Nhảy việc từ lâu đã là vấn đề mà hầu hết dân công sở đều quan tâm, ít nhất là trong một vài khoảnh khắc nào đó bất mãn với công việc hiện tại. Câu hỏi hay được đặt ra là “khi nào là thời điểm chín muồi cho việc nhảy việc?”, “phải đối phó thế nào khi bị công ty tiếp theo đề cập tới việc mình nhảy việc?”,...
Xoay quanh đề tài này, mới đây có một cô nàng công sở đã đăng đàn chia sẻ ý kiến của mình với hàm ý nhấn mạnh: “Nhảy việc” trong thời buổi hiện tại đã là chuyện quá bình thường và không còn bị đánh giá khắt khe như trước.
Cụ thể, cô viết:
“NHẢY VIỆC - chuyện của bất cứ ai.
Mình còn nhớ người chị đầu tiên dạy cho mình những kiến thức sơ khai về tuyển dụng đã luôn nhắc mình chú ý đến số năm ứng viên làm việc tại công ty để tìm ra những điểm bất thường (ví dụ như tại sao chỉ làm ở đây có 7 tháng, để từ đó hỏi sâu hơn về lý do nghỉ việc của nhân viên và xoáy vào phỏng vấn hành vi của ứng viên) và đánh giá mức độ cam kết của họ đối với công việc.
Bản thân mình là 1 HR (làm trong bộ phận nhân sự) hiện tại chuyên về mảng tuyển dụng nhưng cũng đã nhảy đến công ty thứ 3 trong vòng 1 năm 4 tháng tính từ lúc tốt nghiệp đại học. Một người bạn của mình trong một năm vừa qua cũng nhảy qua đến công ty thứ 4.
Một người chị mình quen trong vòng 6 tháng vừa rồi đã bước đến công ty thứ 4, có những công ty đã ký HĐLĐ chính thức, có những nơi vẫn đang trong giai đoạn thử việc. Bản thân mình nhận thấy việc “nhảy việc” trong thời buổi hiện tại đã là chuyện quá bình thường và không còn bị đánh giá khắt khe như trước.
Mình nhảy việc vì môi trường hiện tại không còn không gian cho mình phát triển nữa. Mình nhảy việc vì sếp không công bằng và yếu chuyên môn. Mình nhảy việc vì môi trường quá “độc hại”...
Có rất nhiều lý do khiến một người quyết định chấm dứt cống hiến và lao động tại một nơi nào đó nhưng đa phần để đi được đến quyết định này thì hẳn mỗi ngày đi làm bạn đã phải thức dậy trong một tâm thế chán nản và tự hỏi “mình có thật sự cần công việc này?”, hay đến công ty như một bóng ma, hoàn thành mọi trách nhiệm mà không có chút động lực, hào hứng nào.
Một vài bạn sẽ nói thử việc chính là thời gian thử thách để bản thân nhận ra mình có phù hợp với một công ty hay không nhưng 2 tháng thì thực sự theo mình nghĩ chỉ đánh giá được 30% mức độ phù hợp của bạn với công ty hay là không thôi. Mình đang làm việc ở công ty mới được hơn 2 tháng nhưng mình nghĩ chắc mình sẽ lại tiếp tục nhảy việc trong vài tháng tới.
Dù sao mình cũng nghĩ đây là vấn đề khá nhạy cảm và vẫn có những ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này và vẫn có HRM đánh giá mức độ cam kết của ứng viên dựa trên thời gian gắn bó của họ với nơi cũ còn theo mình, nếu thực sự không thuộc về nhau, hãy mạnh dạn nghỉ việc và tìm niềm vui ở những nơi mới, tốt hơn và quan trọng nhất là nơi có đôi giày vừa chân với chính bạn”.
Bài viết sau khi chia sẻ ít lâu đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng người dùng mạng. Bên dưới phần bình luận, hàng loạt ý kiến đồng tình cũng đã được viết ra. Đa số, mọi người đều cho rằng, nhảy việc đôi khi chính là hướng giải thoát duy nhất cho mỗi cá nhân công sở khi đã hết hứng thú với công việc hoặc gặp vấn đề gì đó mà mãi không thể giải quyết.
