đến đây chồng em nín lặng hẳn, không còn nói được thêm lời nào. Giờ nghĩ lại em vẫn bực".
Lấy chồng vô tâm, phụ nữ sẽ chẳng bao giờ có thể cảm thấy cuộc sống hôn nhân của mình được hạnh phúc. Ai rơi vào hoàn cảnh trên cũng đều thấy bất bình nên người vợ có phản ứng như vậy là dễ hiểu. Bất cứ một cô gái nào kết hôn cũng chỉ mong nửa kia của mình hiểu biết, tâm lý và biết quan tâm tới nhà ngoại như họ quan tâm nhà chồng. Khi nội ngoại ấm êm vui vẻ thì vợ chồng sống bên nhau mới hạnh phúc bền lâu được. Mong các anh chồng hãy hiểu, cùng vợ sống tận tâm, công bằng giữa hai bên gia đình để xây dựng mái ấm hôn nhân trọn vẹn.
Theo Hải Hương (Pháp Luật và Bạn Đọc)