Tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh, thế nhưng cảnh tượng "một túp lều tranh" hai quả tim vàng lại thật sự diễn ra ở đời thật và nó khiến không ít người rơi nước mắt khi chứng kiến. Đám cưới chỉ vỏn vẹn một bàn khách, nước cam thay rượu, cô dâu mặc một chiếc đầm xinh xắn, chú rể mặc áo dài đỏ, trước sự chứng kiến của bà con lối xóm cứ thế mà họ chính thức nên vợ nên chồng...
BÀ CON LỐI XÓM ĐÓNG VAI NHÀ TRAI - NHÀ GÁI DỰNG ĐÁM CƯỚI CHO HAI VỢ CHỒNG KHỜ
Theo đó, đám cưới đặc biệt này được diễn ra tại một xã vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Đồng Tháp, không gian tổ chức chỉ duy nhất một bàn tiệc được đặt dưới tán cây xanh cạnh gầm cầu - nơi cô dâu Kim Thanh và chú rể Anh Dũng sinh sống bấy lâu nay.
Người đứng ra tổ chức đám cưới cho đôi trẻ là bà con lối xóm xung quanh với phần lễ và phần tiệc đầy đủ của một đám cưới truyền thống.
Đám cưới có đại diện nhà trai, nhà gái là những bà con "quyến thuộc" xung quanh, gắn bó với cả hai vợ chồng khờ từ lâu. Được biết, ý tưởng tổ chức cưới này là nhờ vào các YouTuber miền Tây, khi họ tìm hiểu và phát hiện được nhiều sự thú vị từ đôi vợ chồng khờ hết lòng đùm bọc, yêu thương nhau này.
"Hai em đã đến với nhau từ một túp lều tranh, hai quả tim vàng sống với nhau ở dưới gầm cầu. Nay được sự yêu thương của bà con xung quanh, để thỏa niềm ước mơ của hai em là được ăn những bữa ăn ngon mà từ trước giờ chưa được ăn, niềm mơ ước ấy đã được giúp đỡ. Bên cạnh đó mơ ước thứ 2 của hai em tổ chức một lễ cưới nho nhỏ để cả hai chính thức thành vợ chồng. Từ trước giờ hai đứa chỉ sống với nhau bằng tình thương thôi", chủ hôn nói khiến nhiều người chứng kiến phải lau nước mắt.
Trong suốt buổi lễ, hàng xóm liên tục hướng dẫn đôi vợ chồng trẻ làm các thủ tục truyền thống từ mời nước hai người lớn, cắt bánh kem, uống giao môi,... Cảm động nhất là cảnh cô dâu, chú rể gạt nước mắt cắt bánh kem.
CẢ XÓM NGƯỠNG MỘ TÌNH YÊU ĐẶC BIỆT CỦA NGƯỜI CHỒNG KHỜ DÀNH CHO VỢ NGƠ DƯỚI GẦM CẦU
Được biết, vì tính tình khù khờ và chậm chạp nên anh Dũng và chị Thanh được người dân trong vùng gọi là "vợ chồng khờ", cả hai đã có với nhau 1 đứa con, sống nhiều năm liền trong một túp lều ở dưới cầu.
Mặc dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng anh Dũng, chị Thanh luôn tích cực chăm sóc và yêu thương nhau, vì khù khờ nên cả hai chỉ quanh quẩn ở xóm bằng nghề nhặt phế liệu, ve chai kiếm sống qua ngày.
Trước ngày tổ chức lễ cưới, cả hai vợ chồng trẻ đã được thử áo dài, trang điểm. Tất cả các công đoạn đều được hàng xóm chuẩn bị và lên kế hoạch. Từng hành động nhỏ của vợ, anh Dũng luôn để ý và theo quán tính phản xạ của anh là chiều vợ hết mực.
"Nghĩ tới mà không ngủ được luôn á", chị Kim Thanh bập bẹ nói.
Được biết, vì hoàn cảnh khó khăn nên anh Dũng chị Thanh chỉ về sống cùng chứ chưa từng có một đám cưới đúng nghĩa. Vì chị Thanh đôi lúc tinh thần không ổn định nên mẹ anh Dũng nuôi con thay cho cả hai, không khác gì con trai, mẹ anh Dũng cũng chịu cảnh sống tạm bợ nay đây mai đó.
Cả gia đình không có bất kỳ giấy tờ tùy thân nào và cứ như thế họ sống dưới gầm cầu suốt bao năm nay. Theo những người hàng xóm cho biết, anh Dũng là một người chồng tốt, luôn chiều, nhường nhịn vợ từng li từng tí, dù đôi lúc vợ khó chịu.
"Hai vợ chồng khờ có tâm lắm, ăn chay, đi chùa, sống ở gầm cầu, sát sông tối nước lên ở dưới thì rút chân lên giường, ở trên mà mưa thì hai vợ chồng lấy đồ che rồi ngủ, có nhiều đêm rắn rết bò trên giường, mẹ của hai em cũng không có nhà ở phải ở trong nhà tình thương nhưng sắp tới cũng phải trả nhà xuống gầm cầu ở luôn vì không có nơi ở. Chính quyền địa phương cũng đã cố gắng giúp đỡ, xét hộ khẩu nhưng vì cả gia đình ở xứ xa lên lập nghiệp, chỗ quê cũ thì người ta cắt hộ khẩu, từ đó không có tờ giấy tùy thân nào", một người xóm kể lại.
Theo Bảo Trân (Pháp Luật & Bạn Đọc)