Ngày 17 tháng 9 năm 2018, khi mà cột khói bốc cao hàng chục mét lên trời xanh. Tôi - ở cách xa đó phải mấy kilomet, bàng hoàng nhận ra đám cháy khổng lồ đang bao trùm khu vực gần Bệnh viện Nhi Trung ương.
Mùi khét lẹt của nhựa cao su. Công tơ điện cháy đen như than, cửa nhà còn trơ mỗi khung. Mọi thứ đều tan hoang. Đêm hôm đó, giấc ngủ của nhiều nạn nhân chênh vênh lắm. Chúng tôi cầu nguyện, lực lượng chức năng sẽ không khiêng ra bất cứ một cái xác nào từ hiện trường.
Một vài người đứng bên, xì xào: "Chắc bên trong có nạn nhân tử vong. Đám cháy to quá!". Tôi xua tay, vì vẫn tin rằng thiệt hại chỉ về tài sản, tôi vẫn tin như thế!
Đêm đó, không một thi thể nào được tìm thấy.
Một ngày trôi qua, ước tính thiệt hại ban đầu: 19 căn nhà bị cháy, ảnh hưởng đến 31 hộ dân và 99 nhân khẩu.
Hai ngày trôi qua, chưa cập nhật thiệt hại về người.
Ba ngày trôi qua, vẫn như trên.
Sang ngày thứ 4, lực lượng chức năng bất ngờ phát hiện thêm 2 thi thể trong hiện trường vụ cháy. Khoảng 23h đêm 21/9, thi thể không nguyên vẹn của 2 nạn nhân xấu số được đưa ra ngoài. Họ là một cặp vợ chồng, mà trong cơn giận dữ của hoả thần, đã không kịp chạy thoát thân.
Chúng tôi như chết lặng.
Cuộc sống của 2 đứa trẻ sau vụ cháy lớn ở Đê La Thành. Thực hiện: Kingpro.
2 mạng người lớn, đổi lấy một đứa trẻ thơ
Câu chuyện tang thương về vợ chồng chị Hà Thị Lành (SN 1977) và chồng là anh Tạ Văn Tính (SN 1976, quê ở Phố Khánh, thị trấn Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) khiến chúng tôi nhiều trăn trở. Vì anh chị khổ, mà những người thân ở lại cũng khổ.
Bà Ngọ - mẹ ruột anh Tính, kể lại mọi chuyện chi tiết như một cuộn băng: từ lúc chị Lành bị thủng ối phải nhập viện sinh non bé Tạ Công Minh, đến việc hai vợ chồng khăn gói lên Hà Nội chữa trị cho con trai bị sưng phổi. Ngày nào anh chị cũng gọi điện cho bố mẹ.
"Mẹ à, nay bọn con thuê được căn phòng 1 triệu rưỡi/tháng". (ngày 15/9/2018).
"Mẹ à, có dãy trọ 15.000 đồng/ngày còn chỗ trống nên bọn con chuyển qua rồi". (ngày 16/9/2018).
Đến ngày 17/9, 2 anh chị gặp nạn. Bà Ngọ vẫn nghĩ, nếu không chuyển chỗ trọ thì chắc bà không mất con.
"Cái Lành nó đẻ mổ thằng Minh, khi ấy cháu tôi mới 6 tháng rưỡi. Nhưng không may bị thủng túi ối. Sinh xong, mẹ nó có sữa ngay nhưng em bé chưa ăn được vì yếu quá. Sau một thời gian, sữa mẹ không đủ. Bác sĩ căn dặn dạ dày bé còn yếu, cho ăn sữa mẹ chứ đừng ăn sữa bột. Mẹ nó đi xin sữa cho con, nhưng xin mãi cũng ngại...
Giờ con tôi mất rồi, tôi pha sữa bình cho Minh uống" - bà Ngọ bật khóc.
Năm 23 tuổi, anh Tính kết hôn với chị Lành, vợ chồng sinh sống bằng nghề cày cấy. Nông nhàn, cứ hết việc vợ chồng lại đi làm thuê làm mướn, lao động tự do, ai thuê gì làm nấy.
