Cho 2 con ngồi bệt ở góc đường ăn sáng, ông bố không ngờ mình bị chụp ảnh, nhận lời khen tới tấp vì 1 hành động nhỏ của đám trẻ

26/11/2020 14:06:26

Những bức ảnh sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận về vô vàn bình luận tích cực từ dư luận.

Trẻ nhỏ giống như một tấm gương phản chiếu của cha mẹ. Mọi hành động của trẻ dù là nhỏ nhặt cũng phản ánh cách giáo dục, dạy dỗ của gia đình. Mới đây, một ông bố ở Trung Quốc bất ngờ được dư luận ngợi khen vì những hành động nhỏ của các con.

Theo đó, một người qua đường tình cờ chụp được bức ảnh ông bố này cho các con ngồi ăn sáng ở góc đường. Trong khi ông bố mặc trang phục công nhân đang ngồi trên xe máy bấm điện thoại chờ thì hai đứa trẻ ngồi ăn bữa sáng trong túi ni lông.

Cho 2 con ngồi bệt ở góc đường ăn sáng, ông bố không ngờ mình bị chụp ảnh, nhận lời khen tới tấp vì 1 hành động nhỏ của đám trẻ
Ông bố ngồi chờ 2 con đang ăn sáng ở góc đường.

Sau khi ăn xong, cô chị đứng dậy, chạy đến thùng rác cách đó 30m để vứt rác. Còn cậu em ăn chưa xong nên lên xe ăn nốt. Nhưng khi cậu bé ăn xong bữa, ông bố liền quay xe lại gần thùng rác để con trai vứt rác vào.

Trong cả quá trình, ông bố luôn kiên nhẫn chờ các con, không hề giục giã, hay "xúi" con vứt tạm rác ở đâu đó để đi học cho nhanh và những đứa trẻ cũng rất nề nếp, có ý thức. Dường như hành động vứt rác đúng chỗ đã trở thành thói quen sinh hoạt hàng ngày của hai đứa trẻ.

Cho 2 con ngồi bệt ở góc đường ăn sáng, ông bố không ngờ mình bị chụp ảnh, nhận lời khen tới tấp vì 1 hành động nhỏ của đám trẻ - 1
Cô con gái lớn ăn xong trước và đi ra thùng rác để vứt túi ni lông
Cho 2 con ngồi bệt ở góc đường ăn sáng, ông bố không ngờ mình bị chụp ảnh, nhận lời khen tới tấp vì 1 hành động nhỏ của đám trẻ - 2
Ông bố đèo con ra thùng rác để vứt túi ni lông

Trong khi có nhiều người ý thức kém, vô tư xả rác ra đường thì hành động của 3 bố con thực sự rất đáng khen. Những bức ảnh này được chia sẻ trên mạng xã hội Weibo và nhận về vô vàn bình luận tích cực từ dư luận.

Thực tế việc dạy con hình thành những thói quen tốt, biết cư xử đúng mực cả trong gia đình và ở nơi công cộng là điều vô cùng quan trọng nhưng lại bị nhiều phụ huynh bỏ quên hoặc có dạy nhưng chưa đúng cách. Một đứa trẻ có hành vi tốt sẽ được bạn bè, thầy cô yêu mến. Khi trưởng thành, trẻ cũng phát triển nhân cách tốt, được mọi người tin yêu nhờ những hành vi đúng mực của mình.

Vậy cha mẹ nên làm thế nào để định hướng cho con những hành vi tốt? Hãy thử những lời khuyên sau:

1. Bắt đầu sớm

Điều quan trọng là cha mẹ cần bắt đầu sớm và thảo luận các biện pháp nuôi dạy con thích hợp với gia đình mình. Cha mẹ, ông bà và người chăm sóc cần thống nhất trong việc nuôi dạy trẻ nhưng mỗi người có thể sử dụng một phương pháp khác nhau. Những năm đầu đời sẽ là thời gian quan trọng nhất để trẻ học những hành vi tốt.

2. Đặt các quy tắc

Cha mẹ cần đặt các quy tắc chính xác hơn là đưa ra những quy tắc chung chung. Tuy nhiên cha mẹ cần xem xét xem con mình có hiểu rõ các quy tắc hay không. Bên cạnh đó cha mẹ cần đưa ra hậu quả nếu con vi phạm các quy tắc. Vì điều này sẽ khuyến khích con suy nghĩ trước khi hành động.

Cho 2 con ngồi bệt ở góc đường ăn sáng, ông bố không ngờ mình bị chụp ảnh, nhận lời khen tới tấp vì 1 hành động nhỏ của đám trẻ - 3

3. Dành thời gian cho con

Dành thời gian chơi và học cùng con thường xuyên rất quan trọng để duy trì mối quan hệ tốt. Chơi với con và tham gia vào cuộc trò chuyện làm cho con cảm thấy rằng mình được yêu thương. Điều này sẽ làm cho cha mẹ dễ dàng hơn trong việc quản lý hành vi của trẻ khi trẻ lớn lên.

4. Là gương sáng cho con

Chính cha mẹ sẽ là hình mẫu đầu tiên của con. Vì khi còn bé, trẻ không thể phân biệt giữa đúng-sai nên sẽ quan sát phản ứng và hành vi của người lớn, sau đó bắt chước lại.

Thế nên, cha mẹ hãy luôn làm tấm gương cho con học theo. Để làm được điều này, cha mẹ cần giữ bình tĩnh, sáng tạo và sáng suốt để xử lý thật tốt các tình huống trong xã hội, đặc biệt là khi ở cùng trẻ.

5. Tính nhất quán

Sự nhất quán là chìa khóa thành công trong việc dạy dỗ con trẻ. Khi bố đưa ra 1 quy tắc thì mẹ cũng nên đồng nhất và ngược lại. Cách tiếp cận không nhất quán của cha mẹ sẽ gây rối loạn cho trẻ về các quy tắc. Từ đó gây ra việc mất kiểm soát hành vi của con.

Theo Thanh Hương (Pháp luật & Bạn đọc)