Mới đây, chị Nguyễn Thị Mỹ Hằng (Hà Nội) đã khiến nhiều người bất ngờ khi chia sẻ rằng chị cảm thấy hạnh phúc khi nhận được bài văn 2 điểm của con trai.
Chị Hằng chia sẻ, mới đây con trai lớp 9 của chị là T.M đã được giáo viên ra đề kiểm tra môn Văn như sau:
"Câu hỏi - Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
'Có hai hạt lúa nọ được giữ lại để làm hạt giống cho vụ sau và cả hai đều là những hạt lúa tốt, đều to khỏe và chắc mẩy.
Một hôm, người chủ định đem chúng gieo trên cánh đồng gần đó. Hạt thứ nhất nhủ thầm: 'Dại gì ta phải theo ông chủ ra đồng. Ta không muốn cả thân mình phải nát tan trong đất. Tốt nhất ta hãy giữ lại tất cả chất dinh dưỡng trong lớp vỏ này và tìm một nơi lý tưởng để trú ngụ'. Thế là nó chọn một góc khuất trong kho lúa để lăn vào đó.
Còn hạt thóc thứ hai thì ngày đêm mong được ông chủ mang gieo xuống đất. Nó thật sự sung sướng khi được bắt đầu một cuộc đời mới.
Thời gian trôi qua, hạt thóc thứ nhất bị héo khô nơi góc nhà vì nó chẳng được nhận nước và ánh sáng. Lúc này, chất dinh dưỡng chẳng giúp ích gì được cho nó cả. Nó chết dần chết mòn.
Trong khi đó hạt thóc thứ hai dù nát tan trong đất nhưng từ thân nó lại mọc lên cây lúa vàng óng, trĩu hạt. Nó lại mang đến cho đời những hạt lúa mới…'.
Câu 1: Thông qua sự lựa chọn của mỗi hạt lúa và kết cục của chúng, câu chuyện trên có ý nghĩa như thế nào?
Câu 2: Trình bày suy nghĩ và quan điểm của em về cách sống (cách lựa chọn) của hai hạt lúa và rút ra bài học cuộc sống cho bản thân bằng một đoạn văn (khoảng 12 câu)".
Và câu trả lời của T.M là:
"Câu 1: Thông qua sự lựa chọn của mỗi hạt lúa và kết cục của chúng, câu chuyện trên muốn cho ta biết rằng: trong cuộc sống chúng ta phải bắt lấy các cơ hội đến với mình và không được để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa như hạt lúa đầu tiên.
Câu 2: Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp được rất nhiều cơ hội có thể thay đổi cuộc sống của chúng ta theo chiều hướng tốt đẹp. Nhưng chúng ta sẽ trở thành hạt giống thứ nhất, quá tự tin vào bản thân, để cho những cơ hội và thời gian trôi đi và trở nên khô héo.
Hãy trở thành hạt giống thứ hai, nắm bắt những cơ hội mà mình hằng ao ước, sung sướng khi có được cuộc đời mới.
Ta có thể thấy rằng hạt lúa đầu tiên đã thể hiện rõ tình cảnh của nhiều người ngày nay. Họ không muốn thay đổi và quá ỷ lại ở bản thân nên khi thời gian chuẩn bị kết thúc, họ đã không có gì tươi đẹp để bám lấy trước khi ra đi.
Còn hạt giống thứ hai thể hiện những người sẵn sàng thay đổi, sống hết mình vì bản thân. Họ đã thành công hoặc không thành công. Nhưng cuối cùng thì họ vẫn có thể tự hào khi nhìn lại con đường mà họ đã đi qua.
Từ đó, họ có thể chia sẻ lại cuộc hành trình của mình và giúp cho nhiều người muốn thay đổi hơn. Nếu như họ không muốn thay đổi thì thế giới này sẽ không còn những người nhiệt huyết nữa. Nó sẽ giống như hạt lúa thứ nhất, héo mòn dần, mất hết chất dinh dưỡng.
Vậy nên, qua câu chuyện này, em đã học được rằng, cần phải nắm bắt cơ hội, làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn và thúc đẩy, lan truyền tinh thần đó cho tất cả mọi người".
Mặc dù bài văn nghị luận xã hội này được giáo viên chấm 2 điểm kèm theo lời nhận xét là "lạc đề", nhưng chị Mỹ Hằng tâm sự: “Mẹ thấy vui vì con đã can đảm nói về kết quả này cho mẹ. Con không tìm cách giấu mẹ mà bẽn lẽn nói rằng con làm sai đề.
Mẹ vui vì con đã nhớ bài học về sự trung thực mẹ luôn dạy con. Trong mọi trường hợp, người trung thực sẽ là người luôn được tha thứ.
Mẹ vui khi đọc phần tư duy lạc đề của con. Ở một khía cạnh nào đó, với vốn kĩ năng sống ít ỏi, con cũng lập luận có ý hợp lý đó chứ. Cũng là một góc nhìn của tuổi trẻ. Mẹ vui vì con hiểu được giá trị của những cơ hội đến không nhiều lần trong đời.
Cảm ơn bài văn 2 điểm của con trai đã cho mẹ thấy mẹ đã thay đổi nhiều thế nào”.
Chị Hằng hy vọng, việc chia sẻ, thấu hiểu của mình sẽ giúp con không bị tâm lý tiêu cực và có những tiến bộ trong tương lai.
Chị Hằng cũng cho hay: "Nhiều việc, mình cũng hỏi ý kiến con để lắng nghe quan điểm của con. Quan điểm dạy con của mình là tự do trong nguyên tắc.
Trong rất nhiều những điều không được làm thì mình sẽ chọn một vài điều không quá nghiêm trọng để cho con được tự do. Còn lại mình sẽ thống nhất quan điểm giáo dục của mình với con. Mình đưa ra quan điểm và đồng hành, chia sẻ với con như 2 người bạn".
Theo Mít (2Sao/VietNamNet)