Dân công sở "suy kiệt" vì chạy đua kiếm tiền tiêu Tết

14/01/2015 19:56:42

Chỉ cần bỏ ra một số tiền vốn nho nhỏ, nhiều chị em công sở có thể tự do “canh tác” để kiếm thêm thu nhập. Trong những ngày tết đang cận kề, việc buôn bán của họ được phát huy hết công suất.

Chỉ cần bỏ ra một số tiền vốn nho nhỏ, nhiều chị em công sở có thể tự do “canh tác” để kiếm thêm thu nhập. Trong những ngày tết đang cận kề, việc buôn bán của họ được phát huy hết công suất.

Đó là khẳng định của chị Nguyễn Thu Trang ở Thanh Trì, Hà Nội về việc lựa chọn mặt hàng để kinh doanh dịp tết.

Theo chị Trang chia sẻ thì bản thân chị là một nhân viên kế toán, lương 4 triệu đồng/tháng. Chồng chị chỉ là dân lái xe ôm nên thu nhập bấp bênh. Chính vì thế vợ chồng chị phải rất dè xẻn trong việc chi tiêu ăn uống.

Do làm kế toán, chị Trang nắm khá rõ những chi tiêu, thu nhập cũng như khoản thưởng tết của cơ quan. Vì vậy năm nay, để có cái tết no đủ, chị cùng chồng đã lên kế hoạch tăng thu nhập bằng cách buôn bán thêm.

Hộp đựng giày dép được chị Trang rao bán 


Chị Trang chia sẻ: “Công ty tôi chắc chắn năm nay sẽ thưởng ít vì phải chống chọi với thời buổi kinh tế khó khăn. Rút kinh nghiệm triệt để từ năm ngoái, ngay từ đầu tháng 11 dương lịch, tôi đã tính toán, lên kế hoạch để buôn bán có thêm thu nhập”.

Mặt hàng mà chị Trang chọn để buôn bán dịp tết là hộp đựng giày tiện lợi cho gia đình. Theo chia sẻ của chị thì lý do chọn mặt hàng này để bán thứ nhất bởi nó là hàng thiết yếu được nhiều gia đình lựa chọn để sử dụng nên chắc chắn sẽ bán chạy. Thứ hai do dễ nhập, dễ vận chuyển và vốn không nhiều nên chỉ cần bỏ ra vài triệu là có thể kinh doanh được.

“Bình thường, giá cho một hộp giày là 130 nghìn đồng, thế nhưng dịp cận tết, tôi giảm giá xuống còn 100 nghìn, lãi không nhiều nhưng bán chạy cũng bù trừ cho nhau. Nhẩm tính nếu một ngày bán được 3 - 5 hộp tôi cũng lải khoảng gần 150 nghìn. Như vậy, thu nhập 1 tháng từ việc làm thêm của tôi cũng ngót nghét 3 triệu đồng”, chị Trang nói.

Chị Nguyễn Phương Lam là nhân viên kinh doanh của một công ty chuyên bán thiết bị vệ sinh. Chị đã có thâm niên 2 năm làm nghề buôn bán thêm. Đối với chị Lam, Tết là “mùa làm ăn” và dễ kiếm tiền nhất trong năm. Năm nay, chị cùng cô em họ đang là sinh viên chuẩn bị chu đáo cho kế hoạch buôn rau phục vụ những ngày cận Tết.

Từ 4 giờ sáng, chị Lam có nhiệm vụ đi lấy rau và chở rau từ chợ đầu mối Long Biên về nhà. Sau đó cô em họ chị sẽ chịu trách nhiệm phân loại, chia nhỏ và chụp ảnh lại để rao bán trên các trang mạng mà hai chị em đã lập sẵn để chào mời khách hàng vào đặt hàng.

Theo chị Lam chia sẻ thì số tiền vốn bỏ ra tuy khá lớn nhưng lãi suất thì cao hơn gấp nhiều lần so với các công việc làm thêm khác.

“Tôi chỉ tính đơn giản như một bông súp lơ tôi mua loại ngon nhất là từ 8 đến 10 nghìn thì sẽ bán với giá khoảng 20 - 35 nghìn. Các loại rau khác cũng thường bán gấp 3, 4 lần nên chỉ trong 1 ngày nếu bán chạy tôi cũng sẽ giật lại đủ vốn”, chị Lam nói.

Chị Lam cũng cho biết thêm, “Trời càng lạnh người dân sẽ ăn lẩu càng nhiều và rau xanh lại càng đắt giá. Chỉ bán tới mấy tháng lạnh này cũng tha hồ mà mua sắm tết”.

Kiếm tiền tết vì “bất đắc dĩ”

Đối với các chị em, số tiền họ kiếm được trong dịp cận Tết có thể bằng vài tháng đi làm. Thế nhưng không phải ai cũng có “bàn tay vàng” để buôn bán sinh lời và không phải bất cứ người nào đi bán hàng thêm cũng bởi lương thấp, không đủ tiêu.

Vốn là dân văn phòng của một công ty truyền thông ở Hà Nội với mức lương ngót nghét 10 triệu đồng thế nhưng chị Thu Trà vẫn kiếm thêm thu nhập từ việc bán hàng thêm cho nhiều chị em cùng cơ quan.

Vốn là người khéo tay, chi Trà thường hay mày mò làm mứt tết. Loại mứt mà chị thường làm là mứt dừa, mứt bí…

Nhiều chị em công sở nhờ khéo tay mà kiếm được bộn tiền dịp cận tết


Chị chia sẻ, vì năm ngoái tôi cũng làm mứt cho gia đình ăn rồi biếu một vài bạn bè đồng nghiệp trong cơ quan. Mọi người dùng thử thấy ngon và sạch sẽ nên động viên tôi làm rồi bán tăng thêm thu nhập. Từ năm trước đến nay, tôi đã trở thành mối hàng của nhiều chị em trong cơ quan.

“Năm nay, tôi đã làm sẵn một ít mứt tết. Đối tượng khách hàng chủ yếu của tôi vẫn là những người thân quen. So với giá ở các cửa hàng hiện nay thì một túi mứt 1kg của tôi giá chỉ khoảng 150 đến 200 nghìn tùy loại. Vì thế năm nào cũng cháy hàng trước khi nghỉ tết”.

Chị cho biết.: “Năm ngoái khi mới tập tành làm rồi bán cho các chị em, chồng tôi cũng ý kiến lắm. Anh ấy nói: Nhà mình không thiếu tiền để cho em phải vất vả như thế. Thế nhưng, tính tôi thì hay làm nên tôi vẫn thuyết phục được chồng cho phép.

Thực ra để làm một mẻ mứt cũng mất rất nhiều thời gian và công sức. Nhất là khâu đi chọn dừa, nạo dừa đến khâu sao cho ra thành phẩm vừa ngon vừa đẹp để giao cho 3 - 4 đơn hàng”.

Năm nay việc cơ quan lại tất bật công với nhiều đêm thức tận 11 - 12 giờ để làm hàng hóa  đã khiến cho sức khỏe của chị gần như bị suy kiệt.

"Mọi người động viên tôi làm thêm kiếm được đôi đồng nhưng lại không có thời gian để chăm sóc bản thân, con cái. Dịp này nhà tôi lại cứ rối như canh hẹ, chính vì vậy tôi quyết định làm nốt mẻ hàng này xong cũng sẽ nghỉ hết không ham hố gì nữa", Chị Trà khẳng định.

>> Hoa tết Trung Quốc: Đẹp nhưng độc
>> Những loại cây, quả hút tài lộc ngày Tết
>> Hoảng hồn nghe dân công sở đi buôn bị khách gạ tình

Theo Hạnh Thúy (VietNamNet)