Quen nhau qua mạng, nên duyên bởi một chữ thương
"Bạn bè có người nói, quen gì con gái tật nguyền, sau này làm ăn vất vả, kỳ vậy? Họ hàng cũng có người nói lời ra lời vào, nhưng có sao đâu, quan trọng là quyết định của mình thôi" - anh Lộc cười bẽn lẽn, nói vậy khi được hỏi về chị Nhi, vợ anh.
Trong căn phòng trọ ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, tổ ấm nhỏ của anh Lộc, chị Nhi và cậu con trai 3 tuổi vừa ở vừa làm cửa hàng bán cơm cuộn, sushi. Anh Lộc bảo, đến với nhau là do duyên nợ đưa đẩy.
Hai vợ chồng quen nhau qua mạng xã hội, nói chuyện được ít lâu thì tâm đầu ý hợp. Anh Lộc tỏ tình, hẹn gặp mặt để tiến đến mối quan hệ nghiêm túc hơn. Đó là khi chị Nhi thoáng buồn, vì nghĩ anh giỡn chơi.
Chị chụp ảnh toàn thân gửi cho anh xem, thú thật rằng mình bị bại liệt, hai chân teo tóp, đi lại rất khó khăn. Chị thẳng thắn: "Em bị tật nguyền, anh có nghĩ gì không, anh có chịu em không?". Ai ngờ, anh Lộc nhắn lại, nói "Chịu", rồi bâng khuâng: "Đã thương rồi thì có sao đâu".
Lần đầu gặp mặt nhau ngoài đời thực, bên nào cũng mắc cỡ hết. Họ cứ nhìn nhau cười, không biết nói gì.
Quen nhau được ít lâu, anh Lộc hỏi cưới. Anh nói với chị Nhi, Tết về quê ba mẹ anh chơi, gặp mặt họ hàng rồi anh sẽ xin ba mẹ cho hai người đi đến hôn nhân. Chị tưởng anh nói dóc, nên Tết cạn ngày mà không chịu ghé nhà. Ai dè đâu, anh đưa ba mẹ lên thăm, rồi bàn chuyện cưới hỏi nghiêm túc.
Chị Nhi xúc động kể lại: "Cha mẹ chồng em tốt lắm, gặp em rồi cũng không cấm cản gì, tôn trọng và chấp nhận chúng em. Lần đó, em gọi ba chồng bằng bác, mà ba chỉnh liền, nói sớm muộn gì cũng đón em về làm dâu, nên gọi bằng ba cho quen dần. Bên họ hàng anh cũng nói qua nói lại sơ sài, nhưng ai ý kiến cũng không thay đổi được gì".
Thế là họ thành đôi. Anh Lộc đi làm công nhân, lúc rảnh lại về phụ gia đình vợ làm sushi, cơm cuộn bán. Cuối tuần, anh đảm nhiệm việc cõng vợ ra chợ mua nguyên liệu làm hàng.
Chồng vì 2 lý do mà yêu vợ, vợ cũng vì 2 điều mà vợ chẳng sợ mất chồng
Chị Nhi khoe, chồng chị còn từng cõng vợ lên núi Thoại Sơn khi hai người đi dã ngoại. Những dịp lễ lạt, anh cũng cõng vợ, đưa con ra đường mà chẳng có chút ngại ngần. Chị Nhi hạnh phúc vì thấy anh không ngại, không xấu hổ với ngoại hình của vợ. Thậm chí khi người ta nhìn, anh còn trêu: "có thấy nhiều người ghen tị với bà không?".
Chị khoe, chồng lành lặn, đẹp trai nhưng cưng mình hết sức. Khi có bầu, chị gần như không đi được, anh bế bồng mà không kêu than. Chị sinh mổ, anh đút từng miếng cháo, làm hết việc nặng trong nhà.
Nói về lý do yêu thương vợ, vượt qua cách biệt lớn, anh Lộc lý giải, hồi chưa kết hôn, anh "thấy vợ bị tật vậy mà vẫn làm mọi việc trong nhà, may đồ, rửa chén, lau nhà, làm này làm kia, siêng lắm. Có nhiều cô gái lành lặn cũng không chăm chỉ như vậy.
Rồi không ngờ vợ bị vậy mà cũng sinh được con cho mình. Hồi vợ sinh, mình ngồi rình rình nhìn mà xúc động khóc luôn. Nhưng khóc giấu không cho vợ biết (cười lớn)".
Chị Nhi cũng tự tin rằng, mình không sợ chuyện mất chồng, dù ai cũng nói về sự cách biệt giữa họ. "Dòng họ, ba mẹ ai cũng khen anh đẹp trai, nhưng thực ra với mình, chỉ cần yêu thương thật lòng là được rồi. Có 2 lý do mà mình không sợ, thứ nhất là mình tin và biết anh rất chung thủy, ra đường thấy gái đẹp không nhìn. Thứ hai là trong túi anh... không có tiền, con gái nào ưng được".
Dù đang nếm trải mật ngọt hôn nhân, trong thẳm sâu, người phụ nữ ấy cũng lường đến chuyện xa xôi. "Thiệt lòng, nếu có người con gái nào quen ảnh, yêu ảnh mà ảnh chịu người ta, buồn thì cũng buồn nhưng đó là duyên số, mình sẽ chúc phúc cho anh. Anh yêu thương, nhường nhịn, chăm sóc mình mấy năm rồi...".
Theo Bích Chi (Pháp Luật & Bạn Đọc)