Khi chuẩn bị lễ lạt cúng Rằm tháng Giêng, nhiều nhà có điều kiện tổ chức hẳn đại tiệc chay tại gia. Họ xem đó là cơ hội để phô ra những mâm cỗ chay long trọng, tốn kém và được cho là thành tâm...
Cỗ chay tiền triệu
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang ở Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, TP. Hà Nội) vốn là một “tín đồ” của các món ăn chay. Chính vì thế, chị Trang rất coi trọng việc ăn chay ngày Rằm và mùng Một hàng tháng. Không những thế, chồng chị Trang là giám đốc một công ty xây dựng nên việc chuẩn bị mâm cỗ ngày lễ cúng gia tiên càng được họ chú trọng hơn. Đích thân anh đưa vợ đi đặt cỗ chay.
|
Làm cỗ chay. Ảnh minh họa.
|
Chị Trang chia sẻ với PV: “Trước đây, mỗi dịp Tết, cả nhà tôi cùng về quê để thắp hương các cụ. Hai vợ chồng thường ghé qua một ngôi chùa lớn ở Bắc Ninh để đặt các sư thầy ở đó làm cỗ chay cho Rằm tháng Giêng luôn. Gần đây, do công việc bận rộn nên đến sát ngày chúng tôi mới có thời gian đi đặt cỗ chay “cấp tốc” tại một cửa hàng cỗ chay với giá khá cao. Tính một mâm cỗ hơn chục món cũng có giá vài triệu đồng.
Năm nay, ngoài làm mâm cỗ cúng gia tiên, vợ chồng tôi còn tổ chức tiệc chay tại nhà mời bạn bè thưởng thức. Tuy có tốn kém nhưng mang tiếng là mời khách thì dù đãi bằng món chay cũng phải thật tươm tất, hoành tráng chứ không thể để người ta chê cười được”.
Chị Trang bật mí, mâm cỗ mà chị đặt thuộc hàng “thượng lưu” theo phân loại của nhà hàng, với 15 món chay như: Súp yến, cá thu sốt giá 98.000 đồng/tô, gà đen rang muối giá 120.000 đồng/đĩa, trứng hấp 45.000 đồng/10 quả, giò lụa 45.000 đồng/đĩa, sườn xào chua ngọt 85.000 đồng/đĩa, đậu phụ sốt cà chua 35.000 đồng/đĩa cùng nhiều món khác nữa giá lên đến hơn 2 triệu đồng. Khi chúng tôi thắc mắc về tên gọi của các món chay, chị cho biết tất cả đều được làm bằng bột mì nhưng gọi bằng tên các món như vậy để cho sang mâm cỗ.
Trong xã hội hiện đại, với không ít gia đình có điều kiện, chuyện lễ lạt không chỉ dừng lại ở mâm cỗ tươm tất bày lên ban thờ mà còn là dịp để họ chứng tỏ độ giàu có.
Khi chúng tôi thắc mắc có nên quá tốn kém để tổ chức rình rang như vậy không, chị Trang bày tỏ: “Không tổ chức thì thôi, nếu đã làm thì dù là món chay cũng phải cho ra trò. Còn nhớ năm ngoái, tôi có dịp đi ăn cỗ chay ở nhà một đối tác làm ăn với chồng. Họ cũng tổ chức 15 mâm cỗ chay. Khi dọn ra thấy vài món lèo tèo như nấm, bún, đậu phụ... khiến ai nấy đều lắc đầu. Sau bữa ăn đó là bao lời xì xầm, rồi chê bai cỗ bàn đạm bạc, sơ sài. Tôi nghe còn thấy ngượng thay cho gia chủ. Rút kinh nghiệm, vợ chồng tôi thống nhất là dù có tốn kém một chút nhưng đặt cỗ chay không được thua kém cỗ mặn”.
Đủ “sơn hào, hải vị”
Để làm rõ hơn nữa về cơn sốt của các mặt hàng đồ chay trong dịp Rằm tháng Giêng, chúng tôi tìm đến một cơ sở chuyên nấu cỗ chay trên đường Kim Mã (Ba Đình, TP. Hà Nội). Được biết đây là thời điểm hốt bạc của các cơ sở này. Nhiều cửa hàng còn không dám nhận thêm đơn đặt hàng vì không đủ người làm. Anh Trần Anh Văn, quản lý của nhà hàng này cho biết: “Thời gian sau Tết, mọi người thường tìm đến những quán bán đồ chay để thưởng thức. Sát rằm tháng Giêng, chúng tôi không dám nhận thêm đơn đặt hàng nữa”.
|
Nhiều người ăn chay nhưng lại chú trọng đến việc khoe mẽ, cỗ bàn long trọng. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những mâm cỗ chay tiền triệu được những gia đình có điều kiện đặt hàng, thì những khách hàng bình dân có thể đặt mâm cỗ với giá 400.000 đồng cho 9 món chay và 1,2 triệu đồng cho mâm cỗ với 13 món chay.
Cỗ chay giờ đây đã không còn đơn thuần là rau, dưa, củ quả luộc mà cũng cần cầu kỳ hơn với những món ăn phong phú, đầy màu sắc không kém cỗ mặn như: Xôi vò hạt sen, gà hấp lá chanh, giò lụa, thịt quay, cá xốt ngũ liễu, tôm chiên, sườn xào chua ngọt, khoai lệ phố, nem hoa quả, rau xào ngũ sắc, canh nấm... Để làm rõ hơn về nguồn gốc của việc ăn chay trong giáo lý nhà Phật, PV đã có cuộc trao đổi với Đại đức Thích Thanh Hưng – trụ trì chùa Trinh Sơn (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam).
Thầy Hưng chia sẻ: “Để nói về vấn đề này cần phải nhắc đến những giới luật mà nhà Phật đã dạy. Trong đó có việc cấm các Phật tử không được sát sinh. Phật dạy rằng, trong trời đất luôn tồn tại luật nhân quả. Nếu bản thân không biết tu nhân tích đức thì sẽ bị đày trong cảnh lục đạo luân hồi. Nếu sát sinh, làm việc ác khi chết sẽ bị đày xuống ngã quỷ, địa ngục, cõi súc sinh. Đức Phật cũng khuyên chúng ta nên thương lấy chúng sinh và lấy quyền bình đẳng làm đầu. Nghĩa là tất cả sinh vật đều có căn mạng”.
Đại đức Thích Thanh Hưng nhấn mạnh, từ những giáo lý mà Phật dạy suy ra việc con người không nên ăn và giết hại động vật để có luân hồi và nhân quả tốt. Tuy nhiên, cũng không nên quá phô trương việc ăn chay của mình. Như vậy là quá lãng phí và không đúng theo tinh thần của nhà Phật.
Ăn chay phải xuất phát từ cái tâm
Nói về phong trào ăn chay vào độ Rằm hay mồng Một của người dân gần đây, Đại đức Thích Thanh Hưng bày tỏ: “Hiện rất nhiều người hướng đến việc ăn chay niệm Phật dù không phải là đệ tử Phật môn. Lối sống và suy nghĩ ấy của họ rất đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng việc ăn chay là xuất phát từ cái tâm tự nguyện, nó sẽ chi phối hành động cho bản thân từng người. Có người lấy việc ăn chay như là thú khoe mẽ, trưng ra mâm cỗ hoành tráng, linh đình để ganh đua với người khác là điều không nên. Việc ăn chay niệm Phật nên hướng theo cái tâm trong sáng, đừng quá hình thức, phô trương”.
Theo Trung Dũng (Nguoiduatin.vn)