Qua đoạn clip vừa rồi, mọi người biết được rằng cuộc sống không hề dễ dàng với chị, khiến chị nhiều lần nghĩ đến cái chết. Vậy chị có sẵn lòng chia sẻ thêm về một số biến cố đã xảy đến với tuổi thơ và tuổi trẻ của mình không?
Bố mẹ chia tay khi tôi mới lên lớp 3. Trước khi chia tay, bố đã nhiều lần đánh mẹ. Một thời gian sau mẹ tôi tái hôn. Tính cách của tôi và bố dượng không hợp nhau. Vốn được nuông chiều từ nhỏ, khi gặp những biến có lớn như vậy, tôi đã có những phản ứng tiêu cực như cuối năm lớp 3 lầm lũi xách quần áo đi bộ ra ga Hà Nội để về quê.
Lần đầu tiên tôi tự tử là khi đang học cấp 2. Tôi đã uống thuốc chuột nhưng mọi người phát hiện ra nên đưa vào bệnh viện Bạch Mai để rửa ruột. Sau lần đó, cứ mỗi khi bế tắc, không tìm được cách giải quyết, nghĩ rằng không ai cần mình nữa là tôi lại nghĩ đến cái chết. Tôi cho rằng chết là con đường duy nhất để giải thoát. Việc tự tử xảy ra nhiều hơn một lần và khi đó tôi chưa bao giờ nghĩ rằng hủy hoại bản thân là có tội với mẹ. Lúc đó tôi chỉ cảm thấy hình như cả thế giới không ai cần mình. Tôi chết rồi, họ khóc lóc một chút rồi thời gian trôi qua vẫn sẽ quên rằng tôi đã từng có trên đời.
Năm thứ nhất đại học, tôi bắt đầu đi làm thêm để tự lo cho cuộc sống. Cuộc sống gia đình khi đó vẫn hay xảy ra bất hòa, tính cách tôi lại ngang ngược nên cuối cùng tôi đã dọn ra ngoài sống. Mẹ và chị gái khóc nhiều và năn nỉ tôi về. Trước đó tôi đã từng bỏ nhà đi 3 lần. Dượng nói rằng tôi chỉ có giới hạn 3 lần đó thôi, nếu còn bước chân ra đường thì chắc chắn trở thành gái đứng đường. Vậy nên lần đó tôi kiên quyết không quay về. Tôi tự nhủ mình phải cố gắng sống đàng hoàng, tử tế bằng sức lao động chân chính của mình.
Chị đã thay đổi, từ một người phụ nữ mất đi hy vọng vào cuộc sống, chán ghét cuộc sống, muốn rũ bỏ cuộc sống thành một người mẹ bản lĩnh, mạnh mẽ, kiên cường kể từ khi sinh con. Chị có thể diễn tả lại suy nghĩ, cảm xúc vào thời khắc biết mình đang mang trong bụng một sinh linh bé bỏng, và cả khi sinh con ra, được gặp con, được chạm vào con lần đầu tiên?
Khi biết mình có bé, tôi không hoảng sợ vì tôi thích trẻ con và đã có kinh nghiệm chăm sóc em trai. Nhưng bố bé khi đó còn quá trẻ, còn ham chơi nên khá lo lắng, e dè về việc này. Việc báo cho bố mẹ anh biết tin mình mang thai cũng là tôi nói chứ không phải anh. Mẹ anh đã gặp tôi và nói: "Tự đẻ thì tự nuôi, gia đình không chịu trách nhiệm”. Và họ đã làm đúng như những gì họ nói.
Quá trình mang thai của tôi vất vả hơn nhiều người. Tôi không uống được sữa, lại không có tiền ăn uống đồ bổ này nọ nên hàng ngày chỉ biết cố gắng ăn nhiều cơm rau và thịt. Nhưng mỗi ngày tôi đều nói chuyện với con và tự mình chuẩn bị cho cuộc sống tương lai. Được 4 tháng, tôi đi siêu âm và biết bé là con trai, cảm giác của tôi lạ lắm! Tôi đi bằng xe máy mà cảm tưởng như chị đang bay trên mây vậy, cứ vừa đi vừa cười một mình. Con gái hay con trai vốn không phải vấn đề nhưng tôi sợ con gái sẽ phải chịu khổ. Con trai dù sao cũng mạnh mẽ hơn.
Tôi sinh mổ, gây tê màng cứng nên khi mổ bắt con vẫn đủ tỉnh táo, nghe được tiếng con khóc rất to. Thời khắc đó tôi hạnh phúc đến trào nước mắt. Có lẽ tôi đã thay đổi suy nghĩ từ giây phút đó. Sau này vẫn có nhiều lúc tôi muốn buông xuôi nhưng nghĩ đã chọn sinh con ra, lại không thể mang lại cho con một gia đình đúng nghĩa, “có bố có mẹ” thì tôi không được phép chết đi bỏ lại con một mình. Trước mắt tôi chỉ có một con đường đó là sống thật khỏe mạnh, cố gắng kiếm tiền lo cho con học hành.
