Việc quan trọng là giúp con bình tĩnh bằng cách thừa nhận cảm xúc của con và tìm ra nguyên nhân.
Một khi những giọt nước mắt bắt đầu rơi, mọi thứ có thể "leo thang" nhanh chóng và việc bạn hét lên với con rằng: "Nín đi", "Đừng khóc nữa"... là điều thật khó kiểm soát. Nhưng càng nói to, càng yêu cầu con dừng lại thì dường như kết quả trái ngược hoàn toàn khi con càng khóc dữ dội hơn.
Tiến sĩ Vaani Gunaseelan, chuyên gia tâm lý học tại Think Psychological Services, lưu ý bố mẹ rằng việc đe dọa con, lảng tránh hoặc phớt lờ tiếng khóc của trẻ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái.
Trên thực tế, cách tốt hơn cả để trẻ không tiếp tục khóc là giữ bình tĩnh và cố gắng làm dịu chúng bằng việc xác định nguyên nhân. Tiến sĩ Vaani cũng khuyên: "Hãy cố gắng tìm ra lý do tại sao con bạn khóc - trong nhiều trường hợp nó có thể là do nhu cầu không được đáp ứng như đói, khó chịu, thiếu kích thích hoặc quá mệt mỏi".
Bố mẹ cũng nên giải quyết những nhu cầu này của trẻ bằng cách dạy cho chúng biết thể hiện cảm xúc của mình phù hợp, ví dụ như sử dụng những từ đơn giản để mô tả cảm giác. Sau đó, khi con đã nói ra được, hãy khen ngợi vì chúng đã có thể truyền đạt nhu cầu của mình.
Hành động khóc của trẻ cũng giống như nổi giận hoặc cười lớn, không phải là xấu hay sai trái. Đó là cách những cảm xúc lớn đang được xử lý mà bố mẹ nên quan tâm, đặc biệt nếu cơn cáu giận của con có thể làm bị thương bản thân hoặc người khác. Bố mẹ không nên từ chối cho con cơ hội để tìm hiểu cách làm thế nào điều chỉnh cảm xúc của mình.
Trẻ thường khóc khi không biết diễn đạt cảm xúc bên trong của mình. |
Dưới đây là những thứ bố mẹ không nên làm để xoa dịu con!
- Đừng làm phân tâm con khỏi những cảm xúc đang có: Cố gắng tránh chuyển hướng chú ý của trẻ đến đồ chơi, thú bông yêu thích hoặc phim hoạt hình để trẻ ngưng khóc. Tiến sĩ Vaani nói rằng, cách tốt hơn là để con học cách tự xoa dịu và điều chỉnh cảm xúc thay vì làm xao nhãng cảm xúc của con.
- Đừng hỏi quá nhiều câu: Con của bạn đã phải vật lộn với những cảm xúc lớn trong đầu, bị hỏi quá nhiều thứ càng khiến chúng bối rối, ngột ngạt hơn.
- Đừng đổ lỗi cho con vì chuyện khóc lóc: Đừng nói: "Con tức giận vì bạn đã lấy bút chì của con nhưng con không nên để hộp bút chì mở toang như thế". Thay vào đó, sẽ tốt hơn nếu bố mẹ đưa ra các giải pháp như hướng dẫn con chia sẻ cảm giác của chúng với bạn bè khi bị lấy mất bút chì mà không hỏi ý kiến trước.
- Đừng la mắng: Quát to lên để con dừng lại không phải là cách giải quyết tận gốc vấn đề.
Bên cạnh việc quan tâm cách bạn nói chuyện với con, những từ ngữ bạn sử dụng cũng vô cùng quan trọng. Tiến sĩ Vaani khuyên bố mẹ nên dùng những từ để thừa nhận cảm xúc của con. "Xác nhận rằng bạn hiểu điều gì và tại sao con làm như vậy. Điều này cho thấy sự thấu hiểu của bạn nhưng không đồng nghĩa chấp nhận hành vi con làm".
Thay vì nói: "Nín đi", "Con đừng khóc nữa", bố mẹ hãy thử các cụm từ khác, như:
- Buồn bực là chuyện bình thường...
- Khóc là chuyện bình thường...
- Con có muốn nói với bố/mẹ điều gì khiến con buồn không?
- Con đúng rồi, điều này là không công bằng.
- Bố/mẹ có thể thấy rằng điều này thực sự khó khăn đối với con.
- Bố/mẹ sẵn sàng nghe con nói.
- Bố/mẹ đang lắng nghe con đây.
- Bố/mẹ ở đây vì con - Bố/mẹ muốn ở đây vì con.
- Bố/mẹ sẽ giúp con làm việc đó.
- Con biết là con có thể tìm bố/mẹ khi con sẵn sàng chia sẻ mà.
Theo H.Nhi (Ngoisao.net)