Dưới đây là chia sẻ của chị Thu Trang, 32 tuổi, Hà Nội, về sở thích đổi điện thoại liên tục của chồng khiến chị mệt mỏi:
Hai vợ chồng tôi đều đi làm công ty tư nhân, tôi được 7 triệu/tháng, còn anh được 12 triệu/tháng. Tính ra tổng thu nhập 19 triệu/tháng, không phải là quá thấp nhưng chúng tôi không để ra được đồng nào tiết kiệm vì chồng tôi ham đổi điện thoại. Anh đã có sở thích này trước khi cưới tôi.
Chúng tôi có 2 đứa con, mỗi tháng đi học mẫu giáo hết khoảng 3 triệu. Tiền sữa, bỉm thêm 1 triệu/tháng. Các khoản chi tiêu cho con cái tôi lo liệu hết. Còn anh chịu trách nhiệm đưa tiền ăn, sinh hoạt cho bố mẹ chồng (chúng tôi sống chung) là 5 triệu/tháng. Như vậy, tiền lương của anh còn lại 7 triệu để chi tiêu, anh không đưa cho tôi thêm đồng nào. Trừ đi các khoản siêu thị, cho con đi chơi, số lương còn lại của tôi mỗi tháng khoảng 3 triệu. Tính thêm các khoản xăng xe, ma chay, hiếu hỉ, hay con đau ốm... tôi không để ra được là bao.
Tôi thường mang cơm ở nhà đến cơ quan ăn nên không tốn thêm, còn anh trưa nào cũng đi ăn với đồng nghiệp, rồi ngồi cà phê, thuốc lá. Tôi tính riêng khoản này đã mất hơn 1 triệu/tháng, chưa kể tiền xăng xe đi lại. Anh còn lại khoảng 5 triệu/tháng để chi cho những khoản linh tinh. Đáng lẽ có thể tiết kiệm được một chút nhưng không, số tiền này hàng tháng anh đều trả góp tiền mua điện thoại.
Anh thích tỏ vẻ với bạn bè, đua đòi đồng nghiệp, nên cái nào mới cũng muốn mua về. Vì không đủ tiền nên anh thường mua trả góp, trả trong vòng 6 tháng. Điện thoại nào của anh cũng có giá trên 10 triệu, cộng với khoản tiền chênh lệch so với giá gốc, mỗi tháng phải trả gần 2 triệu. Đấy là chưa kể có những cái gần 20 triệu, số tiền mỗi tháng phải trả lại tăng lên.
Anh có thói quen cả thèm chóng chán nên có khi mới mua điện thoại được vài tháng, lại bán đi để mua cái mới ra. Số tiền bán (thấp hơn giá trị ban đầu) anh các thêm để chọn cái đắt hơn, sành điệu hơn, trong khi số tiền trả góp chiếc cũ vẫn chưa trả hết. Giờ lại thêm nợ của điện thoại mới. Cứ cái vòng luẩn quẩn khiến anh chẳng lúc nào có tiền. Anh nhiều khi còn phải xin tôi tiền để chi tiêu hàng ngày. Trong khi tôi vẫn dùng chiếc điện thoại cảm ứng 2,5 triệu từ 4-5 năm nay, còn anh đã thay không biết bao nhiêu cái.
Gần đây nhất, anh khăng khăng mua chiếc điện thoại mới ra có giá khoảng 24 triệu đồng. Tôi can ngăn nhưng không được. Anh bán chiếc cũ đang dùng được hơn 10 triệu, còn thiếu khoảng 14 triệu. Chờ tôi đi làm, anh mang chứng minh thư và hộ khẩu ra làm thủ tục trả góp, vậy là mỗi tháng anh lại phải trả tới 2,5 triệu/tháng. Chỉ đến khi công ty tài chính gọi điện tôi mới biết.
Tôi quá mệt mỏi với sở thích này của chồng, trong khi con còn nhỏ, ốm đau liên miên mà không để dành được khoản nào đáng kể. Chồng tôi luôn quan niệm là "xe có thể xe số, nhưng điện thoại phải xịn, vào đâu ngồi lôi ra dùng nó mới sang". Mỗi khi về nhà anh lại chúi đầu vào điện thoại, rồi hí hoáy chơi game, không giúp gì vợ con. Cứ đà này, chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có một khoản tiết kiệm, nói gì đến chuyện cho con đi du lịch, hay học trường nọ trường kia.
Chuyên gia phân tích tài chính Bội Lê (TP HCM) cho biết, cách chi tiêu của anh chồng này hoàn toàn không ổn. Không chỉ anh mà nhiều người vướng vào vấn đề tương tự. Rất nhiều người chưa hề nghĩ đến việc tiết kiệm đều đặn, có bao nhiêu tiền dùng hết bấy nhiêu. Thậm chí dùng nhiều hơn số tiền có trong túi nên thường xuyên túng thiếu trước ngày lãnh lương.
Có hai nguyên nhân dẫn tới vấn đề này:
1. Không biết quản lý tiền.
2. Bị cám dỗ chi tiêu.
Để giải quyết nguyên nhân thứ nhất cần phải lập kế hoạch tài chính gia đình bằng cách lên kế hoạch chi tiêu, tiết kiệm, tính số tiền cần để dành hàng tháng, tính số tiền phải trả nợ góp hàng tháng, lập kế hoạch cho tương lai... Cách này mọi người đều có thể thực hiện được, nhưng để giải quyết nguyên nhân 2 thì rất khó, cần phải có sự quyết tâm từ bên trong. Tác động của bất kỳ người nào, kể cả người vợ cũng có hiệu quả rất thấp, chủ yếu là sự thay đổi cách nghĩ của chính người chồng.
Theo Mộc Miên (VnExpress.net)