Tiếp diễn những ý kiến xoay quanh vấn đề về mạng xã hội, những tác động đa chiều của mạng xã hội đến đời sống, đặc biệt là giới trẻ, blogger truyền thông xã hội - Nguyễn Ngọc Long cho rằng “cách ứng xử của không ít người trên mạng xã hội hiện nay như kẻ điên, mất kiểm soát”.
Blogger truyền thông xã hội - Nguyễn Ngọc Long. |
Mặt tích cực là dễ dàng kết nối mọi người lại với nhau, nắm bắt thông tin nhanh chóng, mỗi người có quyền biểu đạt suy nghĩ, tiếng nói của mình… Nhiều trường hợp nhờ được đưa lên mạng xã hội đã được giúp đỡ kịp thời hoặc kéo các cơ quan chức năng vào cuộc, có phản hồi ngay. Đơn cử như vụ xin giấy chứng tử phường Văn Miếu, Hà Nội mới đây.
Đặc thù của mạng xã hội là tính lan tỏa nhanh, mang tính hiệu ứng đám đông. Ví dụ khi có em bé đi lạc, mọi người có thể chia sẻ thông tin để người nhà em tìm được… Đó chính là những tác động ta có thể nhin thấy ngay.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những tác động không biểu hiện ra ngay mà ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi của con người.
Việc sử dụng mạng xã hội như một thói quen, cơm ăn, nước uống hằng ngày. Nhiều người like, chia sẻ một cách vô thức mà không cân nhắc suy nghĩ đã gây ra những hậu quả khôn lường đằng sau.
Nhiều người đọc thông tin, họ không kiểm định, cũng chẳng kiểm chứng. Có những thông tin họ kiểm chứng đó. Nhưng họ kiểm chứng ở mức độ nào, đúng đến đâu? Phần lớn họ bỏ qua sự đánh giá tác động của những thông tin đó.
Ví dụ như trong lĩnh vực hàng không, có anh đánh cô nhân viên sân bay, trong trường học, một nhóm học sinh nữ đánh nhau... đó là những câu chuyện có thật. Chúng ta like, chia sẻ nhưng bản thân chúng ta có hiểu mục đích chúng ta chia sẻ để làm cái gì thì chúng ta không biết.
Thực tế có đúng chúng ta lên án hay không, hay chỉ để thỏa mãn hành vi của chúng ta? Mà không hiểu nếu chúng ta cứ chia sẻ một cách vô thức nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến những người trong cuộc và rất nhiều thứ khác...
Một khía cạnh nữa tôi nghĩ khá là quan trọng mà không nhiều người nhận ra. Đó là khi tương tác với các thông tin trên mạng xã hội, chúng ta thấy rằng mình đang được quyền nói lên ý kiến của mình.
Tuy nhiên, ở mạng xã hội làm cho quyền được nói lên ý kiến của mình phát triển theo hình thái vượt quá cuộc sống thật, mà người ta thường hay gọi là sống ảo.
Cụ thể ở đây, một ngày trên mạng xã hội đập vào mắt chúng ta là vô vàn thông tin, từ đánh ghen, chửi bới… đến các thông tin chính luận. Bản thân mỗi người dù muốn hay không đều bị buộc phải tương tác với tất cả những thứ đó.
Khi bị ép tương tác như vậy, chúng ta có thói quen đầu tiên là bấm like, rồi giận dữ và cao nhất là bình luận. Đó chính là cách chúng ta thực hành quyền biểu đạt.
Nhưng nếu ta nhìn nhận lại, thực tế trong cuộc sống chúng ta đâu có sống như vậy. Chúng ta không có thói quen chĩa mũi vào mọi chuyện của tất cả mọi người. Sự tương tác có chừng mực hơn, có điểm dừng hơn.
Một ví dụ so sánh, chỉ cần thấy trên mạng xã hội có ai đang bàn luận về việc bạn mình mới chia tay người yêu, cô gái khóc lóc, vật vã… là theo phản xạ chúng ta có thể nhảy vào bấm like, biểu lộ cảm xúc, bình luận khuyên nhủ… Nếu ở ngoài đời thực, đi đường thấy nhóm người cũng đang bàn tán về vấn đề như vậy chắc chắn chúng ta sẽ bỏ qua, không để tâm đến.
Như vậy, nếu chúng ta đem cách ứng xử của mạng xã hội ra ngoài đời thực thì chúng ta sẽ thấy mình không khác gì kẻ điên. Tất nhiên ở đây tôi không có ý xúc phạm những người mắc bệnh về tâm thần, tâm lý…
Mà ý tôi là mang cách ứng xử đó ra ngoài đời thực chúng ta sẽ giống những người bị mất kiểm soát hành vi. Đi lang thang sà vào chỗ kia like (thích), nhảy vào chỗ kia share (chia sẻ). Xông vào chỗ người ta đang comment (bình luận) để đưa ý kiến của mình vào đó. Chắc chắn mọi người sẽ nhìn chúng ta bằng con mắt khác, chúng ta bỗng nhiên trở thành kẻ trên rời rơi xuống.
Nhưng trên mạng xã hội chúng ta dễ dàng chấp nhận hành vi đó. Đó là vấn đề tiêu cực, nếu mỗi người không đưa ra một chừng mực nhất định, một điểm lùi thì hậu quả khôn lường sẽ xảy ra.
"Ngay cả những người có kiến thức, hiểu rõ về mạng xã hội như bản thân tôi cũng không lường hết được những hậu quả, tác động tiêu cực mà mạng xã hội đem đến.
