Cách đây không lâu, rất nhiều người đã từng rơi nước mắt nghẹn ngào với câu chuyện về lá thư của bé gái vô danh nào đó gửi cho bố. Cô bé ấy chắc chưa đến 10 tuổi, nhưng những gì em viết ra khiến cho tất cả người lớn phải giật mình, vì qua những câu chữ gạch xóa ngô nghê và ký ức vụn vặt của em, một gia đình méo mó, bạo lực, đầy đau khổ đã bị vạch trần.
Bé gái ấy không phải là đứa trẻ duy nhất phải chịu đựng sự tổn thương do chính người thân yêu ruột thịt của em gây ra. Bởi một bé gái vô danh khác với cuốn nhật ký nhòe nhoẹt nước mắt đã đánh thức các bậc phụ huynh một lần nữa, với câu chuyện bi thương về sự vô tâm của bố mẹ, khiến con trẻ bị trầm cảm nặng nề.
"BỐ MẸ LIỆU ĐÃ ĐÚNG?
Hôm nay chị đồng nghiệp của tôi cứ ôm cuốn sổ khóc nức nở. Mặc dù không phải kẻ nhiều chuyện nhưng tôi cũng phải thắc mắc đôi điều. Đó là cuốn nhật ký của một bé gái lớp 5. Trên cuốn sổ, những dòng chữ nắt nót của bé nhạt nhòa bởi nước mắt chị. Bé bị tai nạn cách đây vài ngày vì bỏ nhà đi, hiện đang được các bác sĩ điều trị. Từng nét chữ kia mang một câu chuyện buồn khiến tôi chẳng thể thốt lên lời.
Hai vợ chồng chị ý là doanh nhân thành đạt, hai đứa con cũng nức tiếng chăm ngoan học giỏi. Nhưng anh chị chẳng có thì giờ đâu mà quan tâm đến chúng giữa những bộn bề công việc, ở cơ quan rồi lại khi về nhà... Mệt mỏi, mệt mỏi cứ chất chứa dần lên. Nghe chị kể là anh nhà đi công tác triền miên, về nhà hầu như đều trong tình trạng say xỉn vì tiếp khách, nhưng trong kinh doanh thì đấy là điều khó mà tránh được. Đúng là xoay quanh cơm áo gạo tiền con người ta trở nên dễ cáu gắt hơn, dễ mệt mỏi hơn. Hai đứa con gần như chỉ được gặp bố mẹ lúc ăn cơm, ngày nào cũng thấy vẻ mặt nhăn nhó của bố mẹ, và tiếng cãi vã.
Nhìn mấy dòng nhật kí của con bé mà tôi cũng chợt giật mình. Dù con bé chẳng viết gì nhiều, những đủ để chúng ta nhận ra rằng nó đã cô đơn và buồn đến nhường nào. Những giọt nước mát kia có thể là của mẹ nó nhưng cũng có thể là của chính con bé. Thật xót xa...
Nếu như cứ mải mê với đồng tiền, với hy vọng mang đến cho con cái một cuộc sống đầy đủ có phải là đúng, có phải là đang làm điều tốt nhất cho con không? Các bố mẹ thời nay lại đang quá mải mê với công việc mà quên đi mất rằng, con cái của họ vẫn đang chờ được nghe, được tin và được trải lòng.
Nếu một ngày bạn nhìn được nhật ký của con mình, thì cũng đừng bất ngờ, bình tĩnh gấp lại... và hãy trải lòng hơn với con cái, hỏi xem hôm nay con đến trường như thế nào? Bạn bè của con có bắt nạt con không?... Thứ chúng cần là sự quan tâm và tin tưởng của chính những người yêu thương nhất.
Hà Nội, một ngày mưa giông".
Câu chuyện đầy chân thật ở trên đã chạm tới đáy sâu cảm xúc của hàng nghìn bậc cha mẹ. Không ít cặp vợ chồng trẻ thảng thốt nhận ra mình trong những dòng nhật ký của bé gái lớp 5, bởi cuộc sống bây giờ có ai mà không bận rộn, vật lộn với cơm áo gạo tiền mỗi ngày cơ chứ. Mở mắt ra là bị cuốn vào nhịp sống xô bồ, với công việc, các mối quan hệ, sự nghiệp tương lai, và đủ mọi vấn đề "người lớn" khác khiến cho những ông bố bà mẹ buộc phải đẩy con mình vào 2 chữ "tự lập" quá sớm. Chúng phải tự học cách chăm sóc bản thân, giữ an toàn cho chính mình, tự xoay sở trong thế giới của riêng mình trong khi đáng lẽ ra ở lứa tuổi ngây thơ như thế, chúng cần nhất là bố mẹ ở bên.
