Nghỉ hè là thời gian mà các gia đình thường tranh thủ đi du lịch vì các con đang được nghỉ. Và dĩ nhiên, các địa điểm như biển hay resort, khách sạn có bể bơi chính là sự lựa chọn hàng đầu trong những ngày nóng bức này.
Nhiều trẻ được bố mẹ cho đi học bơi từ nhỏ, an tâm vì con đã có kỹ năng bơi tốt nên không ít phụ huynh có tâm lý lơ là, thiếu sát sao, để con rời khỏi tầm mắt khi đang ở trong hồ bơi dẫn đến những tai nạn thương tâm xảy ra.
Mới đây, một người mẹ đã kể lại giây phút kinh hoàng khi tưởng chừng như mất con vì bé bị đuối nước. Đây cũng là bài học để các bậc phụ huynh cảnh giác hơn.
"Cảm giác tồi tệ nhất trên đời là khi thấy con được đưa lên từ bể bơi mà môi tái nhợt, nằm nhắm nghiền, người lả ra.
Chuyến du lịch của cả nhà trở thành một kí ức đáng sợ mà mình không bao giờ có thể quên được. Thật may mắn vì con qua khỏi, nếu không mình không sống nổi mất.
Chỉ chưa tới 1 phút không để ý đến con, con mải chơi đuổi theo quả bóng bị trượt chân tuột phao, ngã xuống nước chới với, tự nhiên linh tính thế nào mình hốt hoảng hỏi "Bao Bao đâu?", nhìn quanh bể bơi chỉ thấy phao bơi và quả bóng của con mà không thấy con.
Nghe chú của Bao nói: "Bao đang lặn", mình hét lên: "Bao không biết lặn!" - vì mình biết con rất ghét nước vào mặt. Lúc đó chú đã nhảy xuống bể bế con lên luôn. Chú bảo thấy con đang nằm ngửa bơi và há miệng nên người lớn tưởng con đang bơi, cho nên ranh giới giữa đuối nước và đang bơi trong bể bơi mong manh lắm.
Mình hét lên hỏi chồng vì chú và ba Bao ở gần Bao hơn mình: "Bao còn thở không?". Khi ba Bao trả lời: "Không thấy thở nữa!" - Nghe câu đó là mình tim mình như ngừng luôn thời điểm đó rồi.
May mắn của con khi ở bể bơi của resort có 2 cô khách đều là bác sĩ đang bơi ở đó, trong khi resort ở xa trung tâm và không thể đợi bác sĩ tới được. Bao được bế vác lên cho nước và đờm chảy hết ra sau đó thay đồ ướt và ủ ấm bằng khăn.
Cô bác sĩ người Thuỵ Điển hướng dẫn đặt con nằm nghiêng xuống đất cho con thở đều, để khi nôn ra không bị hóc đường thở. Sau khi nhịp tim mạch đập con ổn hơn, có thể ra hiệu trả lời, gọi "Mẹ" và môi hồng hào hơn, cô giúp mẹ đưa con về phòng nằm nghỉ ngơi thay đồ và đưa xuống bệnh viện trung tâm kiểm tra lại.
Giây giúp cô bác sĩ nói với mình "Con đã ổn rồi", là bao nhiêu sức lực lúc đón con từ bể bơi lên tới khi con hồng hào trở lại đã mất sạch, chân tay run rẩy ngã xuống ngay tại chỗ, nước mắt chảy không ngừng. Bản thân tự trách mình vô cùng vì đã không bảo vệ được con, không để mắt đến con...
Con gái đến bệnh viện được làm mọi thủ tục để kiểm tra oxy trong máu, chụp phổi... kết quả đều ổn. Nhưng cả tối con không ăn uống được gì, mẹ giúp con nôn thêm ra nhiều nước, bụng sạch rỗng và mệt lả. Con uống chút nước gạo rang rồi ngủ tới gần sáng là bắt đầu đói bụng muốn ăn.
Cả đời này mẹ sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc kinh hoàng khi con được đưa lên từ dưới nước, mắt nhắm nghiền và da dẻ, môi tái nhợt như thế nào. Nó ám ảnh đến mức cả đêm đó khi con về phòng rồi mẹ vẫn sợ đến mức dăm chục phút lại kiểm tra hơi thở của con, nhịp tim của con. Ám ảnh đến mức không dám ngủ, tự trách bản thân đến mức buốt hết cả đầu, phải niệm Phật để tâm an tĩnh lại.
Công chúa nhỏ có chút phiền hà khi nói quá nhiều, nhưng khi con bất tỉnh nằm mềm oặt ra còn đáng sợ hơn ngàn vạn lần. Đây là bài học mà mẹ không bao giờ quên được. Yêu em thương em. Yêu em bằng tất cả trái tim này".
Cư dân mạng đã để lại rất nhiều bình luận dưới bài viết:
- Ơn trời! Cảm ơn cả những cô bác sỹ, cũng cảm ơn bé con vì con đã chiến thắng và ở lại với cuộc đời, con dũng cảm lắm! Hy vọng rằng sẽ không có lần nào nữa nhé, mọi gia đình có trẻ nhỏ cần cẩn thận hơn!
- Cái này rất hay xảy ra luôn. Cháu tôi làm cứu hộ rất hay thấy cảnh này nên khuyên các gia đình có con nhỏ, cứ đi đâu mà có nước phải mặc luôn áo phao cho con, kể cả bé chỉ chơi trên bờ. Đừng mua loại kẹp tay hay phao tròn nhé.
- Có những chuyện chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội sửa sai, nên cảnh giác được cái gì thì cảnh giác nha ba mẹ, chẳng bao giờ là thừa cả!
Dung (Nguoiduatin.vn)