Cuộc gặp gỡ năm lớp 7 và tình bạn 50 năm
Gặp nhau lúc còn học lớp Đệ Lục (tương đương lớp 7 hiện nay), chú Long kết bạn với chú Thái. Tình bạn của hai người kéo dài suốt quãng thời gian đi học đó.
Sau khi lớn và đi làm, hai chú đều có cuộc sống riêng nhưng vẫn giữ liên hệ, thỉnh thoảng gặp nhau để trò chuyện. Nhưng vào những năm 2010, chú Thái gặp những biến cố trong cuộc sống, chú Long cũng có những chuyện không vui, và hai người quyết định về ở cùng với nhau.
Thời gian đầu, chú Long đi làm các công việc như thợ hàn, sửa các đồ sắt… ai kêu gì thì làm nấy. Chú Thái thấy bạn mình đi làm cũng xin theo hỗ trợ. "Nhưng Thái nó đi theo phụ nhưng đi cho vui chứ cũng không làm được nhiều đâu" - chú Long nhớ lại. Để đỡ đần cuộc sống của cả hai, chú Thái xin một chân bảo vệ để kiếm thêm thu nhập. Nhưng đi làm không bao lâu thì bị gãy tay, buộc phải nghỉ làm.
Chú Thái nhớ lại, vì muốn tiết kiệm mà mì tôm trong nhà chú không ăn mà giấu vào một góc, để dành cho bạn mình. Liên tục nhịn ăn làm chú Thái suy kiệt, đến lúc chú Long phát hiện ra thì phải lên cấp cứu ở bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán sức khỏe giảm sút trầm trọng và thiếu máu lên não. Thêm một phần là cánh tay trước kia bị gãy nhưng không được chữa kịp thời, khiến cánh tay của chú Thái rất yếu, không thể mang vác, cầm nắm hay làm việc gì khác. Cơ thể không còn khỏe mạnh cộng thêm việc cánh tay yếu làm hạn chế lao động khiến cuộc sống của chú Thái khó khăn chồng khó khăn.
Chưa dừng lại ở đó, chú Thái còn phải phẫu thuật cắt túi mật vào năm 2020. Cũng từ lúc này, trí nhớ của chú giảm sút trầm trọng. Chú không thể nhớ gì hoặc nhớ rất ít. Hầu như tất cả sinh hoạt của chú Thái phải dựa vào chú Long.
"Thái trí nhớ kém, chẳng nhớ được gì, chỉ nhớ mỗi chú"
"Tính của Thái từ trước đến giờ hiền lắm, rất hiền. Vì vậy nên nhiều khi bị người ta lừa gạt, rồi mất trắng. Cuộc đời Thái bị lừa nhiều lần. Mình là bạn, bây giờ Thái như vậy mình rất là thương, nên bạn bè thương nhau rồi giúp nhau chú nghĩ là chuyện bình thường, chẳng có gì to tát", chú Thái chia sẻ.
Ở với nhau hơn 10 năm nay, từ lúc bạn còn khỏe mạnh đến lúc bạn bị mất trí nhớ, không thể tự lo cho bản thân mình, chú Long đều nhất mực chăm sóc cho bạn từng ly, từng tý. "Không thể sinh hoạt như người bình thường, làm các việc cơ bản nhất để chăm lo cho bản thân là điều đâu phải ai cũng muốn, nhưng mà bây giờ Thái như thế, bạn mình rơi vào hoàn cảnh như thế thì mình phải chăm lo cho bạn chứ không thể bỏ rơi.
Nếu bỏ rơi bạn vào lúc ấy thì ai sẽ chăm sóc bạn. Bạn với nhau chừng ấy năm là có một sự liên kết, một tình cảm bền chặt rồi. Huống hồ gì bạn mình còn rơi vào hoàn cảnh đặc biệt thì mình càng phải làm thế", chú Long khẳng định.
Chú Long cho biết từ ngày chú Thái rơi vào bạo bệnh thì chú phải đi làm cật lực hơn, tìm đủ các việc như thợ hàn, sửa đồ sắt... để trang trải cuộc sống cho cả hai. Để tiện cho việc chăm sóc chú Thái, chú Long phải lựa những công việc có thể đi đi về về để chăm sóc cho người bạn của mình ở nhà.
"Thái ở nhà thì chỉ ngồi không, nếu có thì ngồi coi tivi. Cuộc sống hàng ngày cứ trôi qua như thế hơn một năm trời từ lúc Thái mất trí nhớ", chú Long ngậm ngùi.
Mọi sinh hoạt hàng ngày từ việc ăn uống, giặt giũ, tắm rửa… của chú Thái đều được chú Long làm giúp cho. Không hề nề hà, chú Long chỉ mong cho cuộc sống của mình bớt đi được phần nào khó khăn thì hay phần đó.
Được một mạnh thường quân cho đàn để cuộc sống vơi đi buồn chán, tẻ nhạt, chú Long thường đàn cho chú Thái nghe vào những lúc rảnh rỗi hay sau khi đi làm về. Là người ham viết lách, lại sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt nên chú Long cũng gửi rất nhiều tâm tư vào cuốn sổ của mình, thậm chí là vào những tờ lịch trong suốt nhiều năm qua.
