Theo nhà nghiên cứu văn hóa, TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, nguồn gốc dâng sao giải hạn xuất phát từ quan niệm trong Đạo giáo của Trung Quốc. Theo đó, sẽ có 9 ngôi sao chiếu mệnh vào con người.
Trong đó có các sao xấu như: La Hầu, Thổ Tú, Kế Đô, Thái Bạch, Vân Hán. Các sao tốt như Thủy Diệu, Thái Dương, Thái Âm và Mộc Đức. Mỗi năm có một vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Theo chu kỳ 9 năm, sẽ trở lại sao ban đầu.
Bảng tính sao (nam xem bên trái, nữ xem bên phải). Đồ họa: Nguyễn Lý |
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Hữu Sơn cho rằng, ngày càng có nhiều người đi dâng sao giải hạn, đặc biệt, phải kể đến giới doanh nhân, người làm ăn buôn bán...
Ông so sánh thời gian trước đây, khi xã hội còn thời kỳ bao cấp, người ta không mấy quan tâm đến dâng sao giải hạn. Nhưng hiện nay kinh tế thị trường, luôn cạnh tranh khốc liệt. Hôm nay làm ăn tốt, ngày mai vẫn có thể ra đường như thường.
“Do tâm lý bất an, sợ vận đen ập đến do sao chiếu mệnh nên nhiều người đi giải hạn đầu năm cho yên tâm”, ông Sơn nhận định.
Lễ dâng sao giải hạn tại chùa Quán Sứ (Hà Nội, năm 2013). Ảnh Hồng Phú |
Theo ông Sơn, chưa chắc người giải hạn an toàn, người không giải hạn rủi ro. Có khi người giải hạn rồi có tâm lý chủ quan nên hỏng việc. Người không dâng sao giải hạn làm gì cũng cẩn thận nên dễ thành công.
“Bỏ ra nhiều tiền, hàng trăm triệu để làm lễ thì đó là mê tín dị đoan, không đúng dâng sao giải hạn”, TS. Trần Hữu Sơn góp ý.
Theo các nhà sư, đạo Phật có quan niệm về luật nhân – quả. Theo lời Phật dạy, không có ngôi sao nào chiếu vào con người mà nhờ đó gặp phúc lợi hay mang tai họa, tất cả do luật nhân quả - “gieo nhân nào thì gặp quả đó”.