Bà Trình Thị Thanh (80 tuổi, ở xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy) có tình bạn hơn 30 năm với bà Hưởng (90 tuổi, cùng ở xã Ngọc Lương).
Tình bạn của họ khiến nhiều bạn trẻ xúc động khi mới đây chị Nguyễn Thương Thương (SN 1996), cháu gái của bà Thanh, chia sẻ lên mạng xã hội thông qua một bức ảnh.
Hình ảnh là chiếc phong bì có ghi dòng chữ: “Em ơi, nghe tin em ốm. Chị không sang được, thương em quá. Chúc em nhanh khỏe và sang đây chơi nhé”.
Chị Thương cho biết: “Bà nội tôi bị ốm mấy hôm nay, bà Hưởng, người bạn hàng xóm, cũng bị ốm nên không sang thăm được. Bà Hưởng liền chuẩn bị phong bì và 1 dây sữa nhờ con gái đưa sang thăm hỏi bà nội tôi. Đọc xong những dòng nhắn nhủ trên, tôi rất xúc động với tình bạn giản dị của hai bà”.
Theo chị Thương, họ là hàng xóm của nhau từ khi bà Thanh (quê gốc ở Thanh Hóa) chuyển đến Hòa Bình cùng 2 con (một gái, một trai).
Nhà bà nội chị Thương cách nhà bà Hưởng chỉ một cái vườn rộng. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, họ thân nhau từ đó.
“Bà nội tôi kể lại, khi bà còn trẻ và các con còn nhỏ, có lần bà đi làm đồng để con gái ở nhà một mình. Con gái thấy mẹ đi làm chưa về, đói bụng nên khóc. Bà Hưởng nghe thấy thế chạy sang xem.
Thời đó, cơm gạo thiếu thốn, bà Hưởng vội về nhà mang sang một bát khoai cho con gái hàng xóm ăn để đợi mẹ về. Bà tôi nghe chuyện trên, cảm động vô cùng”, chị Thương chia sẻ.
Họ ở gần nhau, gọi nhau bằng “chị - em” nên nhiều lần giúp nhau trong cuộc sống, có chuyện gì cũng chia sẻ như chị em ruột. Có những lần khó khăn, các bà cũng không nhờ đến con cháu mà sang nhờ cậy nhau giúp đỡ.
Các con lớn, đều sinh sống riêng, một mình bà Thanh sống trong căn nhà cũ trước đây. Hằng ngày, xong việc nhà, hai bà thường đi bộ sang nhà nhau để 'buôn chuyện'.
“Bà tôi làm xong việc nhà trước cũng tranh thủ sang giúp bà Hưởng. Hai bà còn rủ nhau tham gia nhiều hoạt động chung, đặc biệt là cùng đi lễ chùa, làm việc thiện. Mấy hôm bị ốm, điều bà tôi buồn nhất chắc là chưa sang thăm được người bạn hàng xóm”, chị Thương chia sẻ thêm.
Câu chuyện trên đã khiến nhiều bạn trẻ thích thú trước tình bạn của hai người cao tuổi. Họ cũng chia sẻ những câu chuyện của ông bà mình, những tình bạn ở thế hệ chưa có công nghệ “can thiệp” như bây giờ.
Thành viên Đinh Hà kể: “Chuyện từ ngày ông ngoại tôi còn sống, ông bị ung thư nên mất hơn chục năm nay. Hàng xóm tôi cũng có ông, bằng tuổi ông ngoại và cũng bị ung thư... 2 ông thường động viên nhau cố gắng.
Có một lần, khi ông hàng xóm nghe tin ông ngoại tôi suýt ra đi, ông có gửi 1 lá thư về cho ông ngoại tôi, nội dung tôi không nhớ rõ nhưng đại ý là động viên nhau. Sau lá thư, ông hàng xóm nhà tôi cũng ra đi. Tình bạn ấy, tình cảm ấy, xuất phát từ sự đồng cảm thấu hiểu... Nó đáng trân trọng lắm”.
Độc giả Trịnh Phương cho biết: “Hôm nội tôi mất, bà bạn sang viếng, đứng cạnh quan tài bảo: “Bà bảo chơi với tôi, là bạn tôi, sao bà bỏ tôi đi?”. Mắt bà không nhìn rõ, mờ đục, nước mắt lã chã vẫn cố đưa nội tôi ra huyệt giữa trời nắng. Nhìn mà thương tình bạn của 2 bà”.
Độc giả Bùi Vân Anh cũng chia sẻ: “Bà ngoại tôi chơi thân với bà cùng xóm, một bà ở đầu xóm, một bà ở cuối xóm. Đến khi bà tôi bị bệnh nặng, họ không gặp nhau được vì thời gian đó bà ấy cũng bị ốm.
Bà ngoại tôi cứ nằm nhà rồi hỏi con cháu sao không thấy bà ấy đến thăm, bảo con cái lên xem thế nào. Mấy tháng sau bà tôi mất, con cháu cũng không cho bà bạn biết. Bà bạn có hỏi, ai cũng bảo bà tôi khoẻ ăn được hai bát cơm.
Bà ấy giờ nằm nhà cứ khóc mãi, bảo: “Bà ăn được 2 bát cơm rồi mà sao không lên thăm tôi?”.
Theo Ngọc Trang (VietNamNet)