Cuộc sống hiện tại và mối quan hệ giữa hai mẹ con chị thế nào?
Tôi bận lắm vì vừa đi làm vừa tranh thủ đi dạy thêm. Tôi biết con thường phải ở nhà một mình rất buồn và cô đơn nhưng không có cách khác. Tôi dạy con nấu cơm và rửa bát từ khá sớm, vào mùa hè năm con lên lớp 4 để con có thể tự ăn và tự chơi ở nhà. Hai mẹ con sẽ tranh thủ trò chuyện khi tôi về nhà hoặc đưa đón con đi học. Mỗi năm hai mẹ con thường cùng nhau đi du lịch vào dịp Tết và kỳ nghỉ hè.
Mọi người hay khuyên tôi kiếm tiền ít thôi, ở nhà dành thời gian cho con. Nhưng nếu ở nhà sẽ không đủ tiền cho con học, không đủ lo cho cuộc sống. Tôi không ngại việc, không ngại vất vả, chỉ cần lo được cuộc sống và chuyện học hành cho con. Con thiếu tình cảm của bố đã là điều đau lòng lắm rồi. Tôi không muốn con phải thiếu thốn những thứ khác nữa. Công việc của tôi không ổn định, nhiều khi phải chạy chỗ này chỗ kia. Tuy nhiên tôi nghĩ là cho đến thời điểm này, cuộc sống của mẹ con tôi rất ổn.
Con trai có nét gì giống chị không?
Con giống bố nhiều hơn nhưng vẫn có nét giống tôi. Tôi nghĩ là mình hơi khó tính nên con cũng thế.
Sinh ra trong một gia đình “khuyết”, con chị có bao giờ thắc mắc hay có những câu nói, biểu hiện “già trước tuổi” về bố mẹ, về gia đình mình hay không? Khi đó chị giải thích với bé thế nào?
Con tôi à đứa trẻ trầm tính và ít nói nên thường không bao giờ hỏi han gì về bố. Tôi cũng đã giải thích rằng việc người lớn chia tay nhau khi không thể sống cùng là điều không tránh khỏi. Nếu sống có bố có mẹ mà cứ cãi nhau suốt ngày thì con khổ hơn. Con tôi đồng ý với điều đó. Tôi bảo con là nhà mình chỉ có mẹ và con thôi nên con và mẹ đều cần yêu thương và có trách nhiệm với nhau. Hiện tại thì con đang trong độ tuổi dậy thì, thay đổi tâm sinh lý nên tôi khá lo lắng.
Giữa hai mẹ con từng có kỷ niệm nào khiến chị nhớ mãi?
Tôi đã từng đánh con rất đau khi con làm sai. Tôi vừa đánh vừa khóc, mẹ khóc và con khóc. Con xin lỗi và hứa không sai nữa. Đêm đó tôi không thể ngủ nổi, cứ sờ lên từng vết sưng trên người con và xin lỗi con trong nước mắt. Khi đó tôi cảm thấy mình như sức cùng lực kiệt, dặn lòng sẽ không dùng đòn roi với con nữa và phải cố gắng kiềm chế sự nóng giận của mình lại.
Trong cảm nhận của chị, điều tuyệt vời nhất khi được làm mẹ là gì?
Đó là được ngắm con, được ôm con mỗi đêm, được nghe con thì thầm “con yêu mẹ”.
Khi con đã trưởng thành và cứng cáp hơn, chị có dự định "đi bước nữa" nếu gặp được một người tốt bụng và phù hợp với mình?
Ngày bé khi mẹ đi lấy chồng, hàng xóm hay trêu tôi: “Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai?". Tôi nghĩ rằng bố ruột sinh con ra còn không yêu thương con thì liệu ai có thể thật lòng yêu thương con mình. Suy nghĩ này khiến tôi không muốn nghĩ đến việc đi bước nữa. Tôi thậm chí còn chưa bao giờ bao giờ giả dụ hỏi con về việc đó. Dù cũng là một người phụ nữ yếu đuối cần chỗ dựa, cần người giúp đỡ nhưng tôi nghĩ là mình không thể ích kỷ thêm một lần nữa.
Cám ơn chị về những lời chia sẻ vô cùng chân thật này! Chúc mẹ con chị luôn vững vàng và gắn bó bên nhau!
Đoạn confession này chính là món quà đặc biệt mà chị Giang muốn dành tặng con trai yêu nhân ngày sinh nhật. Chị đã chọn "Tôi muốn được lắng nghe..." làm nơi gửi gắm những tâm sự khó bày tỏ. We Are Family hy vọng sẽ nhận được thêm thật nhiều sự ủng hộ và tin tưởng từ mọi người. Nhanh lên nhé! Đừng để người mà bạn yêu thương phải đợi quá lâu! Cũng đừng để cơ hội nói ra cảm xúc trong lòng vuột khỏi tay mình!
Theo Bảo Yến (aFamily.vn/Trí thức trẻ)