Cô tạp vụ chỉ ra lỗi giao tiếp của nhiều chị em công sở: Vô duyên, hay buông lời phá hỏng cuộc vui của đồng nghiệp mà chẳng hay biết

14/09/2019 22:57:54

"Các cá nhân nơi công sở vô duyên, ai nói gì cũng nhảy vào bĩu môi chê bai, tôi đều gọi họ là những người chuyên phá hỏng cuộc vui của người khác".

Người Việt mình hay dạy con cái lễ giáo từ nhỏ, từ đạo đức làm người cho tới cung cách giao tiếp. Tuy nhiên, trong cách giao tiếp lễ phép lịch sự được răn dạy, hầu như tôi chưa bao giờ nghe thấy ông bố, bà mẹ nào dạy con rằng: Đừng bao giờ phá hỏng cuộc vui của người khác!

Thật ra, tôi chẳng giỏi giang hay ho gì đâu, chẳng qua là trước khi làm công việc tạp vụ trong môi trường công sở, tôi từng làm giúp việc trong một gia đình giàu có, chồng là người nước ngoài, vợ là người Việt. Gia đình họ có hai người con trai nhỏ, ông bố ngoại quốc lúc nào cũng hay nói với các con như trên, tôi nghe thấy, để trong bụng mà mãi đến khi đi làm tạp vụ mới hiểu ra.

À luyên thuyên nãy giờ tôi quên chưa nhắc cho mọi người nhớ. Tôi đây là bà già có kinh nghiệm 10 năm làm công việc tạp vụ trong các văn phòng công ty. Tôi chính là người chia sẻ hai bài viết "trong môi trường công sở, đừng bao giờ mặc định nghĩ rằng ai đó phải có nghĩa vụ giúp đỡ mình" và "thơm thôi đừng thơm quá, xức nước hoa quá đà chỉ khiến đồng nghiệp sợ chết khiếp".

Cô tạp vụ chỉ ra lỗi giao tiếp của nhiều chị em công sở: Vô duyên, hay buông lời phá hỏng cuộc vui của đồng nghiệp mà chẳng hay biết

Cuộc vui của dân công sở và các cá nhân "vô duyên hết phần thiên hạ"

Hôm nay quay lại, tôi xin chia sẻ vấn đề như đã nói từ đầu về cách giao tiếp của dân công sở với nhau. Họ thường mắc một sai lầm khiến đồng nghiệp chán ngán, đó chính là thả những câu nói vô duyên làm hỏng hết cả tâm trạng vui vẻ của người khác.

Tôi không nói ngoa đâu, những gì tôi kể sắp tới đây dựa theo những gì mà tôi được nghe, được thấy và được biết, chắc hẳn phần đông dân văn phòng, nhất là hội chị em phụ nữ sẽ cảm thấy rất quen thuộc.

Cô tạp vụ chỉ ra lỗi giao tiếp của nhiều chị em công sở: Vô duyên, hay buông lời phá hỏng cuộc vui của đồng nghiệp mà chẳng hay biết - 1

Ví dụ như: Quay trở lại làm việc sau một kỳ nghỉ dài, hội đồng nghiệp túm tụm lại với nhau để kể về những chuyến đi, những buổi party với tâm trạng vui vẻ còn dư âm. Tuy nhiên, trong đó, ít nhiều cũng xuất hiện vài cá nhân vô duyên và "kém sang" hết cả phần thiên hạ.

A kể hôm rồi mình đi Vũng Tàu với người yêu, cô B nhảy vào bĩu môi nói: "Vũng Tàu có gì đâu mà vui, chán chết mà cũng ráng lết tới à".

C kể nhà mình thì làm tiệc tại gia, gia đình quây quần cực kỳ vui vẻ, cô B tiếp tục vừa gọt xoài vừa nói: "Lễ lạt mà ở nhà, ngộ. Làm như 364 ngày ở ngoài đường hết, nên phải dành 1 ngày ở nhà để tổ chức tiệc".

