Là một trong những nước có thói quen dùng đũa phổ biến, từ những quán ăn bình dân đến khách sạn 5 sao, việc dùng đũa cũng phổ biến chẳng khác gì cách người châu Âu dùng dao dĩa.
Thoạt nhìn cách dùng đũa cũng khá đơn giản khi dùng 2 chiếc đũa bằng tre hoặc gỗ để gắp thức ăn. Thế nhưng nếu đã hiểu về ẩm thực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng có thể thấy chẳng những đồ ăn cực kỳ đa dạng mà từ cách dùng đũa sao cho đúng, không phạm phải điều kiêng kỵ cũng rất được chú trọng.
Một tài khoản Tiktok người Nhật Bản sống tại Việt Nam thường có những video so sánh những thói quen thường ngày của 2 nước có tới gần 40.000 lượt theo dõi và hơn 700.000 lượt thích mới đây đã vấp phải chiều chỉ trích khi làm video so sánh cách dùng đũa của Việt Nam và Nhật Bản.
Theo đó trong video tài khoản này mô tả cách gắp thức ăn cho nhau của người Việt Nam lại dùng cách nối đũa (thức ăn sẽ được đưa từ đũa người này sang đũa người kia), còn ở Nhật Bản lại là gắp thẳng vào bát và người cho đồ ăn cũng khá cẩn thận.
Video nhanh chóng thu hút nửa triệu lượt xem và rất nhiều bình luận thể hiện sự bức xúc với cách nhìn nhận mang tính cá nhân và thiếu đi sự tìm hiểu về phong tục của người Việt Nam.
Việc dùng đũa ngay từ nhỏ những đứa trẻ đã được bố mẹ hướng dẫn tỉ mỉ, từ chuyện thành viên nhỏ tuổi trong nhà đảm nhiệm việc so đũa trong mỗi bữa cơm, đưa tận tay cho những người lớn tuổi trước, đến việc nhắc nhở con cái không được dùng đũa gõ lên bát, cách đặt đũa như thế nào cũng đều có sự lý giải cặn kẽ.
Việc gắp nối đũa không những là cách hiểu lệch lạc về cách ăn uống của người Việt, mà hành động này còn là điều đại kỵ. Trong hàng chục lưu ý khi sử dụng đũa, việc nối đũa khiến người ta liên tưởng đến việc gắp tro cốt của người đã chết sau khi hỏa táng mà từ xưa đến nay đã lưu truyền trong phong tục từ rất lâu. Do đó, đây cũng là việc làm nên tránh, mà trong cách ăn uống hàng ngày việc làm này cũng không được thực hiện, đặc biệt là trong những bữa cơm gia đình.
Trong danh sách video của tài khoản này còn có nhiều video so sánh những thói quen khác của người Việt cũng mang tính chủ quan, bị nhiều thành viên mạng xã hội phản đối một cách gay gắt.
Theo Haley (Trí Thức Trẻ)