“Sau bao nhiêu năm chắt chiu, tảo tần, chăm sóc cho con ăn học đến nơi đến chốn, chỉ mong sao đến một ngày nhìn thấy con thành tài, có việc làm ổn định thì ba mẹ có thể yên tâm phần nào, sau này có người chăm sóc, đỡ đần lúc về già…!! Tôi tin đó là sự kỳ vọng của biết bao bậc phụ huynh khác chứ không riêng gì ba mẹ tôi.
Thì nào ngờ đâu…” - facebook Lưu Nguyễn.
12/9/2016, Lưu (SN 1994) gặp tai nạn. Vỏn vẹn vài phút, chiếc xe 7 chỗ cán qua người, anh nằm giữa vũng máu, người đi đường hững hờ… Lưu đã mất đi một bên chân vĩnh viễn như thế - điều mà chàng trai vừa 22 tuổi năm ấy chưa bao giờ nghĩ tới.
Cái ngày định mệnh
2 năm trước, Lưu từng có một cuộc sống tươi đẹp như bao người trẻ khác: vào Sài Gòn lập nghiệp, công việc ổn định, nhận lương theo tháng và dư dả chút đỉnh gửi về cho ba mẹ ở quê.
Thế mà, trên đường về nhà, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khiến anh phải cắt bỏ một chân. “Mình nằm dưới vũng máu mà người qua lại không ai dám tới gần để giúp đỡ. Mình cứ nằm tầm 15 phút rồi tự ngồi dậy tìm cách gọi taxi đưa đến viện…”.
Nhìn đôi chân nát tươm, anh đã chắc rằng điều chẳng lành. Thế mà, đến khi vào bệnh viện, nghe bác sĩ nói bỏ một bên chân, Lưu vẫn không khỏi bàng hoàng. Tình huống cấp bạch, không kịp suy nghĩ nhiều, anh đành tự tay viết giấy rồi vào phòng chờ đợi ca phẫu thuật.
“Đã chuẩn bị sẵn tâm lý rồi, nhưng lúc đẩy ra tới phòng hồi sức, mình vẫn bật khóc nức nở”.
Anh gọi điện về cho gia đình ở quê, nhắn nhủ: Mẹ ơi, con bị xe đụng gãy chân! Nhưng thấy mẹ khóc, Lưu lại tắt máy ngang, rồi dặn người chị họ đừng nói cho người nhà để khỏi lo lắng. Hôm sau, ba mẹ anh vào tận Sài Gòn, nhìn thấy con nằm trên giường đã mất một chân, mẹ Lưu ngất xỉu, ba thì khóc.
Ở tuổi 22, bao ước mơ về tương lai phía trước của chàng trai dang dở như thế. Nằm trên giường bệnh, anh bắt đầu lo sợ: sợ sau mỗi giấc ngủ nhìn xuống không còn thấy chân nữa, sợ người đời gọi là thằng què, sợ ánh mắt tuyệt vọng của ba mẹ, sợ mất công việc, sợ tương lai không biết đi về đâu…
Thế mà, nhìn thấy ba mẹ ngày ngày đau khổ, càng nghĩ rằng dù có u sầu đến mấy thì cái chân cũng chẳng lành lại, Lưu lại tự mình đứng lên lần nữa. “Mình chưa từng trách ông trời sao bất công, mình chỉ xem là chuyện xảy ra thì coi như cái nghiệp phải chịu. Nhiều người thấy cứ bảo: buồn quá thì khóc đi… Nhưng có buồn, có đau mình cũng chỉ cười thôi. Mình nhớ mãi lời mẹ nói: Con cố gắng đi, cuộc đời còn mấy nhiêu năm nữa đâu, sau này ba mẹ mất con cố sống chứ ba mẹ không thể ở đời với con được. Cứ cứ vui vẻ sống, ba mẹ không cần con chăm sóc khi về già đâu…”.
Cứ thế, không còn chân, Lưu mua thêm đôi chân giả và bắt đầu tập đi. Vậy mà, cái chân giả ấy lẽo đẽo theo Lưu cũng hơn năm. Giờ đây, tuy cũ mòn, đôi lúc còn khiến Lưu trượt té, nhưng cậu đã từ từ xem nó như một phần cuộc sống của mình.
“Nhiều khi ra đường, 10 người thì 10 người nhìn mình rồi. Nhưng mình không có gì phải buồn hết trơn cả. Vì đây là mình mà, mình tàn tật thì là tàn tật thật, chứ đâu thể nào che giấu”.
