Con sống ở thành phố nhưng vẫn nhận tiếp tế đồ quê, đó không phải yêu thương mà là bất hiếu

15/06/2021 11:09:22

Con cái hỉ hả vì nhận được đồ ngon sạch, bố mẹ sung sướng vì được cho đi, được thấy mình có giá trị. Nhưng đằng sau những chuyến đồ quê tiếp tế lên thành phố, là sự vô tâm và ích kỷ.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Mấy hôm nay, trên mạng xã hội người ta tranh luận với nhau rằng người sống ở quê thực ra “sang” hơn thành phố. Kết luận này được rút ra từ kinh nghiệm sống của nhiều người, mỗi lần về thăm quê, người thành phố có xu hướng chọn những quà cáp rẻ, bình dân, gom đồ cũ, đồ thừa đem cho. “Ở quê thì cần gì hàng xịn”, họ bảo thế.

Trái lại, người ở quê “tiếp tế” đồ lên thành phố luôn chọn những thứ tốt nhất, ngon lành nhất để tặng, kiểu con gà con vịt nuôi sạch trong vườn, con lợn cả năm chăm bẵm không dám thịt, buồng chuối, quả na đẹp đẽ nhất họ để dành, mãi không dám hái xuống ăn… Và họ cho không toan tính, cho trong sự hỉ hả, sung sướng.

Con sống ở thành phố nhưng vẫn nhận tiếp tế đồ quê, đó không phải yêu thương mà là bất hiếu
Đồ quê gửi lên thành phố luôn là đồ ngon lành nhất, và đầy ắp thương yêu. (Ảnh minh họa)

Chuyện người ở quê hào phóng, hiếu khách hơn hay người giàu ở quê không bằng ngồi lê thành phố, đó là do mỗi người tự chọn góc nhìn. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây, đó là chuyện những người con đã lập gia đình vẫn bòn đồ quê tiếp tế của bố mẹ, chẳng phải là vô tâm quá sao?

Logic của những người ích kỷ: Chọn sống ở phố nhưng vẫn muốn nhận đồ quê

Tôi có một vài người bạn từng khiến tôi phải ganh tị nổ mắt, vì tháng nào cũng thấy họ thuê ship ra bến xe 4 - 5 lần, lấy đồ quê tiếp tế ở chỗ bố mẹ lên. Bạn tôi lấy chồng 15 năm, có công việc ổn định và chồng cũng vậy, thậm chí còn thuộc dạng khá giả. Nhưng từ khi mới lấy chồng cho đến giờ 2 mặt con, mẹ cô ấy vẫn đi gom ở quê từ miếng thịt đụng, con cá hàng xóm tát ao, gà vịt, hành tỏi, rau cỏ, cả quả khế chua, hoa quả vườn nhà… để đóng thùng xốp gửi cho con.

Nếu có món nào mất thời gian như trai hến, cá rô đồng, bà cũng luộc sẵn gỡ thịt, gửi nước cốt đóng chai gửi lên. Ngay cả nước gội đầu bồ kết và thảo mộc, bà cũng đun sẵn, cô đặc lại để con chỉ việc gội đầu. Tưởng chừng như ở quê có gì ngon, bà gom lại để chất vào thùng. Đều đặn, không tuần nào quên, không tuần nào thiếu. Bạn tôi ở Hà Nội 15 năm nhưng giá cả chợ búa gần như “mù”, vì họa hoằn lắm mới phải ra chợ mua bổ sung thực phẩm.

Con sống ở thành phố nhưng vẫn nhận tiếp tế đồ quê, đó không phải yêu thương mà là bất hiếu - 1
Nhận đồ quê tiếp tế là tình yêu hay là ích kỷ? (Ảnh minh họa)

Một anh khác, lương tháng tính vo cũng cỡ vài chục triệu, hai vợ chồng mỗi lần về quê là đi 2 ô tô “chở đồ lên cho tiện”. Mỗi lần về quê ngoại, quê nội, anh vơ hết của nả ở nhà đi, từ cái rau xà lách, rau mùi mới nhú cho đến cua đồng mẹ đi mua gom mấy nơi được vài cân, ngồi cả ngày xé xé, giã giã đến xước cả tay. Lại còn ruốc cá, ruốc thịt mà từ hôm trước bà đã hò con cháu sang làm phụ. Mỗi lần làm cỗ, bà luôn làm thừa 3 - 4 mâm để trút túi lớn túi bé cho các con mang lên phố...

Những người như thế quanh chúng ta nhiều lắm. Họ hạnh phúc, hãnh diện vì có mẹ cha ở quê chăm chút. Họ thấy ấm áp vì tình cảm quê hương nồng hậu. Và những món quà quê thanh lành, mớ tép, vạt rau mà người quê đi vét chung quanh vườn, rình mua cả tuần mới gom đủ còn quý hơn cả những món quà xa xỉ. Nếu họ đem đi ngoại giao, người nhận sẽ trân trọng vô cùng.

Con sống ở thành phố nhưng vẫn nhận tiếp tế đồ quê, đó không phải yêu thương mà là bất hiếu - 2
Đồ quê xịn lắm, nhưng chúng ta có ích kỷ quá không khi nhận tiếp tế của cha mẹ? (Ảnh minh họa)

Như tôi, nhiều lần được bạn mình san sẻ, công nhận là đồ quê ngon xịn hơn hẳn đồ đi mua. Nhưng điều khiến tôi nghĩ nhiều hơn, đó là người thành phố có ích kỷ quá không, khi thản nhiên nhận những món đồ quê ấy, miễn phí?

