Có nên ủng hộ áo ấm cho người nghèo khi trời rét buốt?

26/01/2016 10:23:26

Nhiều dân mạng cho rằng, thay vì ủng hộ tiền, áo ấm những người dân vùng cao mỗi đợt rét đến, chúng ta nên tạo cho họ công ăn việc làm thiết thực hơn.

Nhiều dân mạng cho rằng, thay vì ủng hộ tiền, áo ấm những người dân vùng cao mỗi đợt rét đến, chúng ta nên tạo cho họ công ăn việc làm thiết thực hơn.
Người dân khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là vùng cao đang phải trải qua đợt rét kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Tại một số nơi như Lào Cai, Sơn La, Yên Bái đã có băng giá, mưa tuyết, có khi nền nhiệt xuống đến -4 độ C.
 
Trước tình hình thời tiết khắc nghiệt, nhiều dân mạng đã kêu gọi ủng hộ lương thực, áo ấm... cho bà con, trẻ em nghèo.
 

Nhiều người hiện kêu gọi giúp đỡ trẻ em nghèo vùng cao. Ảnh chụp màn hình.

 
Bên cạnh các ý kiến đồng tình với hành động ấm áp này, Facebook Tran Quang Duc bất ngờ chia sẻ quan điểm: “Thay vì biến trẻ em Tây Bắc thành ăn xin thời vụ, mặc những bộ độ hóa trang rách rưới bôi mặt lem nhem ngửa hai tay nhận đồ từ thiện của miền xuôi, hãy xách ba lô và mang tiền lên đó du lịch, thuê dân bản địa làm hướng dẫn viên, phục vụ, ăn ở homestay… để phát triển kinh tế địa phương.
 
Thay vì cho tiền người nghèo, tàn tật hay vô gia cư, hãy tạo công ăn việc làm cho họ, thuê họ quét cái sân, nhặt mớ rau hay gì đó rồi trả vài chục”.
 
Dòng trạng thái trên nhanh chóng thu hút sự quan tâm trong cộng đồng mạng, với hơn 1.000 like (thích). Nhiều bạn trẻ tỏ ra ủng hộ, nhưng cũng có không ít người chưa hẳn đồng tình với Facebook Tran Quang Duc.
 
Lợi dụng tình thương, lười lao động
 
Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, mọi người đã biết cách tận dụng mạng xã hội để lan toả những câu chuyện, hoàn cảnh khó khăn đến công chúng. Từ đó, cộng đồng mạng có thể chung tay giúp đỡ nhiều số phận bất hạnh. Tuy nhiên, mặt trái của việc làm này cũng được hình thành.
 
Vào khoảng cuối năm 2014, câu chuyện ba cha con mưu sinh bên lề đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TP HCM) khiến nhiều người xót xa. Sau khi được chia sẻ trên mạng, các nhà hảo tâm tìm đến, quyên góp cho anh Tuấn cùng hai con gái Huyền - Thoại.
 
Tuy nhiên, không lâu sau đó, báo chí lại đưa tin anh Tuấn đã tiêu hết số tiền được giúp đỡ và gửi con vào chùa, nhờ người khác nuôi dưỡng. Còn anh quay trở về với kiếp sống lang thang nơi vỉa hè.
 
Hay một ví dụ điển hình khác là trường hợp của Hào Anh, cậu bé bị vợ chồng chủ trại tôm giống tại Cà Mau tra tấn dã man, gây chấn động dư luận. Được cộng đồng giúp đỡ trở về với cuộc sống bình thường, không bao lâu những điều tiếng về cậu bắt đầu xuất hiện.
 
Đánh đuổi mẹ ra khỏi nhà, ăn chơi đua đòi cùng các bạn... là điều người ta bàn tán về Hào Anh. Thậm chí, hồi tháng 7/2015, cậu bé đáng thương ngày nào còn bị bắt giam vì tội trộm đồ.
 
Sau mỗi vụ việc, vấn đề “Lòng thương đã được đặt đúng chỗ hay chưa?” lại được dân mạng đưa ra bình luận. Câu chuyện ủng hộ áo ấm cho đồng bào vùng cao trong mùa đông rét buốt những ngày gần đây cũng vậy.
 
