Từ câu chuyện được chia sẻ trên Fanpage của quán, cộng đồng mạng đang rất bức xúc vì hành động vô văn hoá này.
Dưới đây là tâm thư mà Quán của thời Thanh xuân đăng tải:
"Buồn ghê ha!
Ai đó đã đến Quán, cậy thùng, lấy tiền, thêm dăm ba món đồ, cả hũ muối tôm nữa.
Buồn ghê ha!
Chả ai đang sống trong sung túc, đầy đủ mà làm việc này. Chắc cuộc sống của người đang gặp khó khăn, có vấn đề. Mong là số tiền người lấy đi có thể giúp người giải quyết được rắc rối nào đó. Còn nếu không phải là như vậy, thì việc người không kiểm soát được lòng tham của người sẽ khiến người day dứt trong khoảng thời gian không ngắn. Quán sẽ thấy thương người lắm.
Buồn ghê ha!
Quán được dựng lên, được nuôi dưỡng bằng lòng tử tế của tất cả những Thanh Xuân đến đây. Và Quán chỉ muốn sống bằng lòng tử tế ấy, nhân đôi lên, và lan rộng thêm. Để nơi có chúng ta - là nơi đáng sống.
Quán không muốn báo công an.
Quán không muốn lắp camera ơi hỡi người ơi!
Buồn quá!!"
Đúng là buồn thật! Và còn đáng buồn hơn nữa khi đây là quán cà phê được dựng lên để tạo công ăn việc làm cho các bạn trẻ khuyết tật tại Đà Lạt.
Các bạn trẻ tại Quán của thời Thanh Xuân, người thì không nhìn được, người thì không nói được, nhưng hàng ngày, họ vẫn miệt mài làm việc và tạo ra một thứ đáng giá hơn nhiều so với một cái rổ tre hay một chiếc móc khoá handmade. Đó chính là niềm tin vào sự tử tế, lẫn tự trọng của những "thanh xuân" ghé qua Thanh Xuân.
Giữa một thời đại mà ở đâu người ta cũng sợ bị chặt chém, bị hét giá, bị ăn cắp; giữa một thời đại mà hàng quán nào cũng chi chít camera ở từng góc, từng tầng, thì Quán của thời Thanh Xuân vẫn rủ rỉ, bình tĩnh kể câu chuyện về niềm tin vào con người của mình. Người trẻ Việt nghĩ tới Quán của thời Thanh Xuân với một sự háo hức như bắt được của hiếm. Cũng chẳng sai, bởi trước đó, ở Việt Nam, đã có nơi nào ngoài Đà Lạt, đã có quán nào ngoài Quán của thời Thanh Xuân chịu đặt niềm tin vào sự tự giác của khách hàng lên trên cả những rủi ro sẽ gặp phải đâu? Mỗi lượt khách đến và đi là mỗi lần suy nghĩ của chúng ta về xã hội, về những người quanh mình đẹp thêm, lớn thêm một chút. Đó là cách mà Quán của thời Thanh Xuân đã lớn lên suốt gần 3 năm qua.
Nhưng rồi, chuyện xưa như trái đất vẫn lại xảy ra: Con sâu làm rầu nồi canh. Niềm tin đúng là thứ xây lên thì khó, nhưng để làm nó rạn nứt thì dễ vô cùng. Người ta tới Thanh Xuân, phá hòm tiền và lấy đi nhiều thứ khác nữa.
Chẳng rõ "người ta" ấy là một người, hay một nhóm người, nhưng để phá được hòm tiền bằng gỗ dày dặn, có khoá chặt thì chắc hẳn mắt họ phải sáng, và chân tay cũng lành lặn lắm.
Chẳng rõ "người ta" ấy là khách du lịch từ nơi khác đến hay là người Đà Lạt vô tình lạc ra khỏi sự hiền lành, chân chất của con người nơi ấy. Nhưng thiết nghĩ, bao năm qua, chỉ có những người ở nơi khác mới không tử tế với Đà Lạt thôi. Và đã có tiền để đi du lịch, tại sao không kết hợp tận hưởng cho tâm hồn đẹp sẽ hơn, mà lại kết hợp ăn cắp vậy nhỉ?
Câu hỏi này có lẽ chúng ta chẳng bao giờ tìm được đáp án, dù nó là băn khoăn chung của rất nhiều bạn trẻ khi biết tin có kẻ đã "ném đá" vào một điều đẹp đẽ như văn hoá tự giác của những người ghé Quán của thời Thanh Xuân.
Chúng ta vẫn chỉ có thể thấy buồn một chút, tức giận một chút, thậm chí là xấu hổ một chút dù chúng ta chẳng phải người đã phá vỡ hòm gỗ đựng tiền ở Quán của thời Thanh Xuân.
Chúng ta xấu hổ bởi ở ngay đất nước hàng xóm của chúng ta, văn hoá tự mua đồ, tự thanh toán đã phát triển lâu lắm rồi. Tại Hàn, tại Nhật, cứ vài trăm mét sẽ lại có một quán ăn, quán cà phê, hoặc quán đồ lưu niệm không có thu ngân, không có người giám sát. Bao nhiêu cửa hàng, qua bao nhiêu năm vẫn cứ duy trì. Còn ở Việt Nam , có lẽ sẽ phải rất lâu nữa để những quán như Quán của thời Thanh Xuân được mở ra mà không còn những câu chuyện đáng buồn, đáng xấu hổ vì sự thiếu văn hoá, thiếu tự trọng của khách hàng.
Cho tới ngày ấy, có lẽ chúng ta vẫn chỉ có thể hy vọng rằng mọi người nói chung, đặc biệt là người trẻ, sẽ có sự tự giác lẫn tự trọng cao hơn.
Theo An Trang (Helino)