'Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng', Rằm tháng Giêng năm 2022 cúng ngày nào đẹp nhất?

08/02/2022 16:22:36

Ngày Rằm tháng Giêng còn gọi là lễ Thượng Nguyên, đây là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm.

Vì sao “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”?

Cúng Rằm tháng Giêng là một trong những nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của người Việt từ xưa tới nay và quan niệm trên nhằm thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của ngày lễ này đối với người Việt Nam.

Trước đây, Tết Nguyên Tiêu còn thường được gọi là “Tết muộn”, bởi những gia đình khá giả ngày xưa thường tiếp tục ăn Tết và chơi hoa mai, hoa đào nở muộn. Bên cạnh đó, ngày này cũng là dịp để những người đau ốm, người đi làm ăn xa quê, bộ đội đi công tác, gia đình có tang ma… được ăn Tết bù. Chính vì vậy mà từ lâu trong tâm thức người Việt, ngày Rằm tháng Giêng luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không khác gì ngày Tết Nguyên Đán.

Ngoài ra, theo lịch nông nghiệp của người Việt, Rằm tháng Giêng cũng là ngày khởi đầu cho vụ gieo trồng mới. Do đó, trước khi bắt đầu vào vụ mới, người dân thường làm lễ cúng để cầu cho một năm bội mùa.

Rằm tháng Giêng, Tết Nguyên Tiêu
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng.

Cúng Rằm tháng Giêng năm 2022 ngày nào đẹp nhất?

Năm Nhâm Dần 2022, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ 3, ngày 15/2/2022 dương lịch. Theo lịch can chi là ngày Kỷ Hợi, ngũ hành Mộc, sao Vĩ, lục nhâm Tốc hỷ.

Dưới góc nhìn chuyên gia, đây là ngày đẹp và phù hợp nhất để tiến hành nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng năm 2022. Cũng theo quan điểm xưa truyền lại, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm là tốt nhất. Bởi đây là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm. Tương truyền, vào chính thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, may mắn và bình an suốt năm.

Theo phong tục người Việt thường chọn giờ cúng Rằm tháng Giêng vào buổi trưa, từ 10 giờ trở đi. Ngày nay, công việc bận rộn nên nhiều gia đình dời xuống cúng buổi tối. Và dù có cúng buổi nào, hay mâm cúng ra sao thì quan trọng nhất chỉ cần thành tâm thì mọi điều cầu nguyện sẽ được chứng giám.

Chuẩn bị đồ cúng Rằm tháng Giêng

Vào ngày Rằm tháng Giêng, các gia đình thường sắm hai lễ: cúng Phật và cúng gia tiên.

Mâm lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, quả tươi, đèn (nến), xôi, oản…. Nếu gia chủ là Phật tử thì có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo. Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và tụng đọc bài lễ bái Tam Bảo.

Mâm lễ cúng gia tiên là mâm lễ mặn hoặc chay với đầy đủ các món ăn tinh khiết của ngày Tết. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy.

Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim.

Mâm lễ mặn thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món. 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc. 6 đĩa gồm thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm. Đồ lễ khác gồm: Hương, hoa, quả tươi, vàng mã, đèn nến, trầu cau, rượu, thuốc lá...

Rằm tháng Giêng, Tết Nguyên Tiêu

Văn khấn cúng Rằm tháng Giêng

Bài Văn khấn thần linh Rằm tháng Giêng có thể tham khảo dưới đây trích theo Thượng tọa Thích Viên Thành trong Tập Văn khấn Nôm truyền thống – Nhà xuất bản Thanh Hóa.

Bài Văn khấn thần linh Rằm tháng Giêng

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Nam mô A di Đà Phật!

Kính lạy:

Hoàng Thiên, Hậu Thộ chư vị Tôn thần.

Ngài Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân.

Ngài Bản gia Thổi địa Long mạnh Tôn thần.

Các Ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Phúc đức Tôn thần.

Ngài tiền hậu địa chủ tài thần.

Các tôn thần cai quản ở trong khu vực này.

Hôm nay là ngày………….. tháng ………. Năm………..

Tín chủ con là:……………………………………..

Ngụ tại…………………………………………….

Thành tâm sửa biện, hương hoa lễ vật kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bày ra trước án.

Chúng con thành tâm cúi xin các Ngài thương xót tín chủ giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật, phù trì tín chủ chúng con toàn gia an lực, công việc hanh thông. Người người được chữ bình an, tám tiết vinh khang thịnh ượng, lộng tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện lòng tâm.

Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo.

Dung (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật