Với hôn nhân, đi đâu cũng được miễn là hai vợ chồng được đi cùng nhau. Vợ chồng nếu chung chí hướng thì ở bất cứ nơi đâu đi chăng nữa, họ vẫn có thể sát cánh vui vẻ, tạo được niềm vui cho mình.
Câu chuyện của đôi vợ chồng Thuận và Thành An gây chú ý mạng xã hội ngay sau khi đăng tải. Theo đó, dù đang có việc làm ở thành phố nhưng hai vợ chồng quyết định bỏ hết, về mua một mảnh rừng ở Đắk Nông để canh tác, trồng trọt.
Nhìn hình ảnh họ cần mẫn trên thửa đất để trồng cây rồi thu hoạch thành quả khiến người ta không khỏi trầm trồ. Bài đăng về câu chuyện ấy thu hút đến 36 nghìn like.
Cặp vợ chồng đồng lòng bỏ phố lên rừng
Thuận người Bảo Lộc, Lâm Đồng. An là dân Sài Gòn. Họ quen nhau khi còn học năm nhất Đại học. Đến năm ba, cả hai bắt đầu nói chuyện nhiều hơn sau một lần Thuận cúp tiết, An lại được nghỉ nên ngồi ở ghế đá trường vô tình gặp nhau.
"Có lần anh An rủ mình leo núi Bà Đen ở Tây Ninh. Mình thích trải nghiệm nên 2 đứa leo lên tới đỉnh rồi bắt đầu cả hai rủ rê cà phê làm bài tập xong yêu nhau luôn. Anh An là một người tình cảm, quyết tâm, thẳng thắn và cũng rất chính trực".
Yêu nhau một thời gian, cả hai quyết định kết hôn. Hai vợ chồng cũng có công việc ổn định ở Sài Gòn trong ngành marketing. Thế nhưng với họ, khao khát được làm vườn, trồng cây vẫn thật lớn làm sao.
Cơ hội để biến những điều đó thành sự thật là khi Thuận cùng bạn thân làm macca để bán. Mọi thứ rất thuận lợi, bán buôn rất ổn nên Thuận mới nghĩ đến việc tìm đất làm trang trại, tự chủ nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng.
"Lúc đó bọn mình nghĩ về làm vườn chứ không định ở luôn nhưng sau khi về đây mình thấy yêu thích nơi này, căn nhà này, vùng đất này nên quyết định sống luôn. Lúc mới đặt cọc đất xong thì nhiều điều lo lắng lắm. Dần dần mình lên kế hoạch thiết kế vườn, dấn thân vào thì cảm thấy an tâm nhiều hơn". Thuận kể.
Ý định bỏ phố về rừng chắc chắn chẳng dễ dàng thực hiện. Thuận và An cũng phải đối mặt với sự phản đối của gia đình. Giai đoạn đầu, cô thậm chí còn không dám nói cho gia đình mình biết. Vợ chồng cô gọi vốn từ bố mẹ chồng nhưng ban đầu cũng không thành công. Những lúc đó, hai vợ chồng vẫn cố gắng an ủi nhau. Họ có sự đồng điệu trong suy nghĩ và hơn hết vô cùng tôn trọng với quyết định của đối phương.
Nhưng bố mẹ không như thế, lo sợ con cái không có kinh nghiệm, dễ thất bại nên bố mẹ ngăn cản. Vợ chồng Thuận chứng minh bằng cách tiếp tục bán macca, lúc nào cũng cháy hàng, khách hàng đôi khi có cả bạn bè của ba mẹ chồng. Sau đó mẹ chồng thấy ổn hơn nên đồng ý góp vốn.
Nhận được cái gật đầu đó. Hai vợ chồng bắt tay vào tìm hiểu, mua đất rồi lên kế hoạch cải tạo.
"Điều lớn nhất khiến nhà mình chọn mua mảnh đất này là cái cảm giác thuộc về. Lần đầu khi xem hình thì bọn mình đã nghĩ ra rất nhiều thứ để làm cho khu vườn. Và cái ngày mình lên xem đất, quả thật nhìn vào căn nhà bên hồ nước, tụi mình không nói nhưng thầm nghĩ mình đã thuộc về nơi này", Thuận kể.
Quả thật, khu vườn của cô tuyệt đẹp, có hồ nước, có nhà bên hồ, thỏa mãn tất cả những gì mà hai vợ chồng tưởng tượng đến.
Thời gian đầu khi lên rừng, hai vợ chồng đều cảm thấy lạ lẫm và khó khăn. Đương nhiên điều kiện sống không thể được như Sài Gòn. Một con chó của hai vợ chồng mang theo bị chết, hàng xóm giáp khu rẫy muốn lấn đất.
Túi tiền vốn đã cạn. Họ nản đến mức muốn bỏ cuộc, bán đất đi rồi quay về thành phố. Thế nhưng sau khi về được vài ngày thì nhớ quá lại tiếp tục quay lại. Họ bắt đầu bàn bạc cùng nhau và bắt tay vào xây dựng mảnh vườn thật đẹp.
Trong suốt những ngày đó, điều cả Thuận và An thấy hạnh phúc nhất là sự ủng hộ của đối phương dành cho mình. Để bắt đầu một việc làm khó khăn không hề dễ dàng và đương nhiên, sự ủng hộ của chính người bạn đời đã khiến họ có động lực lớn nhất.
Những thành quả đầu tiên đến từ sự đồng lòng của hai vợ chồng
Họ đã ở mảnh vườn này được 2 năm, đầu tư nhiều công sức. Thuận vẫn nhớ ngày mà mẹ chồng xuống đến thăm sau khi hai vợ chồng làm được 3 tháng.
"Khi thấy con trai xuống đến 7kg, đen đúa nhiều hơn, mẹ chồng mình khóc luôn. Mẹ xót lắm bảo bán đất đi về, không làm ăn gì nữa. Hai vợ chồng cũng hiểu nên ra sức an ủi mẹ để mẹ yên tâm quay về nhà. Sau này lên thăm mẹ cũng vững vàng hơn, còn bày cho trồng cây này cây kia nữa", Thuận kể.
Ngời những người ủng hộ thì cũng có không ít bạn bè người quen ngỡ ngàng vì quyết định của vợ chồng Thuận. Họ khá lăn tăn bởi chẳng rõ lí do gì mà hai vợ chồng học hành tử tế, lương bổng không đến nỗi mà vào rừng rú làm gì. Thế nhưng vợ chồng cô đều bỏ qua hết, dành thời gian để làm và tận hưởng cuộc sống. Thành quả sau này sẽ chính là thứ để thuyết phục mọi người.
Hiện tại, vợ chồng Thuận có khu vườn rộng 10 ha, trên đó trồng 2 ha cả phê, 2 ha macca, 1000 gốc chuối, 100 cây mít ta hơn 10 năm và bơ, sầu riêng cùng nhiều loại cây ăn trái. Họ cũng dành 1 ha trồng thảo dược với rau xanh. Để có được thành quả như bây giờ là một sự nỗ lực lớn của cả hai vợ chồng.
Thuận kể: "Có lần chồng mình cưa củi thì bị cưa trúng chân, chảy máu nhiều. Mình không rành chạy xe côn nên gọi người anh quen biết qua chở giúp ra trạm xá khâu mấy mũi. Cũng có lần mình bị sốt, mệt mỏi vô cùng.
Đường rừng thì trơn, suýt ngã nhiều lần. Hơn thế điện trong này chỉ đủ sắp tháng và sạc pin điện thoại nên mình muốn có máy ép nước rau củ để uống mà chưa làm được nữa".
Sau 2 năm ở rừng, cả Thuận và An đều có làn da ngăm hơn, tay chân dính phèn, đầu tóc tơi tả. Quần áo cũng ngả từ màu sáng sang màu cam đất đỏ. Khác xa với cuộc sống phố thị cần gì thì gọi ship đến, vợ chồng Thuận ăn cơm ngày 3 bữa tự nấu, giải khát thì pha trà.
"Trước đây mình không nghĩ cuộc sống ở vườn nó như vậy đâu, hoá ra nó không màu hồng cho lắm mà nó màu xanh vì nhiều cây", Thuận kể.
Hiện tại, một ngày làm vườn của hai vợ chồng bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Chiều 2 giờ ra vườn và làm đến tối mịt. Buổi tối họ thường trả lời tin nhắn và nhặt cà phê sâu, thi thoảng đọc sách.
Cuối tuần họ cũng ra xã có internet mạnh hơn để đăng bài lên page của mình. Lâu lâu bạn bè của hai vợ chồng cũng lên chơi. Cuối tuần họ hay ngồi uống cà phê tại nhà rồi đọc sách, trao đổi ý tưởng hoặc đi dạo rừng. Cuộc sống bình yên như vậy cứ trôi qua từng ngày.
Sau 2 năm ở rừng, hiện tại hai vợ chồng bắt đầu bán cà phê rang xay và có thu nhập ổn. Mặt hàng dầu gội bồ kết cũng đang được đón nhận. Kinh doanh có dư thì Thuận và An lại trồng thêm cây để khu vườn xanh tốt hơn nữa.
Đúng là trong cuộc sống đôi lúc chúng ta đưa ra những quyết định gây sửng sốt với tất cả. Tuy nhiên, nó không thành vấn đề nếu như có sự ủng hộ từ chính người bạn đời của mình. "Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn", dù đi đâu hay làm gì đi chăng nữa, có một người đồng hành như thế thì quá tuyệt vời đúng không nào!
Theo An Thanh (Pháp luật & Bạn đọc)