D kể lễ của mình chẳng có gì đặc biệt, chỉ có một tối tụ tập bạn cũ đi nhảy nhót ở quán bar, cô B lại phóng vào đá xéo: "Mấy chỗ đó toàn bọn ăn chơi, đua đòi, tới làm gì để bị người ta đánh giá chung".

Cô tạp vụ chỉ ra lỗi giao tiếp của nhiều chị em công sở: Vô duyên, hay buông lời phá hỏng cuộc vui của đồng nghiệp mà chẳng hay biết - 2

Thế đấy, cô B cứ đợi người ta nói ra câu chuyện gì trong dịp nghỉ lễ là y như rằng sẽ nhảy vào hoặc là chê bai, hoặc là mỉa mai khiến tất cả đồng nghiệp xung quanh đều khó chịu ra mặt. Nhưng đúng như cái câu tôi hay tâm niệm "đôi khi con người chỉ có thể nhìn thấy đống rác trên đầu người khác mà không có khả năng nhận ra đống rác trên đầu mình". Cô B chẳng bao giờ nghĩ rằng mình rất kém duyên.

Chưa hết, cũng gần như tương tự bên trên, một cô nàng tên T khác trong văn phòng nơi tôi làm việc quét dọn, mỗi lần nghỉ trưa đồng nghiệp bàn nhau ăn gì, cô nàng đều tràn vào ỏng eo chê. Chê theo kiểu cực kỳ vô duyên. Chẳng hạn như đồng nghiệp rủ nhau ra ngoài ăn bún đậu, T liền bảo "mắm tôm thối lắm"; đồng nghiệp than thở thèm sầu riêng, cô T tiếp tục chê "nghe bảo thôi đã thấy khắm hết cả mũi",...

Cô tạp vụ chỉ ra lỗi giao tiếp của nhiều chị em công sở: Vô duyên, hay buông lời phá hỏng cuộc vui của đồng nghiệp mà chẳng hay biết - 3

Lời khuyên từ cô tạp vụ công sở: Đừng bao giờ phá hỏng cuộc vui của người khác!

Vậy đó, trong những câu chuyện bên trên, các cá nhân kém duyên kiểu như cô T và cô B tôi đều gọi họ là người chuyên gia phá hoại cuộc vui của người khác.

Tôi đồng ý là mỗi người có một cái đầu với lối suy nghĩ khác nhau, cả cảm quan về thẩm mỹ, nghệ thuật, ẩm thực cũng khác nhau. Quan niệm xấu-đẹp, ngon-dở, vui-buồn khác nhau tuốt. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được quyền dùng lời nói xúc phạm cảm xúc của người khác.

Đặc biệt trong môi trường công sở lắm thị phi yêu cầu mỗi người cần phải khéo léo trong cách ăn nói, thì những cá nhân có cái tính như trên rất dễ bị đồng nghiệp căm ghét và tẩy chay.

Cô tạp vụ chỉ ra lỗi giao tiếp của nhiều chị em công sở: Vô duyên, hay buông lời phá hỏng cuộc vui của đồng nghiệp mà chẳng hay biết - 4

Đừng nghĩ rằng mình chỉ đùa vui. Vui cho mình nhưng người khác có vui đâu, nhất là khi họ nói gì cũng bị chặn đầu chê trách. Vui thôi đừng vui quá, cái gì cũng có mức độ, một khi đã vượt quá giới hạn của sự đùa vui thì có khi tai họa ập tới. Đồng nghiệp một khi đã ghét thì chẳng ai trụ được lâu trong môi trường công sở.

Nên nhớ, ranh giới giữa vui đùa hài hước và vô duyên mỏng manh như một sợi tóc. Và nếu không được phụ huynh dạy thì hãy để bà già tạp vụ này nhắc lại lời khuyên chân thành: Đừng bao giờ phá hỏng cuộc vui của người khác!

Theo Old Fashioned (Helino)

Nổi bật