Thời gian vừa qua, chắc hẳn không ít lần, chị em đâu đó loáng thoáng được nghe qua câu chuyện về chó và hồ ly kèm theo thông điệp sâu sắc được truyền tải: "Lương thiện khó hơn là thông minh, vì thông minh là một dạng bẩm sinh, còn lương thiện là một dạng lựa chọn". Và phàm đã là sự lựa chọn thì mỗi người lại có những cách thức rất khác nhau.
Nhưng suy cho cùng, bản chất của con người vốn hướng thiện; nên trong mọi mặt của đời sống, nếu như được cân nhắc lựa chọn, chắc hẳn không ít người chọn cách ứng xử lương thiện, hết lòng vì lợi ích của người khác.
Khoan nhìn nhận về tính đúng sai của hành động hết lòng vì người khác, có một thực tế tồn tại khá đáng buồn cho thấy, khi chị em hết lòng vì một ai đó, chưa hẳn bản thân mình sẽ có thể nhận lại được những tâm ý tương ứng.
Nhìn chung, con người ta có xu hướng nhận về mình càng nhiều càng tốt, càng nhận càng muốn được thêm. Do đó, việc cho đi mà chẳng cần suy nghĩ trong nhiều tình huống lại có thể mang đến những điều tồi tệ cho cả bản thân mình và đối phương. Cùng điểm qua một số tác động tiêu cực đến từ việc chúng ta đối xử quá tốt với một ai đó.
1. Tạo thói quen cho người khác
Nếu cứ nghĩ theo cái kiểu "cứ cho đi hết mức có thể rồi sẽ nhận lại được điều tương xứng" hoặc "mọi người sẽ thích mình hơn vì mình cho đi nhiều thứ và không cần nhận lại" thì chị em đã lầm to. Thật ra, cách người khác đối xử với mình phụ thuộc vào cách mà mình đối xử với chính bản thân. Do đó, điều cần làm là yêu thương bản thân chúng ta trước, đáp ứng đủ nhu cầu của mình rồi hẳn nghĩ đến chuyện giúp đỡ một ai đó khác.
Trên đời, chẳng có thứ gì là đủ, khi chị em cho một, người ta sẽ muốn gấp đôi. Và quan trọng hơn, câu chuyện cho đi đó sẽ tạo cho người khác một tiền lệ, một thói quen, và bản thân họ sẽ cảm nhận việc đó là điều hiển nhiên. Mà thứ gì hiển nhiên sẽ có thì người ta chẳng thèm trân quý, cũng không buồn nhớ để mà tri ân. Lòng tốt là thứ ai cũng nên có, nhưng tuyệt đối đừng biến mình thành "chiếc siêu thị" di động giá 0 đồng để người ta lợi dụng, ai muốn lấy thứ gì cứ việc đến.
2. Nảy sinh những kỳ vọng không chắc được đáp lại
Có một thực tế mà chị em không thể phủ nhận rằng, khi giúp đỡ một ai đó, bản thân chúng ta cũng ít nhiều muốn nhận lại những thứ tương xứng, hoặc có chăng cũng chỉ là một ít tri ân của người được giúp đỡ thôi cũng là đủ. Tuy nhiên, khi chúng ta hy sinh cho người khác, chúng ta không chắc cũng không thể ép họ cũng làm điều tương tự được.
Cho nên, khi không nhận được những hồi đáp tương xứng, chị em sẽ khó tránh khỏi việc nảy sinh những cảm xúc tiêu cực như buồn bực, khó chịu, tự hỏi…
3. "Anh chỉ đến bên em lúc cần"
Bên cạnh việc tạo cho đối phương một thói quen, khi chị em quá tốt với một ai đó sẽ dễ khiến họ chỉ xem mình như một trong những sự lựa chọn dùng để giải quyết khó khăn. Họ chỉ đến với chúng ta khi cần thiết và sau đó họ mất tăm khi xong xuôi mọi chuyện.
Đối với dạng người kiểu này, cách tốt nhất là cương quyết từ chối giúp đỡ ngay từ đầu và cứ để họ tự mình giải quyết vấn đề. Bởi về thực chất, họ không thật sự xứng đáng để có thể nhận được sự giúp đỡ từ chính chúng ta.4. Quên tử tế với chính mình
Quá bận rộn với việc yêu thương và hết lòng vì người khác sẽ vô tình khiến chị em quên đi việc yêu thương chính bản thân mình. Điều này thật sự là một thảm họa, bởi lẽ, đến lúc giật mình nhận ra, chúng ta mới thấy mình đã bị chính bản thân đối xử một cách không công bằng.
Muốn yêu thương và tử tế với người khác, trước tiên hãy tử tế với chính bản thân mình trước, bởi lẽ, chị em xứng đáng với điều đó. Đừng dựa dẫm vào bất kỳ ai mà hãy dành thời gian cho bản thân mình.
5. Trở nên yếu đuối và không đáng tin tưởng
Trong công việc, nếu chị em cứ nhiệt tình, hết lòng giúp đỡ người khác hết lần này đến lần khác mà không yêu cầu được tưởng thưởng một cách xứng đáng thì rất có thể công sức đó sẽ không được trân trọng, thậm chí, người khác còn lợi dụng điều đó để cướp mất thành tích.
Nói xa hơn một chút nữa, kiểu người thường xuyên là đối tượng bị sai bảo, nhờ vả mà không biết cách từ chối sẽ khó có thể thăng tiến trong công việc, trở thành nhân viên có tiếng nói và leo lên được những vị trí cao hơn.
Mặc dù khó tin nhưng có một thực tế rằng, sự tốt tính của chị em rất dễ bị mọi người nghĩ theo hướng tiêu cực. Họ sẽ nghĩ chị em có động cơ gì đó ẩn chứa đằng sau sự hết lòng ấy. Và những ngờ vực này vô tình dẫn đến hàng loạt khó khăn trong công việc mà chúng ta khó có thể lường trước được.
6. Dễ bị kẻ xuất lợi dụng và luôn cần đến sự giúp đỡ
Khi quá tốt bụng, chị em sẽ rất dễ thu hút sự chú ý của những kẻ muốn lợi dụng và thao túng. Những người này thấy được cơ hội để lợi dụng lòng tốt vì chị em không hề đề phòng cũng như tạo khoảng cách với họ.
Và do cứ mãi mê giúp đỡ người khác mà không quan tâm đến mình nên chị em rất dễ rơi vào tình huống cần đến sự giúp đỡ của nhiều người khác để đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bản thân.
7. Tạo thói quen xấu cho bản thân
Khi luôn tìm cách làm hài lòng người khác, tâm trí chúng ta sẽ trở nên rối loạn và căng thẳng. Chị em có thể đối phó bằng cách mua sắm thật nhiều, ăn uống thả phanh hoặc các hành vi tương tự khác.
Mặc dù đối xử tốt với mọi người xung quanh là một điều thật đẹp nhưng sẽ thật vô ích nếu chúng ta chỉ cho đi mà không được nhận lại. Hãy tỏ ra tử tế với những người thực sự xứng đáng và đặt ra giới hạn cho bản thân, đừng nên tốt bụng một cách quá mức.
Khi chúng ta bắt đầu coi trọng giá trị bản thân cũng là lúc chị em coi trọng những người thương yêu mình.
Theo Louis (Helino)