Cô gái trẻ tái mặt trước cảnh tượng bên trong tập thể cũ lúc 1 giờ đêm

25/12/2017 08:20:19

Chị Thơ kể, có lần vào giữa khuya, khi mọi người đang chăn ấm nệm êm thì bỗng có tiếng ai hét thất thanh trong khu tập thể. Các hộ xung quanh thấy vậy, nhốn nháo chạy ra xem...

Tập thể Thuốc lá Thăng Long, quận Thanh Xuân, Hà Nội được xây dựng từ năm 1958  - 1960 của thế kỷ trước. Đây là một trong những khu tập thể cũ ở Hà Nội đã xuống cấp, nhiều mảng tường bong tróc, để lộ cả cốt thép bên trong. 

Cô gái trẻ tái mặt trước cảnh tượng bên trong tập thể cũ lúc 1 giờ đêm
Hành lang tối, cư dân phải bật điện cả ngày. Ảnh: Nhật Linh

Bà Võ Kim Huê - cán bộ hưu trí (SN 1928 - phòng 203, tòa B tập thể Thuốc lá Thăng Long), cho biết: "Ban đầu khu tập thể này chỉ có duy nhất 1 nhà vệ sinh ở tầng một.

Sau này, mỗi tầng được xây thêm một nhà vệ sinh. Tuy nhiên mỗi nhà vệ sinh này chỉ có 7 bồn cầu bệt phục vụ 34 căn hộ/1 tầng, trung bình một hộ 3 nhân khẩu vì vậy việc sinh hoạt vẫn gặp nhiều bất tiện".

Cô gái trẻ tái mặt trước cảnh tượng bên trong tập thể cũ lúc 1 giờ đêm - 1
Các mảng tưởng bong tróc, lộ cả cốt thép bên trong. Ảnh: Nhật Linh

Theo bà Huê, đây vốn là khu nhà xây dựng cho công nhân. Bà ở từ năm 1960, thuộc diện cư dân lâu đời nhất.

Cô gái trẻ tái mặt trước cảnh tượng bên trong tập thể cũ lúc 1 giờ đêm - 2
Bà Võ Kim Huê là một trong những cư dân đầu tiên ở khu tập thể này. Ảnh: Thanh Hải

Bà Huê chia sẻ, các căn hộ ở đây đều có đặc điểm chung là không thể bố trí phòng riêng hay công trình phụ trong nhà. “Ngày trước cuộc sống ở đây là 3 cùng, tức là “cùng nấu nướng, cùng tắm giặt và cùng đi vệ sinh”, bà Huê nói.

Mỗi “căn hộ” có diện tích rất nhỏ, phù hợp cho một người ở. Hộ nhỏ nhất là 12 mét vuông, hộ lớn nhất là 16 mét vuông. Sau này các gia đình có thêm thành viên mới, các căn hộ trở nên chật chội, thậm chí có căn hộ cả 3, 4 thế hệ cùng chung sống.

Cô gái trẻ tái mặt trước cảnh tượng bên trong tập thể cũ lúc 1 giờ đêm - 3
Từ khi được cơ quan chức năng cho mắc đường nước về tận nhà, bà Huê cơi nới một khoảng không gian nhỏ làm chỗ nấu nướng tạm bợ như thế này. Ảnh: Thanh Hải

Theo đó, nhà vệ sinh, nhà tắm và bếp ở đây được thiết kế, xây tách biệt ở cuối dãy hành lang khu tập thể. Nhà vệ sinh này có tuổi đời hàng chục năm hiện đã “yếu” đi nhiều. Tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, cánh cửa vỡ hỏng, trần nhà từng mảng vôi vữa cũng có thể rơi xuống bất cứ lúc nào.

Nhiều người dân sinh sống trong tòa B chia sẻ, nhà vệ sinh là nỗi ám ảnh đối với họ nhiều năm qua bởi thường xuyên bị tắc, bẩn thỉu khi phải phục vụ số lượng người quá đông. 

Cô gái trẻ tái mặt trước cảnh tượng bên trong tập thể cũ lúc 1 giờ đêm - 4
Dãy B, khu tập thể thuốc lá Thăng Long. Ảnh: Nhật Linh

Bên cạnh đó, tình trạng tắc cống thường xuyên xảy ra mặc dù mỗi lần đều có đội thợ đến thông tắc nhưng người dân vẫn thường xuyên phải chịu đựng mùi hôi thối, nồng nặc bốc lên từ khu nhà vệ sinh chung.

Cô gái trẻ tái mặt trước cảnh tượng bên trong tập thể cũ lúc 1 giờ đêm - 5
Trần nhà vệ sinh có hiện tượng nứt, vỡ, thấm dột diện rộng. Ảnh: Nhật Linh

Hàng tháng các hộ đều đóng góp tiền thuê người dọn nhưng vì là chỗ công cộng nên ít người chịu giữ gìn vệ sinh chung. Thậm chí người bên ngoài thường xuyên vào đi nhờ. Theo bà Huê, nhà vệ sinh tầng 1 có thời gian dài còn chứa đầy kim tiêm dính máu của các đối tượng nghiện hút vào tiêm chích. 

Cô gái trẻ tái mặt trước cảnh tượng bên trong tập thể cũ lúc 1 giờ đêm - 6
Nhà vệ sinh trong khu tập thể thuốc lá Thăng Long. Ảnh: Nhật Linh

Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thơ, phòng 309, cho biết, bà sống trong căn hộ “rộng” chưa đầy 12 mét vuông cùng gia đình đến nay được 23 năm.