Những trang viết nói về những câu chuyện trong đời sống hàng ngày, những kỷ niệm đã phần nào vơi bớt những khó khăn, buồn bã trong đời sống hàng ngày. Ở cùng bạn mình gần 10 năm, những dòng cảm xúc này luôn được đọc lên để phần nào chia sẻ những tâm tư cùng chú Thái, lúc cuộc sống còn những khó khăn luôn bủa vây đôi bạn thân với nhau hơn 50 năm.
"Chú Thái cũng hiểu, nhưng chú hầu như quên ngay, chẳng nhớ gì. Ví dụ có ai đến hay việc gì thì Thái đều biết nhưng sau đó quên ngay, thường là chỉ nhớ mỗi chú", chú Long buồn bã cho hay.
Một kỷ niệm cảm động chú Long luôn nhớ đó chính là lần chú Thái vừa phẫu thuật xong. "Lúc đó có người dúi vào người Thái 200.000 đồng vì thương cảm, Thái nhất quyết không đưa cho ai, kể cả bác sĩ. Đến lúc thấy mình thì Thái reo mừng và đưa tiền cho mình, dù không nhớ là người nào đã cho tiền", chú Long xúc động cho biết.
Hiện nay, chú Long cùng người bạn của mình đã chuyển qua chỗ ở mới tại quận Gò Vấp vì chỗ cũ khá nhỏ và nóng. Thời gian trước, hai chú cũng phải di chuyển qua nhiều địa điểm, từ Quận 2, Phú Nhuận... Số tiền nhà trọ hàng tháng của hai chú được một người bà con của chú Thái hỗ trợ.
Từ vài ngày trước, vì ảnh hưởng của dịch Covid -19 mà người bà con không thể tiếp tục chi trả số tiền như cũ, buộc chú phải chuyển đến một nơi có mức giá rẻ hơn. Chú Long cho biết bản thân chú mắc bệnh về dạ dày, đường ruột nên những năm gần đây ăn uống rất khó khăn, bụng sưng to. Tuy nhiên chú luôn nghĩ rằng ngoài sự giúp đỡ với cương vị một người bạn, thì giúp chú Thái cũng như "người khổ giúp người khổ hơn ".
"Mình ý thức được còn sức khỏe, có thể đi làm thì giúp được Thái, chứ mà mình đổ bệnh thì coi như thôi, chứ Thái đâu giúp lại mình được. Thế nên mình giúp Thái là vì chúng mình là bạn, chứ không bao giờ nghĩ Thái giúp lại được mình điều gì", chú khẳng định.
Khẩu phần ăn của cả hai cũng rất giản dị, chú Long cho biết hai người thì một buổi chỉ ăn một phần cơm, vì chú cũng không ăn được nhiều. Chú Long rất cảm động khi nhiều người xung quanh biết hoàn cảnh của mình, có những chủ cửa hàng cơm cho chú mua thiếu vào những ngày chú đi làm chưa có tiền và nói với chú khi nào có tiền rồi hẵng trả lại. Đó là một điều an ủi rất lớn với chú trong những lúc ngặt nghèo. Những năm gần đây, chú Long sử dụng thuốc nam nên chứng bệnh cũng không diễn biến trầm trọng thêm, giúp chú có thêm sức khỏe để lao động và chăm sóc chú Thái.
Có những lúc, chú Long đã viết đơn đề nghị những cơ sở neo đơn cho người già, các nhà thờ để gửi chú Thái vì những nơi này sẽ cho cho chú Thái điều kiện chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, vì những nơi này đều đòi hỏi chú Thái phải tự chăm sóc những vấn đề sinh hoạt cơ bản nhất nên hai chú lại tiếp tục ở cùng nhau.
Cứ định kỳ, chú Long lại dẫn chú Thái đi bệnh viện khám bệnh, vì có chứng nhận khó khăn nên phần nào chi phí điều trị của chú Thái cũng bớt đi áp lực về tiền bạc.
Chú Long chia sẻ rằng trước kia chú Thái cũng có một mối tình, nhưng bị người ta phụ nên ở như vậy đến giờ. Riêng chú Long cũng có những chuyện buồn ở gia đình nên không muốn đề cập đến đời sống cá nhân của mình.
Hiện giờ, chú Long cho biết đã có một mạnh thường quân hỗ trợ mình một máy hàn nhỏ và chú sẽ chở theo để đi hàn cho những ai có nhu cầu, kiếm thêm thu nhập.
"Điều mình nhận thức rõ ràng nhất là mình còn khỏe ngày nào thì mình sẽ chăm sóc cho Thái ngày đó, dù cuộc sống có những khó khăn nhưng mình vẫn có những niềm vui khi giúp cho bạn vơi bớt khó khăn, trong những chuyện nhỏ nhất và mình luôn biết ơn cuộc đời này", chú Long chia sẻ.
Theo Quang Khánh - Ảnh: Viết Thanh (Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)