Chuyện tình của cô dâu Việt với người chồng Đài Loan hiếu thảo

28/06/2017 11:17:00

Chăm mẹ anh Li tại v​iện dưỡng lão, chị Tâm từ chỗ ác cảm dần quý mến người đàn ông không ngại khổ giúp mẹ già vệ sinh cá nhân.

Chăm mẹ anh Li tại v​iện dưỡng lão, chị Tâm từ chỗ ác cảm dần quý mến người đàn ông không ngại khổ giúp mẹ già vệ sinh cá nhân.

Là chị cả trong một gia đình nghèo khó, từ lúc 8 tuổi, chị Tâm đã phải nghỉ học đi bế trẻ thuê kiếm tiền. Đến tuổi thanh niên, chị vào Sài Gòn làm công nhân rồi gặp người đàn ông đầu đời. Khi biết chị có thai, người này đã cao chạy xa bay. Chị Tâm một mình sinh con, chịu đủ khổ sở về tinh thần và thiếu thốn kinh tế. Gần đến ngày sinh, chị đã phải vào một mái ấm tình thương dành cho những người cơ nhỡ để sinh nở và ở nhờ rồi sau đó làm đủ mọi công việc nặng nhọc để lo cho con.

Không muốn con phải sống khổ sở, chật vật mãi, lúc bé 5 tuổi, chị gửi con nhờ một người thân chăm sóc rồi đi xuất khẩu lao động. "Lúc đó, mình phải làm một lúc hai công việc mới đủ nuôi con. Trong lòng chỉ nung nấu một điều, phải kiếm tiền để lo cho con đầy đủ và có điều kiện học hành tốt hơn", chị chia sẻ.

chuyen-tinh-co-hau-cua-ba-me-viet-lam-dau-dai-loan

Chị Trần Thanh Tâm và người chồng Đài Loan, anh Li Chang Jin. Ảnh: Long Trần.

6 năm trước, khi sang Đài Bắc làm công việc chăm sóc bệnh nhân cao tuổi tại một bệnh viện - nhà dưỡng lão, chị đã gặp anh Li Chang Jin - một người đàn ông hiếu thảo, luôn tận tình chăm sóc mẹ.

"Ban đầu mình khá ác cảm với anh, trộm nghĩ 'đàn ông mà nhiều lời, cô nào lấy phải thì khổ' bởi anh cực kỳ cẩn thận, cứ gặp là dặn phải chăm mẹ mình thế này, thế kia", chị Thanh Tâm chia sẻ. 

Sau này, càng tiếp xúc, chị càng quý và phục tấm lòng anh dành cho mẹ: Dù mẹ được chăm sóc chu đáo tại một bệnh viện hạng sang, ngày nào anh cũng tới 2 lần: sáng giúp mẹ vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chiều đi làm về lại dẫn mẹ đi dạo, tập thể dục, ăn tối, đến lúc mẹ lên giường đi ngủ mới về. Anh còn thuê thêm một người đến nói chuyện với mẹ lúc mình đi vắng. 

Thường xuyên gặp nhau tại bệnh viện, anh chị hay trò chuyện rồi dần coi nhau như hai người bạn. "Khi đó chỉ nghĩ ở nơi xa xứ, có một người bạn để cảm thông, chia sẻ đã là quý lắm rồi. Mình cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc lấy chồng nước ngoài, phải xa mẹ già, con nhỏ", chị Tâm nói. 

Bản thân anh Li bày tỏ, hình ảnh chị luôn tươi cười, ân cần trò chuyện và tận tụy chăm sóc những người già, trong đó có mẹ anh, khiến anh vô cùng ấn tượng. Sau khi nghe chị kể về quá khứ chưa lấy chồng nhưng đã có con và vẫn đang nuôi, anh thể hiện sự xúc động và càng tôn trọng chị.

Tháng 8 năm ngoái, chị Tâm về nước sum họp với gia đình. Anh Li vẫn ngày ngày gọi điện nói chuyện với chị. "Có lần, qua điện thoại, anh nhìn thấy khung cảnh quanh mình (trong ngôi nhà ở quê) tiều tụy quá và ngỏ ý muốn giúp mình sửa nhà. Mình nói 'em không muốn mang nợ và cũng không bao giờ trả được' thì anh bảo đó là điều anh mong làm, chẳng đòi hỏi chi hết", chị kể. Sau đó, anh còn nói muốn mua một căn hộ để hai mẹ con chị được sống với nhau. Thời điểm này, con gái chị Tâm đã 11 tuổi, vẫn ở cùng nhà một người dì. Chị đi về giữa quê Hà Tĩnh nơi mẹ ở và vào Sài Gòn thăm con gái. 

"Những lời nói chân tình của anh khiến mình rất xúc động, không phải bởi của cải vật chất họ sẵn sàng bỏ ra mà ở sự quan tâm, hết lòng vì mình dù khi hai người ở hai đất nước xa lạ, cũng chưa có bất cứ lời hứa hẹn nào với nhau", chị Tâm kể.

chuyen-tinh-co-hau-cua-ba-me-viet-lam-dau-dai-loan-1

Lễ cưới của chị Tâm theo phong tục truyền thống tại quê chị diễn ra hôm 5/12. Ảnh: Long Trần.

Đến khi chị Tâm chấp nhận tình yêu của người đàn ông ngoại quốc dành cho mình thì mối quan hệ lại bị cả hai bên gia đình phản đối. Mẹ và con gái chị khóc lên khóc xuống bởi họ từng nghe biết bao chuyện cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan gặp bất hạnh, thậm chí mất mạng. Các anh chị em của anh cũng không đồng ý bởi họ cho rằng chị học thức thấp, ở xứ lạ...

Anh đã thuyết phục cả gia đình rằng đã tìm hiểu chị rất kỹ và anh muốn lấy một người con gái dù nhà nghèo, học thức thấp nhưng chắc chắn sẽ luôn ở bên anh kể cả khi sa cơ lỡ vận. Về phía mình, chị Tâm cũng nói với người thân về những tính tốt của anh, rồi nối máy cho anh nói chuyện với con gái (bằng tiếng Anh)... Vài tháng trước, anh trực tiếp bay về Việt Nam và những người thân của chị đều quý mến bởi sự chu đáo, tính khiêm nhường của anh.

Hai người đã tổ chức lễ ăn hỏi, lễ cưới theo mọi nghi lễ ở quê chị. Bố mẹ anh Li đã mất, các anh chị em của anh đều về chúc phúc và thường xuyên trò chuyện, quan tâm tới chị. "Ông trời rất công bằng, sẽ không lấy hết của ai. Mình từng bị phụ bạc và lận đận nhưng vẫn luôn có những người bạn tốt ở bên ủng hộ, giúp đỡ và nay còn hưởng hạnh phúc trọn vẹn khi lấy được một người đàn ông không chỉ tốt với mình mà với cả bố mẹ, anh em, con gái của mình", chị Tâm chia sẻ. 

Hiện tại, vì vẫn phải lo công việc ở Đài Loan, chồng chị cứ hai tuần lại bay về thăm vợ một lần. Anh đang làm thủ tục đón chị sang định cư, sau đó sẽ rước nốt con gái đoàn tụ. 

Nói về cuộc sống tương lai, chị Tâm tự tin mình sẽ có được hạnh phúc vững bền, dù ở Đài Loan hơn 5 năm, chị biết có nhiều cô dâu Việt tại đó kết thúc hôn nhân bằng ly hôn. "Đa số họ đều chưa biết tiếng Đài, lấy chồng qua mai mối, ở những vùng xa thành phố, có cuộc sống rất cực nhọc. Vợ chồng không hiểu ngôn ngữ của nhau, khi có bức xúc, khó chịu cũng không nói ra được, tình cảm chưa kịp nảy nở đã bị thui chột...", chị bày tỏ. 

Về phía mình, chị Tâm cho biết, anh chị đến với nhau khi đều lớn tuổi và trải qua nhiều vấp váp trong cuộc đời nên có nhiều điều dễ đồng cảm, chia sẻ. Họ cũng kể hết cho nhau nghe những chuyện trong quá khứ và nói rõ mong đợi với tương lai. Chị từng hỏi anh sao tới tuổi này mới lấy vợ thì anh kể: Hồi trẻ cũng yêu một cô gái nhưng gia đình họ tỏ ý coi thường do nhà anh nghèo, bố mất sớm, một mình mẹ làm thợ hồ nuôi 7 con học đại học. Khi đó, anh đã thề sẽ phấn đấu lo sự nghiệp thành danh mới tính tới chuyện vợ con và thời gian cứ thế qua đi, tới lúc tuổi ngày càng nhiều thì cũng ngại nghĩ tới tình duyên, cho đến khi gặp chị.

"Bản thân mình xác định rõ, bất cứ ai, dù tốt đến mấy, cũng có nhược điểm và khi lấy nhau rồi là phải biết chấp nhận và dung hòa với nhau. Như chồng mình, rất chu đáo, hiền lành, không nề hà bất cứ việc gì từ giặt đồ, rửa bát nhưng lại cực kỳ kỹ tính, nguyên tắc cứng nhắc đến mức nhiều khi khiến người khác khó chịu. Mình biết thì sẽ dễ thích nghi với nhau hơn", chị Tâm nói. 

Đám cưới của vợ chồng chị Tâm diễn ra hôm thứ 7 tuần trước, với sự chúc phúc của cả hai bên gia đình và đông đảo bạn bè, làng xóm...

Theo V.Linh (VnExpress.net)

Nổi bật