"Đứa trẻ khổng lồ" là cụm từ chỉ những người trưởng thành mãi mắc kẹt trong thế giới trẻ thơ: không lao động, thiếu hụt khả năng tự chăm sóc bản thân, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào người nuôi dưỡng. Trên thực tế, có rất nhiều người phát triển bình thường về cả thể chất lẫn tâm lý, nhưng vẫn trở thành "đứa trẻ khổng lồ", nguyên nhân sâu xa xuất phát từ cách giáo dục của gia đình.
Trần Vũ (22 tuổi, Trung Quốc) chính là một ví dụ điển hình. Ở độ tuổi thanh niên cường tráng, Trần Vũ không có nghề nghiệp hay bằng cấp, mất kết nối với xã hội, chỉ ru rú ở nhà chơi điện tử và sống nhờ vào tiền cấp dưỡng của bố mẹ. Thậm chí, cơm ăn nước uống hàng ngày cũng do bà nội chuẩn bị và đút ăn. Bà Lưu - mẹ Trần Vũ chia sẻ: "Con tôi hầu như không ra khỏi nhà, chỉ chơi trò chơi trực tuyến trong phòng ngủ. Bà nội mang đồ ăn đến, thậm chí còn đút cho ăn".
Tìm hiểu về tuổi thơ và quá trình trưởng thành của Trần Vũ mới thấy, chính sự nuông chiều quá mức và thiếu đồng hành của bố mẹ đã khiến cậu mất phương hướng và trượt dài trên con đường trưởng thành.
Trần Vũ sinh ra trong một gia đình khá giả với mẹ là một giám đốc thành đạt ở Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) và bố là viên chức nhà nước. Hôn nhân không hoà hợp, bố mẹ Trần Vũ ly hôn nhưng vẫn giữ mối quan hệ văn minh để cùng nuôi dưỡng con trai, gửi cậu cho bà nội chăm sóc. Một năm sau đó, cả bố mẹ đều tái hôn.
Thương cháu thiệt thòi, bà nội hết mực nuông chiều Trần Vũ, dường như không bao giờ để cậu chịu khổ cực. Bố mẹ cũng liên tục đáp ứng mọi yêu cầu về vật chất của con, như một cách bù đắp. Thế nhưng không ai phát hiện ra Trần Vũ ngày càng khép kín, không có bạn và điểm chỉ ở mức trung bình. Xuyên suốt quá trình trưởng thành, Trần Vũ được bảo bọc, đủ đầy về vật chất nhưng thiếu đi người định hướng, tâm sự, cũng không có cơ hội sống tự lập và làm chủ cuộc sống của mình.
Đến khi Trần Vũ học năm hai tại một trường trung học tư thục, mẹ Trần Vũ quyết định cho cậu đi du học New Zealand vì xét thấy điểm của con khó đậu đại học trong nước. Tuy nhiên, việc để một đứa trẻ khép kín, chưa có sự chuẩn bị tốt về mặt tinh thần và sự tự lập một mình ra nước ngoài không hẳn là một quyết định đúng đắn.
Ở nước ngoài, Trần Vũ vẫn quen với nếp sống cũ, không giao tiếp với ai, chơi game giết thời gian và chỉ liên lạc về nhà khi cần tiền. Thậm chí cậu bạn ngày càng thu mình và bị nghi ngờ là mắc bệnh trầm cảm. Đến lúc này, mẹ Trần Vũ mới nhận ra con trai không phù hợp với việc du học và đưa cậu về nước.
Được biết chi phí cho con du học trong 2 năm bao gồm học phí và sinh hoạt là khoảng 2 triệu nhân dân tệ (khoảng 7 tỷ đồng). Tuy nhiên kết quả thu lại là không được gì vì Trần Vũ không lấy được bằng, tính cách ngày càng khép kín, thậm chí khi trở về nước tình trạng càng tệ hơn. Trần Vũ gần như không làm gì, chỉ ở nhà chơi game, đợi bà nội "cơm bưng nước rót".
Hiện tại bố mẹ Trần Vũ đều có cuộc sống sung túc. Thế nhưng cậu con trai lớn vẫn khiến cả hai lo lắng khôn nguôi, không biết khi nào cậu mới có thể trưởng thành và tự chăm sóc bản thân.
"Đứa trẻ khổng lồ" thật sự là bi kịch với chính bản thân người đó và gia đình. Ở Mỹ cũng có trường hợp Jack đã ngoài 30 tuổi nhưng vẫn ngậm núm vú giả, mặc tã, ngồi cũi, uống sữa bằng bình,... Anh chàng không có bất cứ khiếm khuyết nào trên cơ thể và phát triển bình thường. Tuy nhiên Jack cũng giống Trần Vũ, được nuông chiều từ nhỏ. Bố mẹ Jack vì khó sinh nên lúc nào cũng lo lắng, không để con trai ra khỏi nhà, kiểm soát tối đa và chăm sóc hết mực.
Dần dần, Jack mất đi khả năng tự chăm sóc bản thân, thiếu hụt kiến thức xã hội và mãi phụ thuộc vào bố mẹ già. Điều này khiến ai nấy đều xót xa.
Có lẽ, bố mẹ nào cũng muốn yêu thương và bảo bọc con. Thế nhưng để con được lớn cũng là một tiền đề quan trọng giúp con phát triển toàn diện, vững vàng về thể chất và tinh thần, có khả năng tự lập và làm chủ cuộc sống của mình. Dưới đây là một số lưu ý để nuôi dạy con trở thành một người tự lập:
- Đưa ra ví dụ tốt: Cha mẹ nên trở thành hình mẫu cho con cái. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải hành động đúng đắn và đưa ra các quyết định khôn ngoan, để con cái có thể học hỏi và theo dõi.
- Tôn trọng và lắng nghe: Cha mẹ cần lắng nghe và tôn trọng quan điểm của con. Với cách này, con cái sẽ cảm thấy được quan tâm và được coi trọng. Đồng thời khuyến khích con tự tin và độc lập.
- Cho phép con tự quyết định: Cha mẹ nên cho phép con tự quyết định trong các trường hợp thích hợp, nhưng đồng thời hướng dẫn con cách đưa ra quyết định khôn ngoan và đúng đắn.
- Khuyến khích sự độc lập: Cha mẹ nên khuyến khích con cái của mình trở nên độc lập và tự tin trong việc giải quyết vấn đề của mình. Điều này có thể được thực hiện bằng cách cho phép con làm một số việc nhỏ mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ, sau đó cùng con đánh giá kết quả để rút ra những bài học bổ ích.
- Học cách giải quyết vấn đề: Cha mẹ cần hướng dẫn con cách giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, bao gồm cách tìm kiếm thông tin, đưa ra quyết định, tìm ra giải pháp cho các vấn đề khó khăn.
- Khuyến khích sự đam mê và sáng tạo: Cha mẹ nên khuyến khích con cái của mình phát triển sự đam mê và sáng tạo bằng cách cho phép con tham gia nhiều hoạt động, học hỏi và thử nghiệm những điều mới mẻ.
- Tập trung vào sự phát triển của con cái: Cha mẹ cần tập trung vào sự phát triển của con cái, thay vì chỉ quan tâm đến thành tích. Bằng cách này, con cái sẽ cảm thấy được yêu thương và coi trọng, đồng thời được khuyến khích để phát triển các kỹ năng phù hợp.
Theo Hạ Mây (Phụ Nữ & Pháp Luật)