Cũng tốt nghiệp từ ngành sư phạm Anh và có một số năm theo nghề dạy với nhiều đối tượng học sinh, người viết thực sự không ủng hộ cách hành xử của cô giáo nhưng vẫn cho rằng, chính các học viên phải xem lại mình.
Với đối tượng người đã đi làm, việc không làm đủ bài tập về nhà dường như là điều phải chấp nhận
Chắc chắn nhiều bạn không đồng ý với quan điểm này của tôi, nhưng có thực sự đi làm giáo viên mới hiểu. Đối tượng người đi làm và cố gắng đi học tiếng Anh (đa phần tại các lớp buổi tối) có quá nhiều, nhưng có một điểm chung, họ đều phải làm việc rất nhiều và với mức học phí hiện nay của đa phần các trung tâm tiếng Anh, đóng đủ tiền học phí với họ cũng rất vất vả rồi.
Trong bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, trước khi làm nghề, hãy hiểu đối tượng mình đang làm việc là ai. Đối tượng người đi làm phải bỏ số tiền lớn ra để học, chính vì vậy đa phần họ cũng ý thức được rằng họ cần phải học, cần phải sử dụng được tiếng Anh, nhưng thời gian đơn giản nhiều khi không cho phép.
Tôi từng dạy nhiều giảng viên tại các trường, họ phải đi học thêm tiếng Anh để thi IELTS rồi xin học bổng nước ngoài, hoặc học nghe nói giao tiếp phục vụ cho công việc. Họ cho biết khối lượng công việc ở trường của họ cũng vô cùng khủng khiếp.
Có những người mỗi năm dạy khoảng 1.300 tiết học, chưa kể các công tác khác của trường như trông thi, chấm thi hoặc đi dạy các tỉnh, chính vì vậy, dù họ rất cố gắng thức khuya dậy sớm nhưng thường chỉ hoàn thành được khoảng 20% đến 50% bài tập về nhà, có những khoảng thời gian đi công tác tỉnh, gần như họ không thể làm nổi bởi di chuyển liên tục.
Vì vậy, theo quan điểm dạy học của cá nhân tôi, tôi cũng phải chấp nhận lịch làm việc dày đặc của họ, chỉ có một điều duy nhất họ phải làm cho tôi: Với lượng bài tập đó, với mỗi khóa học, tôi sẽ chỉ chấp nhận cho vào lớp khi đã hoàn thành tối thiểu 30% bài tập về nhà (tôi có kiểm tra) và không nghỉ quá 20% số buổi. Nếu học viên nào vi phạm kiên quyết tôi không nhận vào lớp.
Trong quá trình dạy học, tôi cũng tranh thủ thời gian nói cho học viên hiểu rằng chính việc họ không làm bài tập đang khiến họ lãng phí chính tiền của họ khi mà thời gian lẽ ra dành để học cái mới trên lớp lại phải dành quá nhiều cho việc chữa bài tập về nhà. Và như vậy, không ai vỗ tay bằng một bàn tay, mục tiêu của khóa học mà họ bỏ nhiều triệu ra để theo đã không thể làm được do chính họ.
Bằng cách làm như vậy, tôi cũng giúp cho học viên của mình chăm chỉ hơn, dù vẫn còn một số ít người không tuân thủ được đầy đủ. Trong dạy học, nguyên tắc tối thiểu là không được xa rời học viên, việc chửi mắng, mạt sát họ khi họ không làm bài tập hoàn toàn đi ngược lại tiêu chí trên.
Hãy tôn trọng những người đã bỏ tiền ra cho mình
Hiện nay đang tồn tại nhiều quan điểm về vị thế của người giáo viên dạy tiếng Anh và học viên trong vụ việc trên. Có những người cho rằng giáo viên trong trường hợp này có vị thế cao hơn hẳn học viên, còn có nhiều quan điểm khác lại khẳng định ở các trung tâm tiếng Anh, giáo viên đơn thuần là người cung cấp dịch vụ giáo dục và vì thế quan hệ trong vụ việc này là quan hệ giữa người bỏ tiền mua dịch vụ giáo dục và bên kia là người cung cấp dịch vụ giáo dục.
