Mỗi quốc gia sở hữu một nền văn hóa khác biệt dẫn đến việc “văn hóa công sở” của từng đất nước cũng khác nhau bởi được định hình dựa trên những nền tảng riêng. Nhật Bản từ lâu được biết đến là một quốc gia sở hữu nền tảng “văn hóa công sở” nghiêm túc, sở hữu vô vàn những quy tắc, chú trọng cung cách ứng xử, làm ra làm và chơi ra chơi vô cùng rạch ròi.
Cho nên, công ty Nhật thường là điểm đến cho những bạn trẻ muốn cống hiến, học hỏi và hết lòng với công việc. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của tảng băng và phần chìm thì chỉ có những người trong cuộc mới thật sự tường tận. Đã có không ít bạn trẻ vô cùng nhiệt huyết nhưng sớm vỡ mộng sau khi có cơ hội làm việc ở công ty Nhật một thời gian.
Bằng chứng đến từ việc, rất nhiều bài chia sẻ về sự vỡ mộng khi làm việc tại công ty Nhật đã được chia sẻ trong các hội nhóm trên mạng xã hội. Đơn cử, vừa mới đây, một nàng công sở đã làm dày lên kho tàng này bằng một bài viết mang tiêu đề “Không phải công ty Nhật nào cũng tốt”. Cụ thể, cô bộc bạch:
“Chào cả nhà, mình là một nữ nhân đang công tác trong lĩnh vực nhân sự, mảng tuyển dụng được hơn 3 năm. Hơn 2 năm nay, mình công tác tại một công ty Nhật, cũng có chút tiếng tăm trên thị trường. Trước khi vào làm việc tại công ty, mình rất thần tượng văn hóa và tác phong của người Nhật. Bản thân còn tự hứa, sau khi vào công ty sẽ cố gắng học tập trau dồi thêm tiếng Nhật để làm bước đệm cho tương lai. Nhưng đời có bao lần cho chúng ta được trọn vẹn.
Sau 1 tháng làm việc, tiếp xúc với sếp người Nhật, lẫn đồng nghiệp người Nhật, bao nhiêu kế hoạch đều tan thành mây khói. Mình xuất thân từ 1 trường ngoại ngữ nên tiếng Anh của mình sử dụng khá tốt, thế nhưng khi vào công ty, mình cứ như một đứa mù ngoại ngữ mọi người ạ.
Cơ bản là sếp mình dùng được tiếng Việt, đồng nghiệp thì dùng tiếng Anh rất kém, nên họ chỉ tập trung làm việc với 1 số nhân viên lâu năm thành thạo tiếng Nhật thôi. Với nhiệt huyết của sức trẻ, mình không cho phép bản thân bỏ cuộc, mình vẫn cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao với muôn vàn áp bức và sự ức chế.
Đỉnh điểm của sự ức chế, mình đã quyết định xin thôi việc trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vừa rồi. May mắn thay, mình nhận được lời mời từ 1 công ty khác. Sau các vòng phỏng vấn, mình cũng đã được chọn cho vị trí tuyển dụng của họ. Thế nhưng, một lần nữa lại là Nhật mọi người ạ. Công ty ấy, CEO là người Mỹ, nhưng hiện tại họ đang hợp tác với 1 tập đoàn bên Nhật nên Direct Manager của mình cũng có 1 người Nhật.
Tuy nhiên, khi tham dự phỏng vấn trực tiếp với bên ấy, mình cảm thấy mọi người thân thiện, thiện chí và chào đón. Sau 3 vòng phỏng vấn, cuối cùng mình cũng nhận được offer letter. Vì trong giai đoạn bàn giao tại công ty cũ nên mình chỉ check email cá nhân vào buổi tối thôi.
Sáng hôm ấy, bên đó gửi offer letter và chị người Nhật (quản lý trực tiếp tương lai của mình) đã chủ động gọi điện thoại và bày tỏ nguyện vọng mình sẽ nhận việc bên họ. Năm phút sau đó, 1 loạt tin nhắn chúc mừng từ CEO, cấp quản lý, đồng nghiệp trong bộ phận "chúc mừng mình đã được chọn tham gia vào công ty".
Thật sự, lúc ấy mình cảm thấy rất bất ngờ xen lẫn xúc động. Vì hơn 2 năm nay, mình cảm nhận sự ghẻ lạnh và thiếu tôn trọng nhân viên Việt Nam từ công ty hiện tại. Bây giờ, đùng 1 cái cũng là đất nước ấy, tại sao lại có những con người quá đỗi lịch thiệp và đáng yêu như vậy.
Hai hôm sau, công ty tổ chức tiệc tân niên và chủ động mời mình tham dự. Mình tham dự tiệc tân niên cứ như là một giấc mơ mọi người ạ. Mọi người ai cũng đáng yêu, thân thiện và cởi mở. Tối về nhà mình sợ lắm, sợ cảm giác bị vỡ mộng như trước đây.
Cuối cùng thì mình cũng đồng ý nhận việc bên ấy, mình sẽ bắt đầu công việc mới vào tháng 3 tới. Bạn bè xung quanh ai cũng rất ủng hộ mình, mọi người khuyên mình rất nhiều vì "Nhật this, Nhật that" không phải ai cũng tệ như thế. Nhưng hỡi ôi, lòng mình vẫn chưa yên mọi người ạ”.
Ngay sau khi được chia sẻ cách đây không lâu, bài đăng của cô gái đã nhanh chóng gây được sự chú ý của đông đảo thành viên trong nhóm kèm theo đó là rất nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm:
“Công ty Nhật thường không linh động trong cách xử lý công việc và quản lý nhân viên, rất tăm tắp theo quy trình cũng như thời gian làm việc. Làm lâu, cảm giác cực kỳ ức chế”.
“Em cũng có tâm trạng gần giống như chị. Ám ảnh môi trường làm việc cũ, ban đầu cứ ngỡ tốt nhưng sâu bên trong thì không biết được”.
Vào công ty thì chú ý làm tốt công việc thôi chứ kinh nghiệm của mình là không trông đợi với hy vọng gì cả. Bởi hy vọng nhiều chỉ toàn mang lại những thất vọng thôi”.
Mỗi công ty đều mang trong mình một nét văn hóa riêng cũng như mỗi nhân sự sở hữu một nét cá tính riêng vậy. Do đó, việc nhìn nhận công ty nào tốt hơn công ty nào dường như là một khái niệm quá đỗi chủ quan, bởi có chăng, tính cách của chúng ta hợp với môi trường, văn hóa của công ty nào hơn thôi.
Do đó, nếu đã may mắn tìm được nơi mình thuộc về, hãy cố gắng cống hiến và chứng tỏ năng lực của bản thân, còn nếu chưa, hãy cứ tiếp tục tìm kiếm. Nếu bản thân có năng lực, cầu tiến, chẳng cần lo không có nơi để về, chị em công sở nhỉ!
Theo Louis (Trí Thức Trẻ)