Những ngày vừa qua dư luận có không ít vụ việc dở khóc dở cười liên quan đến tích trữ đồ ăn trong mùa giãn cách. Nhiều người mua sắm quá tay thành ra tủ lạnh chật ních, rồi không biết bảo quản khiến trứng nở, khoai mọc mầm, thịt ôi mốc… Tính ra vừa lãng phí, vừa tốn kém.
Đây là thời điểm để thành viên những hội nhóm nấu nướng, chia sẻ mẹo vặt “cật lực” trợ giúp cõi mạng. Gần đây nhất, một bài viết chia sẻ mẹo bảo quản thực phẩm của cô nàng Nguyen Thao đang rất viral vì các cách xử lý nhanh gọn mà hữu hiệu. Sau 1 ngày đăng tải, bài đăng đã có hơn 21k like và 9,1k share.
Theo cô nàng, việc dành thời gian mua thực phẩm tươi hàng ngày sẽ không quá quan trọng nếu mọi người biết cách bảo quản thực phẩm, với những mẹo sau đây của cô, đồ ăn có thể dự trừ từ 1 tuần hoặc lâu hơn tuỳ món:
1. Tỏi
- Tỏi rửa sạch, thấm khô hết nước.
- Xay nhuyễn, cho vào khay đá tổ ong có nắp và cho vào tủ đá 4 tiếng, sau đó lấy ra cho vào lọ thủy tinh và để lại vào ngăn đá để khi nào nấu ăn thì lấy từng viên ra dùng dần.
2. Hành lá
- Hành lá rửa sạch để ráo nước.
- Một phần cắt nhỏ để vào ngăn đông dự trữ được lâu.
- Một phần cắt khúc cho vào hộp có lót giấy, phủ một lớp giấy khác trên mặt hành và đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát.
3. Ngò rí
- Cho vào lọ thủy tinh, đổ vào ít nước và dùng chiếc túi nilong trùm lên trên, để vào tủ lạnh sẽ tươi rất lâu.
4. Ớt
- Ớt rửa sạch, thấm khô hết nước.
- Một phần để ngăn đông (sử dụng trong nấu nướng).
- Một phần cho vào hộp có lót giấy, phủ một lớp giấy khác trên mặt ớt và đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát (làm nước chấm).
5. Giá và đậu phụ
- Rửa sạch và cho vào hộp, đổ ngập nước lên giá/ đậu phụ.
6. Cà chua
- Cà chua bi: rửa sạch, thấm khô, để vào hộp có lót giấy và không quên phủ một lớp giấy trên mặt cà chua, bảo quản trong ngăn mát.
- Cà chua lớn: để ở ngoài, nhiệt độ phòng.
7. Rau xanh
- Tất cả đều không rửa nước. Cho vào hộp có lót giấy, phủ thêm một lớp giấy trên mặt rau và đậy nắp kín, bảo quản trong ngăn mát.
8. Cà rốt
- Không cần rửa trước, cắt bỏ bớt lá cà rốt vì lá sẽ hút ẩm và khiến cà rốt hỏng nhanh.
- Gói cà rốt bằng giấy bếp và cho vào hộp, bảo quản trong ngăn mát.
9. Bí ngòi, ớt chuông, súp lơ xanh
- Không cần rửa trước, dự trữ trong túi giấy hoặc gói bằng giấy và cho vào hộp, bảo quản trong ngăn mát.
10. Khoai tây, khoai lang
- Bảo quản ở ngoài, thoáng khí, nơi không gian tối nhất trong bếp. Kỹ hơn có thể để một quả táo vào cùng thì khoai tây sẽ không mọc mầm. Tránh để gần hành tây sẽ làm khoai tây nhanh hư hơn.
- Khoai lang cũng bảo quản ở ngoài, thoáng khí.
11. Thịt, cá, tôm các loại
- Rửa sạch, để thật ráo nước và bảo quản ở ngăn đông, nên chia theo từng bữa ăn để vào từng hộp sẽ tiện cho rã đông và chế biến.
- Nếu hộp lớn thì lót giấy nến để ngăn cách các phần ăn ra để lấy cho dễ. Tránh trường hợp rã đông rồi ăn không hết lại cho vào tủ lạnh làm đông tiếp thì không tốt.
12. Smoothie
- Các nguyên liệu làm smoothie đều rửa sạch, để ráo nước và cắt nhỏ (chuối, bơ và rau kale).
- Chia thành từng lần ăn vào từng túi zip và bảo quản ở ngăn đông. Sáng lấy ra xay ăn sáng rất tiện.
*Bonus mẹo khử mùi tủ lạnh
- Vỏ cam, quýt, bưởi ăn xong có thể tận dụng vỏ để vào tủ lạnh cho thơm.
- Nếu không có vỏ các loại trên thì có thể cắt vài lát chanh để vào tủ.
Theo Thanh Phong (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)