Cô gái trẻ tái mặt trước cảnh tượng bên trong tập thể cũ lúc 1 giờ đêm - 7
Bà Nguyễn Thị Thơ chia sẻ: "Việc đi vệ sinh rất bất tiện nên người già và trẻ em ở đây đêm khuya là phải sử dụng bô". Ảnh: Thanh Hải

Mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ, nghỉ... đều diễn ra trong căn phòng chật hẹp đó. Khi con lớn, chị cơi nới ra một chút mới tạo cho con gái được một khoảng không gian riêng. “Biết cơi nới như vậy cũng ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhưng cực chẳng đã chúng tôi mới phải làm thôi”, bàThơ giãi bày.

Người phụ nữ này kể, nhiều năm trước, khi nước chưa về tận nhà, các hộ dân thường giặt giũ, nấu nướng trong không gian chung. Vì thế xảy ra nhiều chuyện va chạm khi chị em phụ nữ tranh nhau từng vòi nước, từng chỗ đứng nấu cơm.

“Việc đi vệ sinh càng bất tiện đặc biệt với người già và trẻ em. Đêm khuya nhiều người phải đi sử dụng bô. Tưởng tượng cảnh nhà chật, đi vệ sinh ngay trong phòng, nhất là vào mùa nắng nóng thì mùi nó kinh hãi thế nào. Nhưng như vậy đêm hôm người già không phải lọ mọ ra ngoài, đỡ nguy hiểm hơn.

Từ khi nước kéo về tận nhà, các hộ tự cơi nới ra một ít làm phòng tắm thì họ đi tiểu trong nhà nhưng đi nặng vẫn buộc phải ra ngoài”, bà Thơ nói.

Vẫn theo lời bà Thơ, cách đây vài năm từng có câu chuyện dở khóc dở cười, khiến dân cư phải bật dậy trong đêm.

Chị kể, lần đó, khoảng 1 giờ đêm, trời mùa đông khá lạnh. Khi mọi người đang chăn ấm nệm êm, thì bỗng có tiếng hét thất thanh từ phía nhà vệ sinh vọng lại.

Các nhà xung quanh thấy huyên náo cũng chạy ra. Người ta thấy một cô gái đang nằm vật vã dưới đất, quần áo ướt nhẹp, nước nôi chảy khắp sàn nhà.

Người dân đỡ cô gái dậy, hỏi ra mới biết cô ta đi chơi về muộn, muốn đi vệ sinh nên chạy vào đây đi nhờ. Hôm đó đèn nhà vệ sinh bị hỏng, cô gái bật điện thoại soi sáng, vừa bật thì phát hiện bóng người đứng đằng sau. Cô gái sợ hãi, tưởng gặp phải kẻ gian sàm sỡ nên la hét ầm ĩ.

Còn bóng đen cô thấy là một người đàn ông trung niên, cư dân của khu tập thể. Thấy cô gái đáng nghi nên bí mật theo dõi, sẵn có xô nước tiểu mang đi đổ, ông hất luôn vào người cô gái vì bị giật mình bởi tiếng hét. Chẳng ngờ cô ta sợ hãi, trượt chân ngã vỡ cả thùng chứa nước. Cô gái sau đó được phụ nữ ở khu tập thể cho mượn quần áo ấm để thay trong đêm. 

Lần khác, hai người hàng xóm từ chỗ thân thiết trở nên bất hòa vì chuyện tranh nhau nhà vệ sinh. Chị Thơ kể tiếp: "Người vào trước lâu quá, người ở ngoài giục không được liền nổi giận. Lời qua tiếng lại, người bên ngoại ko giữ được bình tĩnh, đạp tung cả cánh cửa nhà vệ sinh. Hai người lao vào đánh nhau, ầm ĩ cả hành lang khu tập thể".

Chị Thơ cũng cho biết thêm, vài năm trở lại đây, dân cư thường tranh thủ "giải quyết" ở chỗ làm nên tình trạng trên không còn xảy ra nhiều. Tuy nhiên người dân khu tập thể vẫn phải chịu đựng nỗi khổ ải vì mùi hôi hám.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổ trưởng tổ dân phố 12, Khu tập thể Thuốc lá Thăng Long, cho hay, hộ ở xa nhà vệ sinh thì khổ về chuyện giải quyết nhu cầu còn hộ ở gần thì khổ vì ô nhiễm mùi, ngồi trong nhà vẫn phải bịt khẩu trang.

Có hộ mặc dù chật chội, nóng bức nhưng cả ngày không dám mở cửa vì chỉ cần mở là mùi hôi xộc thẳng vào nhà. Mọi sinh hoạt vì thế bất tiện vô cùng.

Bà Lan (phòng 210, tầng 2, tòa B) cho biết thêm, nhiều hộ dù muốn cải tạo làm nhà vệ sinh trong nhà nhưng do không có hệ thống bể phốt nên không thể làm được. Tầng trên muốn làm nhà tắm, thoát nước thẳng xuống cống hở phía dưới buộc phải thương lượng với hộ tầng 1.

Nhiều vụ va chạm, xung đột chỉ vì hộ ở dưới không cho hộ ở trên cải tạo, lắp đặt đường ống nước thải. "Nhưng tòa B này còn tốt chán so với tòa A và tòa C. Ở bên đó, nhiều mảng vữa rơi xuống, lộ xương sắt thép ra ngoài rất đáng sợ", bà Lan chia sẻ. 

(Còn nữa)

Theo Nhật Linh - Thanh Hải (VietNamNet)