Đám cưới là một trong những dịp mà bản sắc vùng miền được thể hiện rõ rệt và chân thật nhất. Mỗi một vùng miền mang một nền văn hoá khác nhau và thông qua đó người ta sẽ có cách thức tổ chức lễ cưới khác nhau. Nói đâu cho xa khi cái đầu tiên người ta thấy khác biệt rõ rệt nhất trong lễ cưới là đãi khách.
Câu chuyện bàn tiệc - mâm cỗ của người miền Tây và người Bắc khác biệt cũng là một điều khá thú vị. Đặc biệt, trên mạng xã hội nhiều người đã phân tích thành ý rất hay ho.
Mâm cỗ - Bàn tiệc
Nếu như người miền Tây thường gọi là bàn tiệc thì miền Bắc thường gọi là mâm cỗ, mâm cơm. Bàn tiệc của người miền Tây thường là bàn tròn, tiêu chuẩn một bàn 10 người còn ở miền Bắc trong mâm cỗ thường dùng bàn hình chữ nhật, bàn tiêu chuẩn 6 người (có nhà 8 người), ngồi 2 hàng đối diện nhau.
Thực đơn
Thực đơn tiệc cưới miền Tây thường ngắn gọn, chỉ đề tên những món chính (hiếm khi để bún, cơm...) còn thực đơn cỗ cưới ở miền Bắc thường đề nhiều món (có tính cả bún, cơm, bánh mì).
Khi đưa các món ăn lên bàn, miền Tây đưa lần lượt từng món một lên, tức là đem món thứ nhất, ăn xong, rồi đem "tàn tích" xuống bếp, sau đó đem món thứ hai lên… cứ thế cho đến món cuối cùng. Ở miền Bắc thì tất cả dọn lên mâm một lượt, cách này thì việc dọn lên và xuống có vẻ gọn gàng hơn trong Tây.
Trên mâm cỗ, người miền Bắc thường đãi rượu và chỉ đàn ông uống, còn miền Tây thường đãi bia, phụ nữ, thanh niên uống thoải mái.
Miền Tây khi uống bia, cả bàn đồng thanh "1 2 3 dzô, 1 2 3 uống, 1 2 3 uống". Miền Bắc uống 1-2 chén cùng nhau sau đó sẽ kính nhau.
Về món ăn trên bàn tiệc, ở miền Tây món đầu tiên dọn lên thường là súp, gỏi, món kế cuối là lẩu: lẩu chua, ngọt, chua ngọt, chua cay, lẩu Thái, lẩu hải sản… Món cuối cùng thường là đồ ngọt, trái cây, rau câu, chè thập cẩm, sâm bổ lượng. Ở miền Bắc món tráng miệng chủ yếu là trái cây, ít dùng đồ quá ngọt.
Bài viết chỉ mang tính chất chia sẻ quan điểm cá nhân, không có ý so sánh vùng miền.
Theo Hạ Phong (Trí Thức Trẻ)