Vì vậy, nhiều cha mẹ đã nhận thức được việc khơi dậy tính thiện, lòng nhân ái, vị tha cho con từ khi còn nhỏ.
Giúp con điềm tính hơn khi đi làm từ thiện
Chị Nguyễn Thùy Dương (ở quận Phú Nhuận, TPHCM) có hai cô con gái Nấm 6 tuổi và Na 4 tuổi. Trong khi tính cách bé Nấm rất tình cảm, ấm áp thì bé Na thể hiện rõ sự đành hanh, khó chịu từ nhỏ: “Có bữa bút chì của bé Na gãy, bé bảo tôi đi mua cho một cây mới. Tôi đang nấu ăn nên dặn con - một lát nữa mẹ sẽ đi. Không ngờ con bé ném cây bút chì xuống đất, quay qua nói với tôi - mẹ gì mà không biết quan tâm con gì cả. Tôi vô cùng bất ngờ và lo lắng vì không biết tại sao con bé lại nói được những câu sốc như vậy. Hay tại con bé sống quá đầy đủ, được cưng chiều quá mức?”.
Chị Thùy Dương quyết tâm tìm cách để cải thiện tính cách của con. Chị liên hệ với một nhóm từ thiện và xin cho hai mẹ con tham gia. Nhóm thường xuyên tổ chức các chuyến từ thiện đến trại trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng những cụ già neo đơn, quyên góp xây dựng thư viện sách cho trẻ vùng cao….
Lần đầu đưa con đến trại trẻ mồ côi, hai mẹ con được phân công nấu ăn cho các bé. Bé Na tỏ ra bất hợp tác, không muốn tham gia, luôn miệng hỏi:“Bao giờ mình mới làm xong?”. Nhưng sau đó, khi nhìn thấy những em bé thiếu thốn tình cảm cứ quây lấy mẹ, đòi bế bồng thì Na thôi không nhõng nhẽo nữa. Sau đó, bé hòa vào chới với những em bé cùng trang lứa.
Sau lần ấy, Na luôn đặt hàng chục câu hỏi cho mẹ: “Mẹ ơi, tại sao các em ấy lại ở đó?” “Tại sao các em không có ba mẹ?” “Tại sao các em không có phòng riêng”…Sự giải thích của chị Dương giúp bé Na đã phần nào hiểu được nỗi bất hạnh của người khác và hiểu rằng mình là cô bé may mắn vì được sống đầy đủ, trong gia đình đầy yêu thương: “Sau vài lần đưa con đi, bé Na bớt đành hanh hơn, không đòi hỏi ba mẹ phải làm cái này cái kia cho mình nữa. Tôi nghĩ mình đã tìm đúng cách”.
Cũng như chị Thùy Dương, chị Ngọc Hòa (ở quận 7, TPHCM) cho con tham gia nhóm từ thiện từ khi bé Chíp lên 5. Bé phụ mẹ và các cô chú sắp quần áo ấm để gửi đến những trẻ vùng cao: “Không chỉ là một đứa trẻ ấm áp, tình cảm, trong quá trình làm từ thiện cùng mọi người, Chíp học được cách giao tiếp, cách xếp áo quần, sắp xếp đồ đạc cho gọn gàng, phù hợp”.
Hãy dạy con “của cho không bằng cách cho”
Giúp con trẻ biết cách chia sẻ những may mắn của mình đến với những người kém may mắn khác có thể là bài học đầu đời quan trọng nhất mà cha mẹ cần dạy trẻ. Deborah Spaide - người sáng lập Câu lạc bộ chăm sóc trẻ em, một tổ chức quốc gia có trụ sở tại New Canaan, Mỹ, cho biết. “Cũng giống như chúng ta cho trẻ cơ hội sử dụng đôi chân của mình khi trẻ đang tập đi, chúng ta cần phải cung cấp cho trẻ cơ hội để làm từ thiện, thể hiện sự quan tâm, thương yêu đến những người khác kém may mắn hơn mình.”
Patricia Schiff Estess, một nhà văn ở New York và là tác giả của quyển “Trẻ em – tiền và các giá trị” cũng cho rằng, lợi ích của việc tích cực bồi dưỡng lòng từ thiện cho trẻ em là rất lớn. Bên cạnh việc giúp trẻ mở rộng tầm nhìn, từ thiện còn mang lại cho trẻ em một sự thúc đẩy mạnh mẽ để nhân rộng lòng nhân ái, để trẻ nhận ra rằng có thể tạo sự khác biệt cho cuộc sống của một ai đó. Và khi bạn hướng dẫn một đứa trẻ giúp đỡ người khác, bạn đang giúp xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cha mẹ cũng nên dạy con “của cho không bằng cách cho”, cần có khái niệm rõ ràng rằng việc giúp đỡ ai đó phải có nguyên nhân xứng đáng. Không nên dạy con thả tiền vào cái nón của một người ăn xin, hay thả vài đồng tiền lẻ vào thùng quyên góp ở siêu thị, trung tâm mua sắm…Trẻ chưa đủ nhận thưc để hiểu rằng số tiền đó sẽ được mua cái gì, giúp đỡ người bất hạnh như thế nào.
Tốt nhất, các bậc cha mẹ nên để cho con cái của mình trải nghiệm việc làm từ thiện trực tiếp. Bạn có thể dẫn con đến những trại trẻ mồ côi, trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, trung tâm nuôi dưỡng người già neo đơn…Hãy để con tham gia các hoạt động như nấu ăn, chăm sóc, trò chuyện với người bệnh để con tự cảm nhận cuộc sống và cái nhìn về cách cho đi, cách chia sẻ một cách tinh tế nhất.
Theo Quỳnh Chi (Sohuutritue.net.vn)