Sẽ thật khó để khẳng định rằng quan điểm nào mới hoàn toàn chính xác, tuy nhiên theo quan điểm của cá nhân người viết, quan điểm thứ hai hợp lý hơn. Học viên đến trung tâm, đóng tiền cho trung tâm và trung tâm có đưa ra cam kết về đảm bảo trình độ đầu ra cho học viên, học viên ngược lại cũng phải thực hiện đúng các cam kết với phía trung tâm. Chính vì vậy, quan hệ giáo viên và học viên sẽ khá bình đẳng, và vị thế của giáo viên cũng chỉ hơn học viên một chút.
Trong quan hệ mua bán dịch vụ thông thường, dù khách hàng có bỏ tiền ra mua cho bạn một món hàng nhỏ chỉ vài nghìn bạc, bạn cũng vẫn phải có trách nhiệm cảm ơn người đó. Trong ngành giáo dục, việc sỉ nhục một người khách hàng (học viên) bỏ ra chục triệu đồng (tương đương với lương cả tháng của quá nhiều người trong xã hội chúng ta hiện nay) dù nhân danh lý do gì cũng hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Cho đến nay, các vụ bê bối do giáo viên xúc phạm học sinh trong hệ thống trường học chính thống đều đã bị xã hội phản ứng và những người giáo viên xấu đó đều đã phải chịu hình phạt bởi họ dạy trong môi trường Nhà nước với quá nhiều ràng buộc về pháp lý? Liệu có phải chăng chúng ta đang thiếu đi nhiều quy định pháp lý ràng buộc về quy tắc ứng xử của các giáo viên dạy ở các trung tâm nên mới dẫn đến tình trạng giáo viên trung tâm xúc phạm học viên nhiều lần đến như vậy?
Chê bai, chỉ trích phải chăng rồi để đó?
Từ góc độ của một học viên, khi chúng ta đã nộp tiền cho các trung tâm, chúng ta trước tiên hãy tìm hiểu kỹ quy định của nơi mình sẽ học, và thực hiện đúng, đầy đủ những quy định đó, và sau đó, ngược lại, chúng ta có quyền yêu cầu trung tâm phải thực hiện đúng cam kết của họ.
Trong tất cả các điều khoản mà các trung tâm tiếng Anh đưa ra đến thời điểm hiện tại, chắc chắn chưa bao giờ có điều khoản giáo viên của trung tâm được phép xúc phạm và nhục mạ học viên. Và sau tất cả những lùm xùm mới đây, chúng ta phản đối mạnh mẽ người giáo viên tiếng Anh đó, và rồi chúng ta sẽ quên, không lâu nữa vụ việc tương tự sẽ xảy ra sao?
Chính vì vậy, từ góc độ của một người học viên, chúng ta có quyền tẩy chay những đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục xấu, có trình độ chuyên môn không đạt như cam kết họ đưa ra ban đầu và cũng không hành xử tôn trọng học viên đúng mực.
Bản thân người viết rất không đồng tình với những học viên ngồi im lặng khi giáo viên nhục mạ học viên trong trường hợp của trung tâm tiếng Anh M., khi đã đến lớp học, trách nhiệm của học viên là phải tôn trọng giáo viên, nhưng ngược lại, giáo viên cũng phải tôn trọng học viên. Không thể có một từ ngữ chợ búa, đường phố nào được chấp nhận trong môi trường giáo dục. Nếu ngay từ đầu, học viên phản ứng, hẳn cô giáo cũng không thể nào có cách hành xử lấn tới với học viên như vậy.
Để tránh cho những trường hợp tương tự xảy ra trong tương lai, là một học viên, chúng ta hãy thực hiện quyền tẩy chay của mình với những đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục xấu, chỉ bằng cách đó, chúng ta mới có thể xây dựng nên một môi trường giáo dục thực sự lấy người học làm trung tâm và tôn trọng học viên đúng mực.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Ngọc Diệp - cử nhân sư phạm Anh, cựu giáo viên, nhà báo Kinh tế từng có khoảng thời gian học và làm việc tại Nhật.
Theo Ngọc Diệp (Trí Thức Trẻ)