Dạy con thế nào để không bị bắt cóc?

25/03/2016 08:44:44

Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, cha mẹ có thể lồng ghép cảnh bắt cóc vào các trò chơi. Phụ huynh giả làm người bắt cóc, qua đó dạy con cách chủ động xử lý tình huống.

Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, cha mẹ có thể lồng ghép cảnh bắt cóc vào các trò chơi. Phụ huynh giả làm người bắt cóc, qua đó dạy con cách chủ động xử lý tình huống.

Thông báo này được phụ huynh chia sẻ trên Facebook kèm sự lo lắng, hoảng sợ, khi tình trạng bắt cóc trẻ em đang xảy ra quanh môi trường sống của con.

Thông báo của trường mầm non được phụ huynh chia sẻ trên Facebook.

Báo động tình trạng trẻ em bị bắt cóc

Gần đây liên tiếp tiếp xảy ra tình trạng trẻ em bị bắt cóc, một số trường trên địa bàn TP HCM phải dán thông báo trước cổng để phụ huynh cùng giáo viên cảnh giác.

Trước đó, chị Nguyễn Thị Bé Hai (35 tuổi, ngụ quận Tân Bình) bị kẻ xấu giật con 5 tuổi nhưng không thành trên đường Tân Bình.

Bé Lê Thanh Bích Ngọc (học sinh lớp 3, Trường tiểu học Phù Đổng, quận 7) bị một thanh niên chạy xe Wave cùng phụ nữ mặc áo tím dụ dỗ lên xe chở đến quận 8, lột hết tài sản rồi thả bé xuống.

Tại Đà Lạt, Lâm Đồng, Phòng GD&ĐT thành phố đã có thông báo đến các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn, đề nghị nâng cao cảnh giác trước tình trạng người lạ đến trường dụ dỗ học sinh.

Trên thực tế, tại Đà Lạt, một số học sinh (chủ yếu bậc tiểu học) bị người lạ dụ dỗ, ép buộc lên xe chở đi sau giờ tan trường.

Đây không phải lần đầu tiên tình trạng bắt cóc trẻ em đáng báo động. Trước đó, tháng tháng 6/2015, một clip mang tên Bắt cóc trẻ em với thông điệp “Chỉ vài giây bất cẩn, có thể bạn sẽ vĩnh viễn mất đi đứa trẻ của mình” thức tỉnh nhiều người.

Clip được nhà phát hành cover lại của Thái Lan với thông điệp, các bậc phụ huynh sớm có ý thức dạy dỗ trẻ nhỏ không nên nhận đồ từ người lạ khi không có bố mẹ.

Chị Nguyễn Thị Bé Hai vẫn còn hoảng loạn sau vụ việc người lạ bắt cóc con không thành. Ảnh: Lê Trai.

Dạy dỗ và quản lý con thế nào?

Chị Lê Thoa, quản lý trường mầm non tại Đống Đa, Hà Nội chia sẻ: Để tránh tình trạng bắt cóc trẻ em cần sự phối hợp giữa phụ huynh và gia đình.

Cha mẹ nên lưu ý: Khi con còn nhỏ không nên để quá nhiều người đón khi tan học, chỉ nên để hai người thân thiết trong gia đình. Nếu có người lạ đến đón, bố mẹ phải chủ động liên hệ với cô giáo qua số điện thoại, cung cấp tên và số điện thoại của người thay thế.

TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ, phụ huynh cần dạy con nhiều kỹ năng. Ngoài bảo con không tiếp xúc, gần gũi, nhận đồ của người lạ, cần đặt giả thiết trong trường hợp con có thể bị bắt cóc.

“Nếu bị đối tượng nắm chặt tay để kéo đi, chúng ta thường dạy con hét lên. Nhưng người bắt cóc có thể nói: 'Đây là con tôi, nó rất hư' khiến người xung quanh tin tưởng, không cứu", TS Hương nêu ví dụ.

Phụ huynh có thể dạy con hét lớn “cháy nhà”. Khi đó, chính kẻ bắt cóc con cũng hoảng sợ và phân tán tư tưởng, người xung quanh đổ dồn ánh mắt vào con. Trẻ có thể vùng chạy thoát. Trường hợp con bị người lạ ôm, có thể bất ngờ dùng cùi trỏ tay đập vào ức, cằm và hạ bộ của đối phương.

Những tình huống trên hoàn toàn có thể lồng ghép vào các trò chơi cùng con. Bố mẹ giả làm người bắt cóc để con chủ động và bản lĩnh xử lý tình huống.

Khuyến cáo đưa hình ảnh con lên Facebook

Trả lời VTV, PGS.TS, thượng tá Trần Thế Hưởng, Phó trưởng khoa Cảnh sát hình sự, Học viện Cảnh sát Nhân dân cho biết, khoảng 20.000 vụ việc liên quan xâm hại trẻ em diễn ra mỗi năm. Trong đó, số vụ bắt cóc trẻ nhằm chiếm đoạt tài sản lên tới 45 - 50 vụ.

Trước khi hành động, đối tượng có thể thăm dò, nghiên cứu, tìm hiểu gia đình có điều kiện kinh tế nuôi con nhỏ.

Thượng tá Hưởng khuyến cáo người lớn phải cân nhắc việc đưa thông tin của trẻ nhỏ lên mạng xã hội. Không nên đưa tên và hình ảnh trường học của con. Không nên đăng tải ảnh con không mặc quần áo. Không nên đăng tải những bức ảnh có họ và tên đầy đủ của con. Không nên đưa ảnh của con chụp cùng trẻ khác.

Thực tế, nhiều người vô tư chia sẻ tất cả những thông tin cá nhân lên Facebook như địa chỉ nhà riêng, thói quen sinh hoạt hàng ngày, hình ảnh cá nhân theo giờ.

TS Vũ Thu Hương khẳng định, việc cha mẹ thường xuyên chia sẻ hình ảnh, thông tin của con lên Facebook rất nguy hiểm. Nếu cập nhật thường xuyên, người lạ theo dõi một thời gian có thể biết quy luật sinh hoạt của mỗi gia đình. Từ đó, kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng lúc con ở một mình để bắt cóc và xâm hại.

Bên cạnh đó, nếu thường xuyên công khai thông tin trên mạng, kẻ xấu có thể sử dụng tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ nhà của phụ huynh để đến đón con tại trường. Chúng cũng biết được thói quen và sở thích của con trẻ để dễ dàng dụ dỗ.
 
Clip trẻ em bị dụ dỗ để bắt cóc
 
Theo Quyên Quyên (Zing.vn)

Nổi bật