Tuổi thơ của mỗi chúng ta đều gắn liền với những câu chuyện cổ tích. Dù những nhân vật không có thật và chi tiết thì luôn mộng mơ, huyền ảo nhưng ta vẫn say mê đòi ông bà, bố mẹ kể cho nghe. Điều khiến ta thích nhất, đó là cuối mỗi câu chuyện, cái thiện đều chiến thắng cái ác, người tốt sẽ được báo đáp và kẻ xấu phải bị trừng trị. Những điều đó dần nuôi dưỡng trong ta một tâm hồn lành mạnh, hướng thiện.
Nhắc đến chuyện cổ tích, ắt hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến "Tấm Cám". Câu chuyện này có thể xếp vào hàng kinh điển, từ người trẻ đến người già ai ai cũng biết. Cô Tấm trong truyện có số phận thật khổ. Mồ côi mẹ, cha thì đi bước nữa, Tấm phải sống chung với dì ghẻ độc ác và cô em gái tai quái. Đến khi cha mất, Tấm bị hai mẹ con dì ghẻ bóc lột như người ở.
Sau này, Tấm nhờ Bụt giúp đỡ nên được làm vợ Vua nhưng lại bị hai mẹ con dì ghẻ giết hại hết lần này đến lần khác. Sau nhiều lần trùng sinh, Tấm trừng trị cả hai và sống hạnh phúc bên Vua. Dù câu chuyện có một số dị bản với những chi tiết được cho là hơi man rợ nhưng sau cùng, điều đọng lại vẫn là bài học "Tà không thắng chính".
Và rồi câu chuyện tuổi thơ bị nhiều người bóp méo, xuyên tạc...
Mới đây, mạng xã hội Tiktok bỗng nổi lên một loạt clip với nội dung như "Tấm và Cám ai ác hơn?", "Tấm và Cám ai đáng thương?",... Từ vai phản diện, nhiều lần đẩy chị gái vào cửa tử, Cám bỗng được một số bạn trẻ "tẩy trắng".
Họ thương cho Cám vì Cám... chịu nhiều bất công? Cám không được ông Bụt giúp đỡ? Rồi Cám không biết gì cả, dì ghẻ mới là chủ mưu của tất cả mọi việc! Một số còn chỉ trích Tấm vì cuối chuyện đã "nổi dậy" trả thù những kẻ đã hại mình. "Sao phải cho Cám tắm nước sôi, sao lại để dì ghẻ ăn mắm con mình? Sao không báo quan? Tính ra Tấm mới là người độc ác, man rợ nhất truyện này" hay "Cám vì yêu thương Vua nên mới thế" là bình luận của kha khá TikToker.
Thậm chí, một số TikToker còn "phá hủy" tuổi thơ của nhiều thế hệ bằng cách "ship" (gán ghép) các nhân vật thành một đôi, bất kể giới tính, tuổi tác. Chẳng hạn Tấm được "ship" với Cám? Dì ghẻ được "ship" với nhà Vua? Một TikToker bình luận: "Có ai xem phim Tấm Cám của Ngô Thanh Vân xong giờ lại thấy dì ghẻ với nhà Vua trông cũng xứng đôi không?".
TikTok vốn là mạng xã hội cho phép người dùng sáng tạo, đăng tải các video ngắn. Và chẳng biết có phải vì thiếu nội dung hay không mà nhiều bạn trẻ bỗng bóp méo một câu chuyện vốn gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ, phủ nhận những bài học, giá trị đạo đức mà nó mang lại.
Hãy cùng đọc lại câu chuyện và ngẫm
Tại sao ông bụt lại "thiên vị" chỉ giúp đỡ Tấm mà không giúp Cám? Vì ông Bụt là nhân vật đại diện cho cái thiện, giúp đỡ người tốt và trừng trị kẻ xấu. Hình tượng ông Bụt cũng chính là mơ ước của người dân về công lý trong xã hội phong kiến. Như vậy, Bụt làm sao có thể giúp đỡ Cám khi hai mẹ con ả bóc lột, đánh đập, hết lần này đến lần khác hãm hại Tấm? Đại diện công lý sao có thể tiếp tay cho cái ác?
Sao Tấm ác thế? Sao không đi báo quan mà lại phải trả thù man rợ như vậy? Hành động của Tấm chưa hẳn là trả thù, mà có thể xem là trừng phạt. Dù bị giết hại nhưng Tấm đã cố nhẫn nhịn rất nhiều lần, âm thầm hóa thành chim Vàng Anh, cây xoan đào, khung cửi với ước mong lặng lẽ bên Vua.
Tuy nhiên mẹ con Cám không chỉ giết hại mà còn triệt đường hồi sinh của Tấm bằng việc đổ tro khung cửi thật xa. Vậy nếu muốn sống yên ổn, Tấm không thể nào tiếp tục dung thứ cho cái ác, nhường nhịn như trước. Việc người thiện vùng lên, thay vì tiếp tục nhẫn nhịn cũng là điều mong muốn của nhiều người. Và những hình phạt mà mẹ con Cám phải nhận cũng tương xứng với những tội ác mình gây ra.
Hình phạt của Tấm tuy đáng sợ nhưng lại có tác dụng răn đe con người ta sống lương thiện, không làm điều ác hại người. Quyết liệt với cái ác cũng chính là cách nuôi dưỡng cái thiện!
Còn chuyện tại sao Tấm không báo quan? Nên nhớ đây là một câu chuyện cổ tích, ta không thể áp đặt tư duy của người hiện đại vào không gian văn hóa cổ tích được! Nếu lý giải rằng xã hội cổ tích cũng phải có tổ chức, pháp luật thì quá nhiều chi tiết khó chấp nhận. Như một Hoàng hậu sao lại về nhà giỗ bố một mình, rồi sao bà hậu chết mà Vua không điều tra? Vả lại, làm gì có Hoàng hậu nào lại phải báo quan?
Nhiều người kêu rằng Cám không phải chủ mưu mà tất cả do dì ghẻ gây ra? Xin thưa rằng, Cám không phải chủ mưu cái ác nhưng lại là người thực thi cái ác. Cám cướp tôm tép của chị, giết chim, chặt cây, đốt khung cửi rồi đổ tro đi xa. Dù ở xã hội phong kiến hay xã hội hiện đại thì kẻ gây án và chủ mưu đều phải đền tội cả!
Cám mù quáng vì yêu thương Vua? Có lẽ những bộ phim ngôn tình đã khiến không ít bạn trẻ mường tưởng về một tình yêu giữa Cám và Vua? Cả câu chuyện chưa một lần đề cập tình yêu của hai nhân vật này mà chỉ khắc họa hai mẹ con Cám là người tham giàu. Cả hai thấy Tấm làm vợ Vua, được sống sung sướng thì rắp tâm chiếm vị trí của nàng.
Sự tranh cãi về câu chuyện Tấm Cám khiến nhiều người bỗng nhớ đến có một thời gian, người trẻ bỗng lôi Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ra để mổ xẻ. Sao Kiều thông minh thế mà không đi làm kinh doanh, không bán nhà mà lại phải bán thân? Sao Kiều không như này, không như kìa?
Đừng lấy tư duy của người thời nay áp đặt cho người thời xưa. Sau cùng, hãy nhìn vào giá trị mà câu chuyện muốn truyền tải tới chúng ta. Với Tấm Cảm, đó là giá trị đạo đức, bài học về việc sống lương thiện, cái ác tất bị trả giá. Đã đến lúc, các TikToker nên để cho tuổi thơ của nhiều thế hệ được bình yên...
Theo Thanh Hương (Pháp Luật và Bạn Đọc)