Do mắc bệnh khó sinh nở, bao nhiêu tiền anh Tính chị Lành vun vén chữa trị với mong ước có một mụn con. Sau nhiều năm, em Tạ Thành Công (14 tuổi) ra đời là niềm hạnh phúc của anh chị. Sức khoẻ tốt, anh chị quyết định sinh thêm con, là bé Tạ Công Minh.
Trong chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng ngày 20/10 - ngày quốc tế phụ nữ, chúng tôi nghẹn ngào nhìn hình ảnh Công và ông nội xuống viện Nhi thăm Minh. Từ ngày bố mẹ mất, Minh được các bác sĩ, y tá tại Khoa điều trị tích cực tận tình chăm sóc.
"Đấy là lần đầu tiên tôi xuống Hà Nội thăm cháu", ông Tụng (bố anh Tính) nói. "Ở đó có rất nhiều cháu, nhưng nhìn đứa bé mặc áo màu cam, tôi ngờ ngợ là cháu mình. Công đi vòng rưỡi quay lại nhận ra em. Tôi đứng ngoài cửa kính nhìn vào, đúng là cháu mình thật rồi. Thấy cháu khoẻ mạnh, tôi phấn khởi quá".
Minh tròn 4 tháng, nhưng cơ thể em như trẻ mới sinh. Bàn tay Minh bé xíu, cố vươn ra nắm chặt tay anh trai, ông nội, như chẳng muốn rời xa. Em bé 4 tháng tuổi khóc ré lên khi nhìn thấy anh trai. Công dỗ dành, vỗ về em: "Anh đây, không khóc. Em đừng khóc. Cố gắng mạnh mẽ nhé, để về với anh...".
Bé Minh nhoẻn miệng cười - một nụ cười hiếm hoi trong gần một tháng nằm viện của em.
"Chắc thằng lớn cũng nhiều đêm sụt sịt, vì cũng thấm cái đau chứ..."
Ngày 17/10, đúng 1 tháng sau vụ cháy Đê La Thành, bé Tạ Công Minh được anh trai, ông bà và người thân đón về nhà chăm sóc. Điều ước giản đơn của Công đã thành sự thật, khi hai anh em được ở gần nhau, gần bố mẹ và quê hương.
Từ ngày đón cháu về, 2 ông bà nội và cô, chú thay nhau chăm sóc Minh. Bà pha sữa thì ông bế Minh. Mỗi tháng, gia đình đều đặn đưa em bé lên Hà Nội khám định kỳ. Nhưng ông nội lo, mùa này là mùa rét, sợ trái gió trở trời, vất vả. Miễn là Minh được đi khám, xem bệnh tình thế nào, chỉ cần cháu khoẻ mạnh là ông bà vui.
"Cứ đói là cho ăn, buồn ngủ cho ngủ. Đêm đói cho ăn rồi lại ngủ. Trộm vía cháu ngoan không quấy khóc. Mỗi đêm thường tỉnh dậy 3 lần" - bà Ngọ kể. Dù mất 2 người con nhưng nay được đón em bé về, có phần nào giúp ông bà vơi đi nỗi nhớ. "Cháu nội mình đây rồi, tập trung nuôi cháu khoẻ mạnh".
Dù được đưa về nhà nhưng bé Minh còn non và yếu, buộc phải được chăm sóc trong điều kiện cách ly, hạn chế người vào thăm. Bà con hàng xóm cũng không được tiếp xúc với cháu.
"Giận cũng đành chịu, mình bảo vệ cháu mình, không phí công các bác sĩ chăm sóc cả tháng trời. Khi nào Minh cứng cáp hơn, hàng xóm vào thăm lúc nào chả được" - ông Tụng bày tỏ.
Để có được Minh, 2 bố mẹ đã đánh đổi cả mạng sống của mình. Với gia đình, người thân, Minh là món quà vô giá cần được chở che. Nhìn đôi tay, bàn chân bé xinh của Minh, cái miệng chúm chím mỗi khi em cười, lúc Minh khóc ré đòi sữa, nhiều người không cầm được nước mắt. Minh là đứa trẻ đến từ thiên đường.