Chúng ta sống ở thành phố, vin vào tình cảm của cha mẹ, rằng đồ canh tác công nghiệp sao sánh được bằng thực phẩm nhà tự nuôi trồng, là bố mẹ cứ dúi cho. Nhưng chúng ta quên mất rằng, gà lợn không bỗng dưng mà lớn, cây trái không tự nhiên mà được thu hoạch. Bố mẹ mình ở quê cũng vất vả, chăm bẵm sớm hôm; mà thương hơn là không dám ăn, hoặc chỉ ăn những cái sâu sia, xấu xí, để phần cho ta phần ngon lành nhất.

Rời quê lên thành phố sống, rồi lại muốn nhận những thứ tốt đẹp, trong lành nhất của “nhà quê”, thế có công bằng với bố mẹ không? Thế có là ích kỷ, vô tâm không?

Đã trưởng thành vẫn nhận chu cấp, đó là ác chứ không phải yêu thương

Sẽ có người nói rằng, không có tiền bạc nào sánh được với tình cảm bố mẹ dành cho con, không có món quà nào đổi được sự nồng hậu của người quê. Rằng bố mẹ cũng hạnh phúc vô ngần khi thấy mình còn giá trị, còn được lo lắng, chăm chút cho con như ngày còn bé thơ. Rằng có đi hết hết cuộc đời, trong mắt bố mẹ chúng ta vẫn còn bé bỏng.

Nhưng có một sự thật mà người ta quên nói, ấy là vẫn để bố mẹ lo lắng càng nhiều, tức là chúng ta vẫn chưa phải những đứa con hiếu thảo. Đến miếng ăn của gia đình mình mà vẫn phải dựa vào cha mẹ, cảm động thì cảm động thật, yêu thương thì yêu thương thật, nhưng vẫn cứ là chưa tròn kính yêu.

Con sống ở thành phố nhưng vẫn nhận tiếp tế đồ quê, đó không phải yêu thương mà là bất hiếu - 3
Để bố mẹ phải lo lắng đến từng miếng ăn, đó là chúng ta chưa tròn chữ hiếu. (Ảnh minh họa)

Để ăn được miếng ngon đúng kiểu ngày xưa, không cứ phải dựa vào bố mẹ đi mua gom ở quê mới có. Nhiều shop online nhập thực phẩm vườn nhà, gom theo đợt nhan nhản trên mạng. Các quầy rau organic, thịt hữu cơ cũng chẳng đến mức khó tìm. Đương nhiên, nó đắt đỏ hơn; nhưng ít nhất bớt được một phần vất vả.

Hoặc nếu vẫn khăng khăng muốn ăn đồ quê của mẹ, có lẽ nên gửi lại tiền, thay vì hồn nhiên sử dụng và mặc định là nó “rẻ thôi, đáng là bao”. Rẻ với mình, nhưng ở quê, đó có thể là cả gia tài. Cho bố mẹ mình, sợ gì thiệt?

Tôi nghiệm ra điều ấy khi một người bạn thân rủ mình “chung thầu” với bố mẹ bạn ở quê. Mỗi mùa vụ, chúng tôi sẽ cùng nhau tính toán lượng thực phẩm mình cần, nuôi con gì, trồng rau gì, rồi xuất tiền mua con giống, thức ăn, hạt giống, tiền điện nước… để bố mẹ bạn nuôi trồng.

Ông bà cho mượn đất và bỏ công chăm sóc, hoa màu lợi tức chia đôi, chúng tôi một nửa, ông bà một nửa, muốn bán hay ăn tùy ông bà tự quyết. Mùa thu hoạch, chúng tôi có thể đem con về chơi, nghịch phá tưng bừng ở ruộng và mang theo phần của mình. Tôi biết, có khi chúng tôi được nhận nhiều hơn một nửa, nhưng ít ra, chúng tôi có góp phần trong đó, chứ không phải “bòn rút” hay “vơ vét” mà vẫn hỉ hả rằng bố mẹ yêu thương.

Con sống ở thành phố nhưng vẫn nhận tiếp tế đồ quê, đó không phải yêu thương mà là bất hiếu - 4
Muốn ăn đồ quê gửi lên, hãy tìm cách sao cho bố mẹ đỡ thiệt mà vẫn vui vẻ vì được thể hiện tình yêu con. (Ảnh minh họa)

Đó cũng là lý do mà bố mẹ tôi từ chối chu cấp cho tôi, từ khi tôi có gia đình riêng. Bố tôi có một vườn trồng cây ăn quả ở miền Nam, nhưng lần nào trêu ông hãy chuyển cho tôi để vừa ăn vừa bán, lấy tiền nuôi cháu, bố tôi phát biểu xanh rờn: “Tao hết trách nhiệm với mày rồi. 

Thích bán thì tao để lại cho giá ưu đãi, ưu tiên tuyển hàng ngon, nhưng tiền gốc thì phải trả. Tao đầu tư bao tiền chưa thấy lãi đâu, lại còn phải cho mày thì sạt nghiệp à”. Mà ông làm thế thật, sòng phẳng và rõ ràng.

Tôi không còn chạnh lòng hay ấm ức nữa, vì biết rằng không phải bố mẹ bỏ rơi mình, mà đang để mình trưởng thành. Trưởng thành, đó là khi ta yêu thương nhưng vẫn và vẫn được ứng xử như những người lớn trước bố mẹ, không phải để họ chăm lo đến cả miếng ăn.

Theo Thiên Yết (Pháp Luật & Bạn Đọc)