Một vài mẹo nhỏ dưới đây có thể giúp bạn sắm Tết nhanh và dễ dàng hơn, đặc biệt là không bị 'cháy túi' khi Tết đến dù bạn có ngân sách 50 triệu tiền tiêu tết.
1. Lên kế hoạch mua sắm
Tết tuy chỉ có vài ngày nhưng sẽ có rất nhiều khoản phải mua sắm. Nếu không lên kế hoạch chi tiêu hợp lý và tiết kiệm, bạn sẽ dễ rơi vào tình trạng “vung tay quá trán”, mua hàng theo ngẫu hứng khiến tiền trong túi bạn cứ “đội nón ra đi”.
Việc lập ra danh sách các thứ cần phải sắm, số tiền cần chi, thời gian đi mua,... sẽ giúp cho việc sắm Tết của bạn trở nên thuận lợi và dễ kiểm soát hơn.
Tuyệt đối không mua sắm Tết bừa phứa, chỉ mua vừa đủ. Bạn cũng không để phát sinh những khoản chi khác khi thấy món đồ này “hay hay”, cái kia “đẹp đẹp” trong khi bạn thực sự không cần thiết đến nó.
2. Tận dụng đồ cũ
Thay vì tốn một khoản tiền không nhỏ để mua đồ mới, có những đồ vật cũ bạn có thể tái sử dụng để tiết kiệm như: những đồ trang trí cây đào, mai, quất; câu đối...
Huy động trí tưởng tượng, sáng tạo của mọi thành viên trong gia đình, biến những đồ cũ không dùng đến như: hộp bìa cát tông, những ấm trà, chiếc cốc, ly thủy tinh cũ,... thành những chiếc lọ cắm hoa, những chiếc hộp đựng đồ mới,... Như thế vừa tiết kiệm lại vừa tạo được sự mới mẻ, độc đáo.
3. Sắm Tết từ sớm
Theo quy luật thị trường, vào dịp Tết khi sức mua tăng lên cũng là lúc giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt. Bởi thế, để tiết kiệm, bạn nên bắt đầu mua sắm dần từ sớm. Những sản phẩm có thể mua sớm phòng trừ tăng giá như: bánh kẹo, rượu bia, chè thuốc, măng miến,...
Tất nhiên, khi mua sắm một số mặt hàng hóa trước Tết, bạn nên chú ý xem hạn sử dụng của sản phẩm để đảm bảo hàng hóa vẫn có chất lượng tốt nhất.
4. Tham khảo và so sánh giá
Trước khi mua sắm Tết, bạn nên dành một chút thời gian để lên Internet hay đừng ngại ngần bỏ chút thời gian đi dạo một vòng quanh chợ, siêu thị, cửa hàng để có thể xem xét hết giá cả và các mặt hàng thiết yếu cần mua, sau đó mới quyết định mua những mặt hàng nào.
Không nên mua hàng lúc đang vội vã hoặc mua thời điểm quá cận Tết vì lúc đó bạn sẽ mua phải nhiều thứ không cần thiết với giá đắt đỏ.
4. Săn khuyến mại
Gần Tết, các cửa hàng, siêu thị thường có những chương trình khuyến mại, giảm giá hấp hẫn cho các mặt hàng. Đây là thời điểm tốt nhất để bạn vừa có thể mua được những thứ cần thiết vừa có thể tiết kiệm tối đa chi phí.
Thế nhưng, khi mua hàng vào những đợt giảm giá, khuyến mại, bạn nên cân nhắc cẩn thận, không vì ham rẻ mà mua quá nhiều, mua cả những mặt hàng không cần thiết hoặc không chú ý đến chất lượng sản phẩm, nếu không bạn không những không tiết kiệm được, mà còn lãng phí một khoản tiền không hề nhỏ.
5. Rủ nhau mua chung hàng hóa Tết
Nhu cầu mua sắm là khác nhau, nhưng hầu hết các hộ gia đình đều cần sắm những loại hàng hóa rất đặc trưng để chuẩn bị Tết.
Vì vậy, bạn nên rủ thêm bạn bè, người thân, hàng xóm cùng mua sắm chung đồ Tết để được hưởng mức giá đại lý hoặc được ưu đãi, khuyến mãi hậu hĩnh hay quà tặng đi kèm, chắc chắn cũng giúp bạn tiết kiệm thêm được một khoản.
6. Về quê hoặc ra chợ đầu mối mua thực phẩm Tết
Vào những ngày Tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của gia đình bạn sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, thay vì mua hàng ở chợ gần nhà hay siêu thị như mọi lần, bạn nên dành thời gian đi chợ đầu mối và chợ quê để chọn mua thực phẩm, đảm bảo bạn sẽ rất ngạc nhiên với mức giá và độ tươi ngon.
7. Đề cao tinh thần “của nhà tự làm”
Để tiết kiệm chi phí cho gia đình, bạn hãy thể hiện sự khéo léo của chính mình bằng cách tự tay làm tất cả những gì có thể để chuẩn bị Tết như: trang trí nhà cửa từ việc tận dụng những vật liệu rẻ tiền, tự mình dọn dẹp nhà cửa thay vì thuê người,...
Bánh chưng, giò xào, giò lụa, mứt, dưa hành muối,... đều là những thực phẩm ăn Tết mà bạn có thể làm ở nhà. Nếu có thời gian, điều kiện, bạn nên tự tay làm những món ăn đó thay vì mua ngoài quán, vừa không đảm bảo vệ sinh, vừa tốn kém.
Bạn cũng có thể huy động các thành viên trong gia đình cùng tham gia. Đây cũng là một cách tăng cường mối liên hệ tình cảm, sự thân thiết giữa mọi người trong gia đình.
8. Không mang nhiều tiền khi đi sắm Tết
Khi đi mua sắm cho dịp Tết, bạn chỉ nên mang một số tiền vừa đủ với nhu cầu của mình. Tránh mang quá nhiều tiền, bởi khi đó, bạn sẽ sẵn sàng phóng tay "quá đà" cho những món hàng không nằm trong kế hoạch.
Bạn nên mua sắm dần dần thành nhiều đợt. Không nhất thiết chỉ mua sắm 1-2 lần ồ ạt để tránh việc “chóng mặt” khi nhìn các khoản hóa đơn cần thanh toán. Mặt khác, mua rải rác còn giúp bạn tìm kiếm được những thực phẩm chất lượng và thiết thực với mức giá hợp lý nhất.
9. Tặng quà đúng cách
Tặng quà Tết là một nét đẹp trong truyền thống văn hóa của nước ta. Đó là dịp để bày tỏ sự quan tâm, lòng tri ân tới những người bạn yêu quý, trân trọng. Song bạn cần cân nhắc kĩ lưỡng sao cho phù hợp với khả năng tài chính của mình.
Hãy chọn mua những món quà Tết sao cho ý nghĩa, hợp lý nhưng cũng không quá tốn kém để tiết kiệm chi tiêu ngày Tết. Điều quan trọng nhất là nó phải thể hiện được tình cảm, thái độ trân trọng của bạn đối với người được nhận quà. Đôi khi chính những món quà bạn tự làm, nhưng món ăn ngon bạn tự tay chế biến,... cũng sẽ là những món quà Tết rất ý nghĩa và khiến người nhận vô cùng cảm kích.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)