Thành viên Hoàng Dương bình luận: “Đúng là tiền của nhà hảo tâm bị sử dụng sai mục đích. Lòng tốt từ mọi người chỉ đến có một lần, không có lần hai nữa đâu!”.
 
“Phải chi họ đừng dễ dàng đưa tiền, mà cho người cần giúp đỡ một cái nghề để tự nuôi sống bản thân thì có lẽ câu chuyện sẽ có kết thúc đẹp hơn” là bình luận của Nguyễn Khải Lê.
 
Trẻ em vùng cao thành “ăn xin thời vụ”?
 
Những hoạt động kêu gọi ủng hộ, làm thiện nguyện cho bà con, trẻ em nghèo khó từ trước đến nay không hiếm. Khi thời tiết trở nên lạnh giá, khắc nghiệt, người ta lại “đau đáu” nghĩ về dân vùng cao nhiều hơn.
 
Hành động “Cho người khác cần câu cá thay vì cho họ cá để ăn” một lần nữa được đưa ra bàn luận sôi nổi.
 

Nhiều người cho rằng, quyên góp đồ ủng hộ trẻ em vùng cao là hành động chia sẻ, không phải bố thí. Ảnh: Hoàng Nam.

 
Nhiều bạn trẻ không đồng tình với quan điểm này. Họ cho rằng, quyên đồ là giải pháp nên thực hiện trước, còn tạo công ăn việc làm cần thời gian dài, đôi khi là cả quá trình.
 
Nickname Chiếp Chiếp bày tỏ: "Chúng mình cố gắng giúp đồng bào quê hương. Đây không phải bố thí, mà là chia sẻ. Nhìn đồng bào mình thiếu ăn, thiếu mặc, mọi người nên giúp đỡ để họ phần nào cảm thấy ấm lòng hơn”.
 
Không ít dân mạng cũng nhận định, quan điểm giúp người khác bằng cách tạo việc làm không sai. Song để giải quyết gốc rễ một vấn đề, chúng ta cần dung hoà được giữa giải pháp tình thế và giải pháp dài hạn.
 
Nguyễn Thị Nguyệt - sinh viên năm 2, Học viện Hành chính Hà Nội - cho biết: “Mình nghĩ đó là ý kiến hay, nhưng chưa thiết thực. Bởi đi vào thực tế sẽ khó hơn nhiều so với lời nói. Sở dĩ dân bản địa miền núi vốn kiến thức hạn hẹp, để đào tạo họ trở thành hướng dẫn viên, phục vụ du lịch... không đơn giản”.
 
Về vấn đề này, blogger Nguyễn Ngọc Long bày tỏ: “Tôi nghĩ khi trẻ vùng cao đang đói, rét, hãy cho các em áo ấm và đồ ăn. Còn công ăn việc làm sẽ đến sau, khi các em được no cái bụng”.
 

Anh Nguyễn Ngọc Long trong một chuyến từ thiện tại vùng cao. Ảnh: Ngọc Long.

 
Theo anh Long, có lần, anh chia sẻ khoảnh khắc giúp đỡ một em bé 4 tuổi trên Bát Xát (Lào Cai) mặc áo ấm, có bạn đã chỉ trích anh: "Tại sao không để các con tự làm, các con đủ khả năng để làm việc này".
 
Nam blogger giải thích, thông thường, mọi người chỉ nhìn vào hình ảnh trên mạng rồi phán xét. Các bạn không biết trước đó em bé đã loay hoay gần 2 phút nhưng không thể tự mặc chiếc áo.
 
“Nếu tiếp tục để bé tự làm thì bé sẽ rất lạnh, như vậy là không thực tế. Mình hoàn toàn có thể giúp, sau đó đưa bé vào phòng ấm để bé học cách mặc sau” - anh nói.
 
Trước nhiều ý kiến trái chiều trên mạng, thành viên Tran Quang Duc cho hay, những người không đồng tình với anh do họ hiểu nhầm về vấn đề xin tiền và từ thiện.
 
"Mình đang nói về vấn đề xin tiền, không động tới lòng hảo tâm, sự từ thiện của mọi người tại vùng cao. Mỗi người có một quan điểm riêng nên mình không có ý kiến gì thêm" - Tran Quang Duc chia sẻ.
 
Theo Hàn Triệt (Zing.vn)

Nổi bật