Hiện nay, hầu hết giáo viên và phụ huynh đều giao tiếp thông qua các nhóm online, điều này giúp cải thiện đáng kể sự tương tác giữa hai bên.
Khi con bắt đầu đi học mẫu giáo, lần đầu rời xa gia đình để sống tự lập, cha mẹ nào cũng sẽ không tránh khỏi một chút lo lắng, không biết con ở trường có nghịch ngợm không, có chịu ăn uống không,... Lúc này, thông qua nhóm phụ huynh online, cha mẹ có thể phần nào nắm được tình hình.
Mới đây, cũng trong nhóm online, một cô giáo mầm non chỉ gửi một bức hình mà khiến phụ huynh dậy sóng. Chuyện là trưa hôm đó, cô giáo có gửi ảnh trong nhóm để thông báo với phụ huynh rằng trẻ đang ngủ trưa.
Khi đang ăn trưa thì chị Tần nhận được ảnh của cô giáo, chị còn mỉm cười cảm thấy bọn trẻ thật ngoan. Sau đó, chị lại nhận được thêm mấy bức ảnh do cô giáo mới gửi, nhưng những bức ảnh này khiến chị vô cùng hốt hoảng. Trong hình, con chị Tần đang ngủ, chăn trên người bị đạp lung tung và một cậu bé đang kéo chăn lại đắp giúp con gái chị.
Vốn dĩ cô giáo cảm thấy rất ấm lòng khi nhìn thấy cảnh tượng này, cô cảm thấy các con rất thương nhau và biết giúp đỡ các bạn trong lớp nên muốn chia sẻ với phụ huynh, nhưng không ngờ lại kéo theo phản ứng giận dữ. Người đầu tiên là chị Tần: "Tại sao trường mẫu giáo lại để con trai, con gái ngủ chung?"
Không chỉ riêng chị Tần, bài đăng trong nhóm khiến nhiều phụ huynh bất bình và yêu cầu nhà trường đưa ra lời giải thích đồng thời phải cho trẻ ngủ riêng ngay.
Khi bước vào nhà trẻ, trong suy nghĩ của mình, trẻ đã nhận thức được một chút về giới tính nam và nữ. Nếu trẻ ngủ cùng nhau trong giờ nghỉ trưa hoặc quá thân mật trong các hoạt động thì sự khác biệt giới tính giữa nam và nữ sẽ dần bị xóa mờ. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ bị thiếu ý thức trong giáo dục giới tính, dẫn đến những hành động "vượt giới hạn" hoặc làm sai lệch quan điểm của trẻ về bản thân và những người xung quanh.
Nhà trường và gia đình vì thế cần kết hợp để củng cố kiến thức về giáo dục giới tính cho trẻ, nâng cao nhận thức của trẻ về sự an toàn của bản thân, hướng dẫn con trẻ chú ý đến hành vi của mình.
Theo Lam Minh (Pháp luật & Bạn đọc)