Nhiều người vẫn cho rằng nếu lần đầu sinh mổ thì lần thứ 2 sẽ không thể đẻ thường. Vậy nhưng điều tưởng như khó khăn và không thể xảy ra này đã thành hiện thực với chị Lê Thủy (TP. Hồ Chí Minh).
Lần mang thai đầu tiên, do gặp “trục trặc” về nước ối mà chị Lê Thủy (TP. HCM) phải sinh non bằng phương pháp sinh mổ. Ám ảnh của lần sinh đầu đã khiến chị “trì hoãn” việc có em bé tiếp theo gần 10 năm.
Cách đây hơn 1 tháng, chị Thủy vừa hạnh phúc chào đón em bé thứ 2 bằng phương pháp sinh thường. Có lẽ lần vượt cạn này sẽ khiến chị không bao giờ quên được bởi những trải nghiệm và niềm hạnh phúc không nói thành lời trong lần sinh đặc biệt này.
Gia đình nhỏ của chị Thủy vừa chào đón thành viên mới. |
"Ai nói sinh mổ là không biết đẻ, sinh mổ cũng đau như sinh thường"
Chị Thủy sinh bé lớn vào tháng 1/2009. Chia sẻ về lần mang thai bé đầu, chị Thủy cho biết đó là lần mang thai ngoài ý muốn và cũng là lần khiến cho chị lo lắng, ám ảnh nhiều nhất.
Chị kể, khi thai được 31,5 tuần tuổi, chị phải nhập viện gấp để truyền nước vì nước ối chỉ còn 5-6cm. Sau thời gian xin về ăn Tết với gia đình, vào đúng ngày mồng 1 Tết, chị được chỉ định nhập viện, chuẩn bị mổ bắt con vì nước ối xuống còn 2-3cm khi thai mới 32 tuần tuổi.
Ngày mồng 2 Tết, chị và gia đình hạnh phúc chào đón con gái đầu lòng ở bệnh viện Từ Dũ. Thế nhưng dù đã “mẹ tròn con vuông” và hành trình vượt cạn đầu tiên đã trải qua gần chục năm nhưng đến bây giờ chị vẫn chưa quên khoảnh khắc có thể gọi là “ám ảnh” nhất của cuộc đời mình.
“Mồng 2 mổ bắt con thì đến 6 giờ chiều mình mới được bác sĩ thông báo. Trong khi trước đó tầm 4, 5 giờ mình đói nên ăn tạm đồ ăn, uống sữa. Nhận được thông báo của bác sĩ mình bất ngờ và lo lắng lắm vì mình biết uống sữa vào tiêm thuốc gây tê sẽ không còn tác dụng.
Thế nên lần đó mình được gây mê, không có được cảm giác nhìn con khi bác sĩ bắt ra. Mình nhớ mãi lúc mình ký vào tờ giấy cam kết mổ, khi đó chỉ nghĩ nhỡ có sai sót trong quá trình mổ mình sẽ không được gặp con.
Thêm nữa, mình ám ảnh nhất đó là vào phòng mổ chưa được vệ sinh xong, cảm giác sợ lắm. Bé sinh non nên lúc thăm bé, bác sĩ không cho vô vì sợ mình không kiềm chế được, sẽ khóc.
Sau sinh mình cảm giác đau ở chỗ mổ, tử cung bị co bóp nên mình không muốn nghĩ đến việc có em bé nữa. Nói thật chứ ai nói sinh mổ là không biết đẻ, sinh mổ còn đau hơn sinh thường.”, chị Thủy kể lại.
Vì sinh thiếu tháng nên bé gái đầu lòng nhà chị Thủy chỉ nặng 2,1kg và phải nằm phòng nhi 7-9 ngày. Còn chị, do được gây mê nên chị không tận hưởng cảm giác hạnh phúc khi được da kề da với con sau sinh. Hơn nữa bị bạch hầu cao sau sinh nên chị phải nằm theo dõi 2 ngày mới được gặp con.
Lần đầu làm mẹ, không chỉ chịu đựng những cơn đau sau mổ mà chị còn “quặn lòng” khi nhìn thấy con sinh non lọt thỏm “không biết bế làm sao”. Chính vì điều đó, sau gần 10 năm, chị mới đủ “can đảm” sinh thêm bé nữa.
"Tôi không thể diễn tả bằng lời cảm giác hạnh phúc khi được ấp con trong lòng"
Do lần đầu sinh mổ, thiếu kinh nghiệm bởi vậy đến lần mang thai bé thứ 2, chị Thủy luôn cẩn thận từ ăn uống đến việc khám thai định kỳ. Cũng vì sợ sinh mổ nên đến bé thứ 2 chị luôn cố gắng để được sinh thường.
“Mang thai bé thứ 2 mình chăm chút lắm. Bên cạnh đó cũng được bác sĩ Hồ Quang Nhật tư vấn về chế độ ăn cũng như thăm khám định kỳ nên mình yên tâm hơn.
Vì sợ nước ối cạn giống như khi mang thai em bé đầu nên bác sĩ tư vấn mình chế độ ăn uống kỹ càng: uống 2-3 lít sữa/ ngày, ăn ít tinh bột, không uống nước mía. Cũng vì vậy mà mình duy trì thai được 38 tuần 2 ngày và được bác sĩ chỉ định cho sinh thường”, chị Thủy chia sẻ.
Chị Thủy khi mang bầu lần 2. |
Được trải nghiệm 2 lần sinh khác nhau, đặc biệt sinh thường sau gần chục năm sinh mổ, đến bây giờ chị Thủy vẫn không thể quên được cảm xúc nghẹn ngào, không nói thành lời khi bác sĩ bế con đặt vào lòng mình.
“Hai lần sinh khác nhau là trải nghiệm khác của mình. Lúc sinh bé thứ 2, bác Nhật nói: “Nè Thủy, em nhìn con trai hay gái này” rồi bác cho con ấp lên người mình cảm giác hạnh phúc lắm, mình chưa từng trải qua ở lần sinh trước đó.
Cảm xúc nhân lên gấp bội bởi đó cũng là lần đầu mình được ấp con, da kề da ngay sau sinh. Nó gần gũi, thân thương lắm, có lẽ không có một từ ngữ nào có thể diễn tả được mà chỉ những người trải qua rồi mới hiểu.
Sau sinh thường, mình đau lắm ngồi dậy để cho con bú cũng không được mà chỉ nằm suốt thôi. Mình đau đến mức khóc bất lực luôn vì không bế con để bú được.
Cả 2 lần sinh con mình đều ấn tượng lúc bế con trong vòng tay bởi con bé nhỏ lắm lọt thỏm cái tay à. Mình không nghĩ con nhỏ xíu như vậy và thấy thương con.”, chị Thủy tâm sự.
Sinh thường sau gần 10 năm sinh mổ, chị Thủy không thể quên được kỉ niệm lần vượt cạn ý nghĩa này của mình. |
Hai lần sinh là 2 lần trải nghiệm khác nhau. Dẫu có đau đớn nhưng nhìn thấy nụ cười của con, thấy con được khỏe mạnh từng ngày chính là món quà mà chị mong muốn bấy lâu bởi đối với chị “hạnh phúc là những điều giản dị vậy thôi”.
Theo H.Nhung (Khampha.vn)