Tuy nhiên, giữa các dòng bình luận đồng tình cũng có một số người khác lại cho rằng, đúng là ngày nay, nhảy việc không còn là một cái gì đó quá nghiêm trọng nữa, nhưng chúng ta phải xác định rõ ràng lý do nhảy việc. Người trẻ hay “ảo tưởng” cho rằng, sẽ có một công ty nào đó ngoài kia là hoàn hảo và vẹn toàn đang chờ mình tìm kiếm, và rồi cứ thế lao đầu trên con đường nhảy từ chỗ này qua chỗ nọ. Xin thưa là không có đâu, nhân vô thập toàn và công ty nào cũng vô thập toàn như vậy.
Dưới đây xin trích một bình luận rất hay ho về vấn đề này được dân mạng vỗ tay rào rào:
"Đến người với người sống chung với nhau (vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em, roomate, v.vv...) còn kiểu gì cũng có những bất hòa, xung đột về quan điểm (mà thậm chí không ai hiểu được cho ai), nữa là môi trường làm việc. Và rõ ràng, khi sống chung với nhau, bạn sẽ có 2 lựa chọn: 1 là chấp nhận những điểm dở của người khác, và nhìn vào những điểm tốt của người ta để mình tiếp tục sống. 2 là đường ai nấy đi. Lựa chọn là ở mỗi người, miễn sao mình cảm thấy thoải mái nhất.
Giờ quay lại câu chuyện nhảy việc.
Mình thì mới đi làm được 5 năm, và may mắn, mình chưa nhảy việc lần nào (dù cũng đã 3 vạn 9 nghìn lần đi tìm việc, và đã nộp đơn xin nghỉ việc 01 lần). Đó không phải là do công ty có môi trường làm việc hoàn hảo hay tuyệt vời, hay do mình giỏi, mà là do mình chấp nhận với tất cả những gì chưa hoàn thiện của doanh nghiệp, cũng giống như doanh nghiệp chấp nhận những tính cách và phẩm chất chưa hoàn thiện của mình. Bản thân "chấp nhận sự khác biệt" và "không ngừng hoàn thiện" cũng là 2 trong những giá trị mà công ty luôn nhấn mạnh và đề cao để tất cả cùng tiến lên.
Thời mới đi làm, mình xuất phát điểm làm sales. Mình được thử việc 03 tháng, 2 tháng đầu tiên mình không có số, mình gặp thẳng quản lý trực tiếp, và nói thẳng là em không bán hàng được. Chị quản lý hồi đó (và bây giờ vẫn là đồng nghiệp với mình), chỉ động viên mình đừng bỏ cuộc, cố 1 tí. Rồi tối về, mình chỉ nghĩ duy nhất 1 câu trong đầu là "chỉ vì không phù hợp, không làm được rồi mình xin nghỉ. Rồi công việc tiếp theo liệu mình có làm được không, hay lại không thấy phù hợp, rồi lại xin nghỉ?".
Thế là mình cố. Mình muốn ít nhất mình phải làm được đã, rồi có nghỉ hay không thì tính. Và cuối cùng thì ở đây đến tận bây giờ. Sau này mình chỉ rút ra thế này, nếu giả sử các bạn đặt ra kỳ vọng của mình ở 1 môi trường làm việc với các yếu tố như:
- Sếp nice.
- Công việc KPI không bị ép quá nặng.
- Đồng nghiệp làm việc yêu thương nhau.
- Không phải OT (tăng ca) quá nhiều, không bị ép giờ in out đúng chằn chặn.
- Lại có lộ trình thăng tiến rõ ràng.
- Doanh nghiệp đang làm ăn thịnh vượng, không lo bị chậm lương hay cắt giảm.
- Môi trường làm việc chuyên nghiệp (dù mình dám cá 10 bạn nói câu này thì 9.5 bạn không hiểu môi trường "chuyên nghiệp" nó là cái gì).
Thì chắc là thôi, các bạn tự mở doanh nghiệp mà làm. Không có mùa xuân ý đâu. Chọn yếu tố mà bạn nghĩ là bạn cần nhất (ví dụ, mình thích làm doanh nghiệp vừa và nhỏ vì mối quan hệ giữa sếp với nhân viên rất gần gũi, học được nhiều thứ) và chấp nhận những yếu tố khác có thể không được như kỳ vọng.
Còn nói thật, nhìn CV của nhân sự mà 2 - 3 tháng nhảy 1 công ty, hoặc nhân sự nói về những điểm không tốt của sếp cũ, thì thường mình từ chối luôn. Vì những điểm ý, mình nghĩ các bạn có được thư mời làm việc, chắc bên mình cũng không đáp ứng được kỳ vọng của các bạn ấy”.
Theo Old Fashioned (Helino)