Ít ai biết, đằng sau thành công của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980) là hai người vợ giỏi giang.
Nếu như người vợ Đinh Thị Nhiêu đã dốc lòng cùng cụ Sơn Hà gây dựng những nền tảng đầu tiên thì người vợ ba Nguyễn Thị Ngọc Mùi giúp chồng phát triển sản nghiệp lên một tầm cao hiếm có.
Giai nhân đất Kinh Bắc
Cụ Nguyễn Thị Ngọc Mùi (quê gốc Hải Dương) là con gái một viên quan nhỏ ở Bắc Ninh.
Thời ấu thơ của người con gái này khá êm ấm, đủ đầy. Ngọc Mùi sống cùng gia đình trong căn nhà rộng rãi, trồng nhiều hoa hồng, loại hoa mà cụ yêu thích nhất.
Cha cụ Mùi luôn hi vọng con gái theo nho học, sau này theo làm nghề thầy thuốc nhưng với suy nghĩ tiến bộ, muốn thoát khỏi những lễ giáo phong kiến đè nặng lên vai người phụ nữ đương thời, Ngọc Mùi muốn lên Hà Nội theo văn hóa tây học.
Năm đó Nguyễn Thị Ngọc Mùi mới qua 9 tuổi, không đủ điều kiện thi. Nhờ sự vận động của thầy giáo, Ngọc Mùi được thi và đỗ vào trường Breux (hay gọi là trường Hàng Cót, Hà Nội). Cụ Mùi trọ học ở phố Hàng Trống, nơi ở của vợ chồng người bác họ buôn bán nước mắm và bán sơn.
"Mẹ tôi ngày đi học 2 buổi. Bà luôn giữ giờ giấc sinh hoạt điều độ, đi học là về nhà tuyệt nhiên không bao giờ la cà ngoài đường. Ông ngoại còn mời thầy giáo đến nhà dạy tiếng Pháp cho con gái", họa sĩ Sơn Trúc - con gái cụ Mùi và doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, chia sẻ.
Những năm đi học, cô gái này nổi tiếng là người khẳng khái, học giỏi. Trong các kỳ thi, môn tiếng Pháp và Toán, Ngọc Mùi luôn được điểm 10 đến mức các thầy giáo nước ngoài phải ngạc nhiên.
“Mẹ tôi thường kể, ngày còn đi học cụ chỉ tâm niệm học thành tài để làm lên nghiệp lớn chứ không phải để viết thư tình. Bởi vậy năm 16 tuổi mẹ đẹp rực rỡ, được nhiều thanh niên để ý, tán tỉnh nhưng bà đều bỏ ngoài tai", họa sĩ Sơn Trúc kể tiếp.
Cuộc hôn nhân với đại gia Hải Phòng
Gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà và bác của cụ Mùi có mối quan hệ thân tình, bạn làm ăn lâu năm. Khi người vợ hai của doanh nhân Sơn Hà lâm bệnh nặng, biết mình chẳng sống được bao lâu nữa đã cậy nhờ bạn mai mối cho chồng mình với Ngọc Mùi.
Bởi cụ thấy cô gái đó tuy tuổi trẻ nhưng chững chạc, con nhà nề nếp nên cố gắng se duyên, hi vọng thay mình chăm sóc đàn con thơ.
Cụ Nhiêu mời cụ Mùi đến nói chuyện: “Tôi thấy gia đình em gia giáo, em lại đứng đắn, thùy mị. Nếu em nhận lời làm vợ ông nhà tôi, có thể sau này con tôi đỡ khổ”.
Sau cuộc gặp đó, cụ Nhiêu qua đời. Suốt một năm, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà thường lên Hà Nội bàn việc làm ăn, cũng tiện để thăm và tìm hiểu cụ Mùi theo di nguyện của vợ.
Cụ Sơn Hà không tỏ tình lãng mạn mà thẳng thắn bày tỏ với cụ Mùi: “Tôi rất bận, ngoài kinh doanh còn có các công việc xã hội. Tôi không như thanh niên khác, hàng tuần đưa vợ con đi xem chiếu bóng, nhảy đầm. Nếu cô giúp tôi trông nom đàn con nhỏ để rảnh tay hoạt động thì thực là điều đáng quý”.
Tuy nhiên cụ Mùi vẫn kiên quyết chối từ cuộc hôn nhân này vì ngại cụ Sơn Hà giàu có, danh vọng, lại hơn mình 24 tuổi trong khi bản thân còn trẻ, mang nhiều hoài bão.
Thế nhưng hoàn cảnh gia đình cụ Mùi bắt đầu sa sút, mọi gánh nặng dồn lên vai người mẹ khốn khổ. Thương mẹ sớm hôm vất vả, cụ Mùi đã đồng ý về làm dâu Hải Phòng năm tròn 18 tuổi.
Đám cưới giai nhân và vị thương gia giàu có diễn ra khá đơn giản. Ngày cưới, nhà gái làm vài mâm ở Bắc Ninh, sau đó nhà trai lên rước dâu từ 4 giờ sáng.
Về làm vợ kế, dạy dỗ 5 người con riêng của chồng, cụ Mùi gặp vô vàn khó khăn. Người con trai cả của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà tên Sơn Lâm chỉ kém cụ Mùi vài tuổi.
Đây cũng là lý do khiến Sơn Lâm thường không vâng lời mẹ kế. Cụ Mùi nghĩ: “Sơn Lâm có 5 anh em, nếu không dìu dắt được anh cả thì các em cũng khó nên người”. Vì vậy cụ đã tìm cách giáo dục, uốn nắn con cả của chồng.
Khi Sơn Lâm hỗn với mình, cụ Mùi không đánh mà dẫn các con ra mộ cụ Nhiêu rồi khấn: “Em nhận việc nuôi dạy các con nên người hữu ích, nay Sơm Lâm đã phụ công, hỗn láo, nói bậy. Em xin trao trả Sơn Lâm cho chị. Mong chị lượng thứ cho”.
Tất cả các con của cụ Nhiêu đều òa khóc, riêng Sơn Lâm thì quỳ xuống mộ mẹ đẻ và hứa không bao giờ làm như như vậy nữa. Từ đó các con của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà đều yêu mến, nghe lời người mẹ kế.
Chủ nhật nào cụ Mùi cũng cùng chồng đưa các con ra thăm mộ mẹ, để các con lần lượt kể những thành tích và những việc chưa làm được trong tuần. Việc này trở thành lệ, dù chồng vắng nhà cụ Mùi vẫn duy trì.
Không muốn dựa dẫm tiền bạc vào chồng, ngay khi kết hôn được một thời gian, cụ Ngọc Mùi bắt tay vào xây dựng sự nghiệp riêng cho mình.
Qua một số mối quan hệ, cụ học hỏi việc buôn bán bất động sản, dần trở thành bà chủ, nắm trong tay nhiều tài sản lớn, không phụ thuộc chồng về kinh tế.
Căn biệt thự ở Lạch Tray (quận Ngô Quyền, Hải Phòng) xây dựng trên mảnh đất 2.000 m2. Mảnh đất này cụ Mùi mua lại của người bạn gốc Hoa.
Ngoài căn biệt thự kể trên, cụ Mùi còn sở hữu nhiều căn biệt thự ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hà Nội và vô số căn nhà lớn nhỏ ở các thành phố lớn.
Những năm tháng cuối đời, cụ Mùi sống lặng lẽ trong căn biệt thự cũ kỹ, phủ bóng những vết bụi thời gian. Nơi cụ và các con lưu giữ ký ức đẹp đẽ về người chồng.
Năm 1997, sau chuyến về thăm Bắc Ninh cùng con gái Sơn Trúc, cụ lên cơn đau tim rồi đột ngột qua đời, khép lại cuộc đời của giai nhân một thuở.
Theo Diệu Bình - Ngọc Trang (VietNamNet)