Con trai không có quan hệ huyết thống với chồng, người phụ nữ phát hiện sự thật sốc từ 26 năm trước

18/08/2022 09:35:18

Thấy con trai không cùng nhóm máu với mình và chồng, người phụ nữ đã bí mật kiểm tra quan hệ huyết thống và sốc nặng khi phát hiện con trai không phải con ruột của chồng mình.

Mới đây, một người phụ nữ Hàn Quốc tình cờ phát hiện ra rằng nhóm máu của con trai không trùng với nhóm máu của mình và chồng. Cô đã tiến hành xét nghiệm ADN và phát hiện con trai là con ruột của mình nhưng lại không có quan hệ huyết thống với chồng. Tuy nhiên, không có bất cứ sự lừa dối nào ở đây, bởi đứa con được sinh ra nhờ phương pháp thụ tinh nhân tạo nên người phụ nữ nghi ngờ rằng đã có sự sai sót trong quá trình này.

Theo tờ News1 của Hàn Quốc đưa tin, người phụ nữ tên A, 50 tuổi đã xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trên chương trình phát thanh "Kim Hyun-jung's News Show" của đài CBS hôm 17/8/2022, để chia sẻ về câu chuyện khúc mắc của mình.

Cô A kể rằng 26 năm trước, vợ chồng mình bị hiếm muộn, mãi không sinh được con nên đã quyết định thụ tinh ống nghiệm (IVF) tại một bệnh viện đại học ở thủ đô Seoul. Sau một thời gian, họ đã đón nhận tin vui và cậu con trai đầu lòng chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình. Cho đến khi cậu con trai khoảng 5 tuổi, cô A đưa con đi tiêm kháng thể viêm gan thì lại được bác sĩ thông báo rằng nhóm máu của con trai là nhóm A.

Ảnh minh họa

Cô A vô cùng bất ngờ trước điều này bởi cả cô và chồng đều có nhóm máu B. Về lý thuyết, nếu vợ chồng cùng nhóm máu B thì sinh con chỉ có thể mang nhóm máu B hoặc O, không thể nào là nhóm máu A được. Cô A vô cùng bối rối và nghi ngờ về chuyện này, còn cho rằng bác sĩ đã nhầm lẫn. Sau đó, cô A còn đưa con đi xét nghiệm máu lại nhưng kết quả vẫn thế.

Không hiểu chuyện gì đang xảy ra, cô A đã liên hệ với vị bác sĩ từng tiến hành thụ tinh nhân tạo cho mình, giáo sư B. Khi cô A tới bệnh viện, giáo sư B đã lấy ra một tài liệu nghiên cứu nói rằng từ nước ngoài, cố gắng an ủi cô A bằng cách chứng minh rằng việc thụ tinh nhân tạo có thể gây ra đột biến gen. 

Thấy giáo sư B giải thích cặn kẽ, cô A cũng yên tâm phần nào. Sau đó, cô tiếp tục sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo để sinh thêm một cậu con trai nữa. Cô A rất tin tưởng vào năng lực của bác sĩ B, thậm chí cả quá trình thai sản đều nhờ ông ấy giúp đỡ.

Tuy nhiên sau này, cô A vẫn luôn cảm thấy lấn cấn về chuyện nhóm máu của con trai. Cô A sợ rằng nếu con trai hỏi thì cô không biết giải thích thế nào. Vì vậy, cô đã nhờ giáo sư B viết một bản báo cáo chi tiết, nào ngờ ông ấy hoàn toàn lờ đi.

Điều này khiến cô A bắt đầu nghi ngờ và quyết định đi xét nghiệm quan hệ huyết thống. Kết quả trả về khiến cô hoàn toàn chết lặng. Cậu con trai lớn đúng là con ruột của cô A nhưng lại không có quan hệ huyết thống với chồng cô. Chính vì thế, cô A nghi ngờ rằng đã có sai sót trong quá trình thụ tinh nhân tạo, giáo sư B đã dùng tinh trùng của người đàn ông khác để thụ tinh với trứng của cô.

Sau khi phát hiện sự thật này, cô A đã liên hệ với giáo sư B nhiều lần nhưng ông ấy không nghe máy. Cô A đã tìm hiểu thông qua luật sư và biết được rằng có nhiều trường hợp nhầm lẫn như vậy từng xảy ra ở Mỹ và Singapore. Vì thế, cô A quyết định sử dụng biện pháp pháp lý, khởi kiện giáo sư B và bệnh viện đại học nơi mình từng thụ tinh nhân tạo, đòi một lời giải thích thỏa đáng.

Cô A đau khổ chia sẻ: "Con trai tôi vẫn chưa biết được tất cả những chuyện này và tôi cũng không dám nói thật với thằng bé. Tôi không biết mình phải làm thế nào".

Theo Doãn Kỳ (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật