Trong quá trình nuôi con trưởng thành, điều bố mẹ lo lắng nhất là con trở bệnh, gặp vấn đề về sức khỏe. Có nhiều nguyên nhân để con gặp những tình trạng này dù phụ huynh đã cố gắng chăm bẵm và theo dõi con rất kỹ càng, và đôi khi lý do sẽ đến từ những điều mà người lớn không bao giờ nghĩ tới.
Gia đình anh Vương (Trung Quốc) có một cô con gái 8 tuổi. Dạo gần đây, điều khiến anh Vương đau đầu là cứ đến cuối tuần, cháu bé lại nói đau bụng. Dù đã đưa con đi bệnh viện nhưng bác sĩ cho rằng sức khỏe của em không có vấn đề gì, điều này khiến anh Vương khá hoang mang.
Vợ chồng anh lo ngại rằng có thể đứa trẻ đang mắc chứng bệnh nan y nào đó mà đến cả các bác sĩ vẫn chưa thể chẩn đoán được. Do đó cả hai đã quyết định thu xếp thời gian để đưa con đến các bệnh viện lớn trên thành phố.
Tại đây, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ vẫn kết luận rằng cô bé không gặp bất cứ vấn đề gì, tuy nhiên em vẫn nói rằng mình cảm thấy đau bụng. Thấy vậy, vị bác sĩ nhận thăm khám cho cô bé yêu cầu bố mẹ ra bên ngoài để mình được nói chuyện riêng với bệnh nhân. Lúc này, em mới thừa nhận rằng trong suốt quãng thời gian qua mình chỉ giả vờ bị đau bụng.
Hóa ra sau khi con gái ra đời, vợ chồng anh Vương đều có công việc riêng nên cô bé lớn lên trong vòng tay chăm sóc của ông bà ngoại. Đến độ tuổi tiểu học, vì nhận thấy tầm quan trọng của việc bài vở nên cả hai tranh thủ những thời gian rảnh rỗi cuối tuần để kèm cặp kiến thức cho con, thỉnh thoảng họ cũng dắt con ra ngoài để ăn uống, vui chơi.
Song, cả hai vợ chồng đều là những người nóng tính, do đó trong nhà thường xuyên xảy ra cãi vã. Điều này làm đứa trẻ mới lên 8 cảm thấy sợ hãi. Để bố mẹ không cãi nhau nữa, cô bé đành phải nói dối rằng mình bị đau bụng. Mỗi lần nói như thế, đôi vợ chồng liền ngưng việc cáu gắt với nhau để chăm lo cho con gái. Vì cảm thấy lời nói dối có tác dụng trong việc giảng hòa cho bố mẹ nên cô bé vẫn thường hay lặp lại điều này mỗi khi thấy cặp đôi bắt đầu căng thẳng với nhau.
Sau khi biết được nguyên nhân của những cơn đau bụng, bác sĩ liền đến gặp cặp vợ chồng và thẳng thắn nói: "Anh chị có biết nguyên nhân khiến con mình bị đau bụng không? Đứa trẻ luôn miệng kêu đau bụng chỉ vì không muốn hai người cãi nhau, nếu vẫn thường xuyên làm như vậy trước mặt con, tôi khuyên cả hai nên ly hôn để tránh làm ảnh hưởng đến đứa bé!"
Lời nói này khiến cả hai vô cùng sốc và hoang mang, họ không biết rằng những lần lời qua tiếng lại của mình lại có tác động tới tâm lý của con gái lớn đến thế. Dẫu biết rằng trong hôn nhân, vợ chồng sẽ có những lúc bất đồng ý kiến, song để con cái chứng kiến những cuộc cãi vã luôn là điều không nên.
Tâm hồn của trẻ vốn mỏng manh, những cuộc tranh cãi sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy sợ hãi và thu mình lại, lâu dần những điều này sẽ tác động tới tâm lý của trẻ. Nếu để trẻ thấy quá nhiều những xung đột trong gia đình, các em cũng sẽ tự cho rằng cãi vã, bạo lực là cách giải quyết mọi tình huống, vấn đề trong cuộc sống, điều đó khiến trẻ dễ trở nên nóng nảy và có xu hướng dùng vũ lực nhiều hơn trong tương lai.
Quan trọng không kém, việc bất hòa của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy bất an và chọn cách trốn chạy khỏi cha mẹ. Tất nhiên, điều ấy sẽ tạo khoảng cách trong mối quan hệ của bố mẹ và con cái. Do đó, trước mặt con trẻ, bố mẹ nên kiểm soát lời nói và hành động của mình, dù có bất đồng quan điểm cũng nên tránh to tiếng hoặc giải quyết trước mặt con, đừng khiến đứa trẻ chịu tổn thương vì sự bốc đồng và cái tôi quá lớn của mình.
Theo BoB V (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)