Em mỏng manh và yếu đuối từ khi sinh ra, nhưng bằng chính nỗ lực của bản thân, chúng tôi hy vọng Minh sẽ lớn lên, khoẻ mạnh và vui vẻ sống như bất kỳ em bé nào.
Ngày trước khi bố mẹ còn sống, gia đình nhỏ cùng sống trong căn nhà cấp 4 vừa xây cách đây 4 năm. Bên trong khá tối và hẹp.
Nhưng chưa bao giờ ngớt niềm vui. Bố mẹ mất, Công dần thay đổi. Ông bà nội thay nhau nấu cơm, chăm sóc bé Minh, Công rửa bát, quét nhà. Như cách ông Tụng chia sẻ, ông sợ cháu mình hư nếu không kịp uốn nắn. Nhất là thời điểm hiện tại, khi rất nhiều cá nhân, mạnh thường quân và tổ chức chung tay ủng hộ hai anh em Công - Minh.
Có rất nhiều điều để nói về một vụ cháy. Sự quan tâm, sẻ chia, lòng tốt tử tế của những xa lạ là một trong số đó. Nó như con dao hai lưỡi với đứa trẻ chập chững trưởng thành như Công. Công mới 14 tuổi, em hoàn toàn không biết đi con đường nào là đúng đắn khi không có bố mẹ ở bên.
"Nó cũng xác định giờ chả còn bố mẹ, ở với ông bà và cô chú nên phải tự lập, tự chăm sóc bản thân. Cố ngoan mà học, ở trường nghe cô, đừng đua đòi bạn bè khổ lắm. Tôi lo nhất là dạy cho nó thành người.
Phải chịu khó tí nữa, học hành chăm chỉ hơn. Ông bà chỉ có giáo dục, còn cháu tiếp thu được đến đâu thì đến. Còn về phần hỗ trợ của xã hội, không được phung phí, cất dành lo cho 2 anh em nó sau này. Tôi chả có mong ước gì lớn, chỉ mong nuôi và bồng bế cháu.
Chắc thằng lớn cũng khóc, nhiều đêm sụt sịt, vì cũng thấm chứ...".
"Bố mẹ yên tâm, ở trên này con lo hết rồi"
- Đón em về, Công vui chứ?
- Con vui lắm ạ. Cảm ơn các chú, các bác đã giúp đỡ, chăm sóc em con tận tình.
- Bình thường Công chăm em như nào?
- Con chỉ biết pha sữa chứ không dám bế em, sợ em ngã. Con mong Minh khoẻ mạnh, chóng lớn để chơi cùng con và mọi người.
- Điều ước đón em Minh về đã thành hiện thực, Công còn ước muốn gì nữa không?
- Con không.
- Nếu có thể nói một lời với bố mẹ ở thiên đường, Công sẽ nói gì?
- Bố mẹ ơi. Bố mẹ yên tâm, ở trên này con lo hết rồi. Bố mẹ nhắm mắt xuôi tay dưới cực lạc, con sẽ chăm sóc em cẩn thận. Con chỉ mới đỡ đỡ chứ chưa hết buồn, hết tủi. Nhìn em Minh ăn được, con vui chứ không khóc.
Minh là món quà bố mẹ dành tặng cho Công, như lúc sinh thời, hai anh chị từng nói: "Sinh thêm thằng cu cho Công có anh có em". Công - Minh đều là những cái tên hay mà bố Tính mẹ Lành đặt cho 2 anh em. Bố mẹ mong mỏi, cuộc đời 2 con trai mình sau này sẽ thật suôn sẻ, an vui. Giờ thì, biến cố đã qua rồi, chúng ta cùng cầu mong nỗi đau sẽ sớm nguôi ngoai.
Và những điều thật tốt lành sẽ đến với cuộc sống của hai em trong những ngày sắp tới.
Theo Minh Nhân (Trí Thức Trẻ)