Trước khi bấm like, chia sẻ vấn đề gì đó, chúng ta cần xem xem, người đăng có thật sự thân thiết, có thật sư cần thiết để chúng ta tham gia tương tác hay không? Tức là chúng ta cần có một quy tắc ứng xử chuẩn mực trên môi trường mạng xã hội.
Làm thế nào để chúng ta điều khiển mạng xã hội chứ đừng để mạng xã hội điều khiển chúng ta", Blogger Nguyễn Ngọc Long nhấn mạnh.
MC Lê Anh: 'Tôi từng là nạn nhân của những thông tin trên mạng xã hội'
Nhìn nhận về vấn đề sử dụng mạng xã hội, MC Lê Anh (Giảng viên Trường ĐHKH&NV Hà Nội) cho rằng, hiện nay có một cơn sốt không hề nhẹ trong cộng đồng người sử dụng mạng xã hội (mà cộng đồng này ngày càng lớn và càng đại diện cho nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội, trong đó có một số lượng đông đảo trí thức, cán bộ nhà nước, thanh thiếu niên và người lao động ở các thành phần kinh tế khác nhau) gặp phải là "cơn sốt làm báo". Trong đó người người làm báo, nhà nhà làm báo.
Vì vậy, khi có thông tin, ai cũng thấy mình có chức phận phản ánh xã hội, cung cấp thông tin, chia sẻ nhận định, góc nhìn và cả những giải pháp mà không quan tâm đến tính xác thực của thông tin, mặc dù đây vốn là tiêu chí cơ bản nhất của công việc truyền tin.
MC Lê Anh |
Theo Thạc sĩ - MC Lê Anh, những cơn sốt về thông tin như vậy thì dễ, nhưng quả thực, để không bị sốt theo cũng là rất khó bởi ‘quyền năng’ và sự ‘tưởng thưởng’ mà nó mang lại cho cộng đồng mạng rất lớn, với từng cá nhân. Chính vì vậy hiện nay, nhiều người dù không cần cấp phong cũng tự nhân danh luật sư… để phân xử. Rồi cũng có nhiều Từ Hải cảm khái ‘giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha’.
Nam MC nổi tiếng cho biết, anh từng nhiều lần là nạn nhân của những thông tin thêu dệt trên mạng xã hội.
“Tôi từng dẫn ca nhạc cho một đại gia Hà Tĩnh tổ chức chiêu đãi mời bà con các xã đến xem mừng đám cưới con. Hôm đó, có rất nhiều bức ảnh chụp tôi đứng cùng cô dâu chú rể và các nghệ sỹ nổi tiếng khác.
"Mà những hành động ấy nhẹ thì bị "ném đá", nặng thì vướng vào vòng lao lý khi các chế tài pháp luật đang dần cập nhật, phù hợp với việc quản lý một xã hội trên mạng gắn rất chặt với một xã hội đang hiện hữu ngoài mạng”, MC Lê Anh nói. |
Đám cưới khủng ‘hot’ đã đành. Vậy nhưng tôi lại càng nổi tiếng khi bị theo dệt hàng loạt câu chuyện như "Lê Anh nhận lời làm đám cưới khủng có phải vì tiền", "Thực hư số tiền Lê Anh nhận được chỉ qua một đêm dẫn đám cưới nhà đại gia", "MC Lê Anh giao lưu với xã hội đen"... cùng rất nhiều những lời bình luận không thiện chí. Dù lần đó tôi không phát ngôn hay trả lời bất cứ điều gì cho ai”, MC Trịnh Lê Anh nói.
MC Lê Anh cũng cho biết, một lần khác, anh đi dự hội làng. Vì là người học và nghiên cứu về văn hoá nên MC Lê Anh quan sát và có nhận định riêng của mình.
Tuy nhiên hôm đó, với tư cách là một du khách, anh chỉ quay một đoạn video 30 giây chiếc kiệu đang ‘bay’ với tốc độ chóng mặt và có khả năng gây nguy hiểm cho tính mạng của con người cũng như của cải vật chất của bà con. Dù anh không nói rõ mình quay ở đâu nhưng khi đăng lên mạng xã hội, rất nhiều người nhận ra kiệu làng mình rồi đem tiếng nhiếc móc, chửi bới, yêu cầu phải gỡ ngay đoạn video trên. Sau vụ ấy, MC Lê Anh học được một bài học quý giá.
"Bây giờ, chúng ta hãy thấy việc sống ảo này sẽ không kéo dài lâu, vì những giá trị ảo tất sẽ không có sức sống. Thậm chí nó vừa được tạo nên bởi cộng đồng mạng đang sốt thì nó cũng sẽ bị chính cộng đồng mạng bóc mẽ và xoá bỏ. Đơn giản hơn là bị "thất sủng" trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Chính vì vậy, gia tăng sự sáng suốt khi tiếp nhận và xử lý thông tin qua mạng xã hội là điều mỗi người tự quyết định nếu không chính cá nhân đó sẽ phải tự chịu trách nhiệm và nhận thiệt hại về hành vi của mình.
Mà những hành động ấy nhẹ thì bị "ném đá", nặng thì vướng vào vòng lao lý khi các chế tài pháp luật đang dần cập nhật, phù hợp với việc quản lý một xã hội trên mạng gắn rất chặt với một xã hội đang hiện hữu ngoài mạng”, MC Lê Anh nói.
Theo Diệu Bình - Hạnh Thúy (VietNamNet)