Bài viết dưới đây là chia sẻ của anh Quang Toàn, 51 tuổi, một bác sĩ đang sống ở quận Đống Đa, Hà Nội về lý do vợ chồng anh không sắm ôtô dù dư khả năng tài chính.
Vợ chồng tôi có hai con đều đã trưởng thành. Cô con gái đầu đang làm việc tại New Zealand sau khi du học theo diện học bổng toàn phần ở đó, cậu út cũng đang phấn đấu đi học nước ngoài mà không cần tiền của cha mẹ trong năm tới.
Hiện chúng tôi không phải lo toan gì về kinh tế. Vợ tôi làm chuyên gia cao cấp cho một công ty nước ngoài, tôi là bác sĩ ở một bệnh viện lớn. Thu nhập chính từ lương của chúng tôi tầm trên 60 triệu, ngoài ra còn có các khoản khác từ việc làm thêm và những nguồn thu thụ động từ cho thuê nhà và tiền gửi tiết kiệm, quỹ đầu tư.
Dù thu nhập có khi lên tới trăm triệu mỗi tháng, hiện tại chúng tôi vẫn sống trong căn nhà tập thể thân thuộc nhiều năm, đã sửa lại cho sạch sẽ và tiện nghi. Cuộc sống của vợ chồng tôi thong dong và khá đơn giản, không tốn nhiều chi phí về ăn uống, đi lại vì cả hai đều theo đuổi lối sống an yên, khỏe mạnh về tinh thần và thể chất. Đồ đạc trong nhà tôi ít sắm mới vì tôi cho rằng chỉ cần đồ còn tốt, vẫn làm đúng chức năng thì không cần thay.
Tôi vẫn đi làm hằng ngày bằng chiếc xe Cub 82, còn vợ chủ yếu đi xe bus, thi thoảng gọi taxi công nghệ. Cơ quan của hai vợ chồng cũng chỉ cách nhà 4-6 km. Thỉnh thoảng thăm thú bạn bè, du lịch, chúng tôi đều đi xe công cộng, xe thuê.
Tôi không mua ôtô đơn giản bởi thấy không có nhu cầu đi. Mẹ tôi ở ngoại thành, cách 2-3 tuần vợ chồng tôi vẫn về thăm nhưng xe bus cách nhà cụ chỉ 10 phút đi bộ, hoặc khi nào lười tôi sẽ bắt xe ôm từ bến. Nhiều người ở quê cũng chỉ chỏ bảo "sao hai bác không sắm xe hơi đi về cho tiện" nhưng tôi thấy không cần thiết. Chúng tôi nói "không" với những món chỉ gây tốn tiền chứ không giúp sinh sôi.
Trước đây, khi các con còn nhỏ, tôi cũng không nghĩ tới việc mua xe vì các cháu đều học gần nhà, tự đi, tự về được. Khi các con lớn hơn, mỗi lần đi chơi đâu thì cả nhà thường đi chung với một nhóm gia đình bạn bè thân thiết, cùng thuê một chiếc xe tầm 16 chỗ, ai cũng thoải mái chơi, không phải lo gì.
Tôi không hề phản đối việc người khác mua xe. Mỗi người có hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau. Ở bệnh viện nơi tôi công tác, một phần không nhỏ đồng nghiệp có xe hơi. Với nhiều người, chiếc xe thật sự hữu ích. Đó là khi họ không phải lo tới các chi phí, họ phải đi làm xa hay thường xuyên đưa đón con nhỏ đi học...
Vợ chồng tôi cũng đều là dân du học về. Chúng tôi trải qua thời gian khó khi mới lập gia đình nên có thể suy nghĩ hơi khác với nhiều bạn trẻ bây giờ. Chúng tôi cần sự an toàn về tài chính hơn là những tiện nghi hay vẻ ngoài theo ý thích số đông. Gia đình tôi có thể chi cả trăm triệu đi du lịch nước ngoài cùng nhau mỗi năm một lần, nhưng thấy không đáng bỏ ra gần tỷ mua xe, sau đó mỗi tháng lại tốn vài triệu tiền nuôi nó.
Chúng tôi có 3 căn nhà, một là căn hộ tập thể đang ở, hai chỗ kia đều là nhà đất, đang cho thuê hơn chục triệu mỗi tháng. Vợ chồng tôi đã mua đầy đủ bảo hiểm, có một khoản tiết kiệm kha khá ở ngân hàng và đã sẵn sàng cho một tuổi già thảnh thơi, không gây vướng bận gì cho con cái. Bản thân chúng tôi cũng xác định các con sẽ sống ở nước ngoài, còn khi về già vợ chồng nương tựa vào nhau nên càng hướng tới cuộc sống đơn giản và ổn định.
Theo doanh nhân, luật sư Phạm Thành Long, ôtô là tiêu sản, không phải tài sản nên theo công thức tiết kiệm, đầu tư, chi tiêu của các nhà tài chính thế giới, giá trị của chiếc xe tối đa chỉ nên bằng 6 tháng lương của bạn. Tức là nếu mua một chiếc xe 540 triệu thì thu nhập tối thiểu của bạn phải là 90 triệu/tháng.
Tuy nhiên, nhiều người có thu nhập cao hơn mức đó nhiều có thể chọn không mua ôtô nếu họ hoàn toàn không có nhu cầu sử dụng. Bản chất chiếc xe chỉ là một phương tiện di chuyển và mỗi người sẽ có lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bản thân.
Trong trường hợp anh Toàn, anh chọn chi tiền vào những gì mình cần và trải nghiệm sống, thay vì các đồ vật chất, trong đó có xe hơi - đó là một lựa chọn sống thông minh và an toàn.
Theo Bảo Ngọc (VnExpress.net)