Không có cha mẹ nào mà không yêu thương con và họ luôn luôn dành những gì tốt đẹp nhất, giá trị nhất có thể cho đứa con bé bỏng của mình. Những em bé sẽ lớn lên, được học hành, được trải nghiệm cuộc sống theo cách mà bố mẹ nghĩ là "no đủ" nhất. Để rồi khi đứa trẻ mắc lỗi hoặc không đạt được như kỳ vọng, bố mẹ luôn chì chiết chúng bằng câu "đã cho ăn học tử tế đàng hoàng không thiếu gì rồi mà tại sao lại kém cỏi như thế?".
Bố mẹ ạ, đâu phải chúng ta cứ ép mình vào công cuộc kiếm tiền là sẽ đem lại cuộc sống hạnh phúc thực sự cho con cái. Một đứa trẻ có bố mẹ là giám đốc, doanh nhân giàu có chưa chắc đã đủ đầy bằng bạn chúng, có bố mẹ là lao động bình thường. 2 đứa trẻ ấy vẫn đủ cơm ăn áo mặc, có chăng là 1 đứa nhiều tiền tiêu vặt hơn, đồ dùng tốt hơn, nhưng chúng sẵn sàng đem đổi hết mấy thứ đó để có được những buổi chiều có bố mẹ chờ sẵn ở cổng trường, hoặc buổi sáng được bố chở tới lớp, sau khi ăn bữa điểm tâm mẹ làm. Lũ trẻ thích những bữa cơm gia đình ấm cúng, nơi chúng được ba hoa đủ thứ về trường lớp, thứ chúng mới khám phá ra xung quanh, nịnh mẹ dăm ba câu con trẻ rằng "mẹ nấu là ngon nhất", được bố mắng khi chúng quá nghịch, bày bừa thức ăn. Chứ không phải là những mâm cơm nguội tanh nguội ngắt, với bố mẹ cáu kỉnh bắt con nuốt thật nhanh để về phòng học bài...
Trường hợp của bé gái ở trên, chẳng biết thật hay là ai đó dàn dựng nên để đánh động chính ta, nhưng nó đại diện cho một điều có thật: bi kịch bị cô lập bản thân của những đứa trẻ thời hiện đại. Chúng biết rõ mình cần gì muốn gì, nhưng người chúng mong chờ nhất là bố mẹ thì lại chẳng bao giờ hiểu chúng.
"Con đã nhịn ăn sáng để mai mua hoa tặng mẹ, mẹ nhất định sẽ rất vui"; "Hình như gần 2 tháng rồi bố mẹ không đưa con đi chơi"; "Con sợ không dám tặng mẹ quà 8/3 vì sáng nay mẹ đã túm tay con lôi xềnh xệch ra khỏi nhà"... Khi bố mẹ chúng làm những hành động theo cảm tính, có bao giờ họ nghĩ con mình sẽ viết ra những dòng đầy xót xa đắng ngắt thế kia không? Cô bé con ấy hẳn là một đứa trẻ có tâm hồn rất trong sáng, giàu tình cảm và biết quan tâm đến người khác, đặc biệt là mẹ mình. Nhưng đau lòng thay, người cô bé yêu thương nhất lại chính là người gây ra những cảm xúc tiêu cực, làm tổn thương sâu sắc đến trái tim bé bỏng ấy.
Để rồi kết quả, bé gái lớp 5 đã chạy trốn khỏi chính căn nhà của mình. Nơi ấm áp an toàn nhất với mọi đứa trẻ lại trở thành nơi khủng khiếp nhất! May mắn cho người mẹ của cô bé là đã phát hiện ra cuốn nhật ký trước khi quá muộn. Trang nhật ký cuối cùng với dòng chứ to đùng "Con ghét tất cả!" đã làm cho người mẹ sụp đổ, ai nhìn thấy cũng phải lặng người. Vụ tai nạn chẳng ai mong muốn, nhưng nó đã trở thành cú sốc khiến bố mẹ cô bé thức tỉnh.
Và thực sự mong rằng những bậc phụ huynh khác cũng dành thời gian sau bài viết này để suy ngẫm lại về chính bản thân mình. Định nghĩa của hạnh phúc, đủ đầy trong thế giới quan của người lớn rất khác với lũ trẻ. Đừng bao giờ để mình phải hối hận vì đã gây ra vết sẹo trong lòng con, trở thành nỗi ám ảnh cô đơn gặm nhấm tâm hồn chúng, bố mẹ nhé...
Theo Lynk (Helino)