Cuộc gặp định mệnh với ông già cô độc và câu chuyện về tình thương của 2 số phận ngặt nghèo
Lưu dự tính sẽ học thêm nghề phun xăm rồi về quê mở tiệm. Mấy hôm trước, anh chuyển ra Vĩnh Phúc học nghề. Rồi ở vách nhà chị chủ, có căn nhà hoang ngày ngày bốc mùi hôi. Hỏi ra, Lưu mới biết có một ông lão mất vợ hơn 4 năm nay, không con cái, lâu ngày không ai dọn dẹp nên chất thải xú uế khắp phòng.
“Nước tiểu, rồi phân đen đặc dưới sàn nhà, trên giường thì bánh mỳ bị cắn nham nhở, hòa lẫn với phân mèo. Cụ ông còn vuốt một con mèo, gọi vợ và đám còn lại là con… Tự nhiên nhìn ông lão xong mình thức trắng, khóc mấy đêm liền. Mình chợt nghĩ bản thân mình sau này về già không vợ, không con cái bên cạnh, rồi mất đi một chân, nằm một chỗ với đống phân nước tiểu ấy thì sẽ ra sao? Cảm giác trống trải ấy giống như lúc vừa bị cưa chân, mình không biết đi đâu, về đâu và làm gì để sống”.
Hình ảnh ông lão nằm co ro giữa đống rác thải ám ảnh Lưu mỗi đêm. Một sáng, cậu quyết định sang nhà ông và bắt đầu phụ giúp. Ông lão bị lẫn, thấy người lạ vào nhà là chửi, đánh đập, có lúc còn cầm cả dao hù doạ. Thế mà, Lưu vẫn nhất quyết không bỏ cuộc, cứ dọn dẹp lại mọi thứ một cách từ từ. Rồi tắm táp, lau chùi cho ông lão sạch sẽ.
“Tính đến hôm nay, ra đây học nghề được 11 ngày thì mình đã chăm sóc ông cụ tròn một tuần. Sáng nào mình cũng cài đồng hồ 7 giờ rưỡi để bắt đầu qua nhà giúp ông. Vì cũng từng chăm ông nội già ở nhà, nên mình thấy mấy mùi hôi thối đó cũng quen rồi. Vậy mà, có nhiều bữa không ăn sáng là làm về mình khỏi ăn luôn…” - Lưu cười.
Chỉ còn 20 ngày nữa, Lưu sẽ kết thúc khóa học nghề ở Vĩnh Phúc. Biết mình không thể chăm sóc ông lão mãi, Lưu đã viết lên facebook cá nhân về hoàn cảnh của ông nhằm kêu gọi mọi người giúp đỡ. Người ta gửi chút đỉnh tiền ủng hộ, Lưu bèn xây lại cái bàn thờ cho người vợ quá cố của ông và sửa sang lại vài chỗ trong căn nhà cho ông dễ sống.
“Trước khi mất chân cuộc sống của mình bình thường lắm, đi làm rồi nhận lương, chưa bao giờ có ý nghĩ gì sâu xa. Sau vụ tai nạn đó, mình lại thấy như vừa vượt lên khỏi cửa ngục. Mấy ngày qua nhà phụ chăm sóc ông, cuộc sống của mình lại trở nên vui vẻ hơn. Tối ngủ, sáng dậy lại qua nhà ông, rồi đi học nghề… Mất đi một chân, nhưng mình lại làm được nhiều thứ hơn mà người bình thường có khi chưa thể làm được, nên mình vô cùng hạnh phúc…”.
Cứ thế, chàng trai tàn tật, trong cái cảnh ngặt nghèo nhất của cuộc đời mình, vẫn sẵn sàng chìa đôi bàn tay lành lặn còn lại để giúp đỡ ông lão xa lạ. Câu chuyện đẹp như cổ tích, mấy ai có thể đã mảy may xảy ra như thế.
Thôi thì ông trời cũng lắm công bằng, không bao giờ lấy đi của ai hết tất cả. Giờ đây, mất đi một chân, nhưng bù lại Lưu đã có thêm được vô vàn nghị lực sống, sự an yên sống, và tình yêu vô bờ bến với mọi người… Những giá trị tinh thần ấy thì sao có thể bẻ gãy hay xô đổ được, Lưu nhỉ?
Huy Hâu (Saostar.vn)