Câu chuyện về chú mèo con và những đứa trẻ "không biết gì" gây bão mạng
Ngày hôm qua, cô nữ sinh Hoàng Quỳnh Nga, đến từ Thái Nguyên đã chia sẻ một câu chuyện thật xảy đến với mình trên trang cá nhân. Nội dung sự việc nói về chuyện người lớn thường khẳng định trẻ con vô tri để biện hộ cho hành động quậy phá của chúng khiến Nga vô cùng bức xúc.
Quỳnh Nga tâm sự: "Mình thực sự không chịu được nữa nên mới phải viết bài này. Mình không biết bài viết này có thể làm được gì không nhưng mình mong những bậc cha mẹ hay đơn giản là những người có trẻ em trong nhà hãy giáo dục cho con bạn tốt hơn và đừng luôn nói câu: "Cháu nó còn nhỏ", hay "Trẻ con mà, chúng nó có biết gì đâu !?"
Câu chuyện bắt đầu vào trưa hôm qua, khi hai đứa trẻ, một trai, một gái đến nhà Nga chơi. Không chỉ khiến Nga cảm thấy khó chịu vì hai đứa trẻ vô cùng nghịch ngợm, hò hét ồn ào và không nghe lời người lớn mà chúng còn có hành động mà theo Nga là không thể chấp nhận được.
"Nhà mình có nuôi hai bé mèo, một bé mẹ là tam thể và bé còn lại là bé con màu vàng. Trẻ con hiếu kỳ, thích mèo là điều đương nhiên, mình không cấm các bé vuốt ve hai bé mèo.
Nhưng khi thấy hai đứa cứ đuổi theo con mèo, nhất là bé trai thì mình mới ra bế con mèo vàng lên trên phòng mình và đóng cửa lại, còn bé tam thể vì hồi còn nhỏ là mèo hoang nên vốn sợ người, mình gọi hay cố bế cũng không, nên mình để nó sang vườn cạnh nhà để đỡ bị hai bé kia bắt.
Trưa mình không ăn cơm, nên ở trong phòng với bé mèo con. Sau khi cả nhà ăn xong rồi, mẹ mình với người thân của hai bé kia vào trong phòng mẹ mình và đóng cửa lại, mình nghĩ mọi người cho bọn trẻ đi ngủ trưa nên mình mới cho mèo con ra khỏi phòng đi ăn, uống nước, vệ sinh.
Con mèo mẹ cũng đã về nên mình để cho hai mẹ con nó chơi với nhau, còn mình vào phòng nằm nghịch điện thoại.
Thiếp đi một lúc, mình giật mình vì bọn trẻ đập xình xình vào cửa do mẹ mình bảo chúng gọi mình dậy phơi quần áo. Lúc đấy mình mới chợt nhớ ra hai bé mèo đâu, nên dậy đi tìm. Tìm khắp nơi trong nhà không thấy.
Nghe bé gái khoảng 4-5 tuổi kể là bé trai kia đuổi bắt con mèo mẹ không được nên bắt bé mèo con, trẻ con kể còn chưa được rõ ràng liền mạch nên mình nghe không hiểu mới hỏi là: " Thế con mèo màu vàng đâu?", bé mới trả lời là con mèo vàng ngã xuống đất rồi.
Xong con bé lại bảo là ở trên tường ngã xuống thì mình cũng không hiểu là tường nào vì con mèo con mới được 2 tháng tuổi, bờ tường nhà mình thì cao hơn mét rưỡi, nó không trèo lên cao thế được.
Mặc dù không nghĩ là con mèo có thể sang được bên kia bờ tường nhưng vẫn sang xem thử thì nước mắt trào ra.
Mèo con nằm ở dưới chân tường, mèo mẹ bên cạnh thì liếm liếm đầu, mình tưởng là mất nó rồi thì chạy lại gần định bế lên thì con mèo mẹ kêu rồi chạy mất, con mèo con giật mình mở mất ra thấy mình mà nó dựng hết lông lên, khè khè ra để phòng vệ.
Các bạn nuôi mèo các bạn hiểu không? Con mèo con tối nào cũng ngủ cạnh bạn mà thấy bạn phải dựng hết lông lên để tự vệ thì bạn biết nó sợ đến thế nào rồi chứ?
Mình bế nó lên thì nó kêu lên mấy tiếng rồi bám chặt vào mình, ôm nó vào lòng mà nó vẫn khè khè vì quá sợ, mọi thứ khiến mình tối sầm mặt là khi tay mình chạm vào phần đùi nó thì nó kêu ré lên vì đau.
Nhìn nó đau mà mình không kìm được nữa lại được nghe câu: "Nga ơi không phải tìm đâu. Mèo nó khắc tự về" .
Bao nhiêu tức tối dồn với nước mắt chảy ra, mình gào lên: "Ai ném con mèo con sang bên kia tường, con mèo nó cũng là vật sống mà lại ném nó được à??
Và câu trả lời khiến mình tức đến điến người: "Ui giời trẻ con thì nó biết cái gì đâu?". Sau đấy họ nói gì mình không nghe thấy nữa, vì mình gào hết sức: "Trẻ con mà không biết gì à? Bây giờ ném được con mèo sang tường thì lớn lên chẳng biết nó làm gì đâu! Không dạy được từ bây giờ thì lớn lên cũng chả ra gì đâu!".
Kết thúc dòng trạng thái, Quỳnh Nga cũng có những lời nhắc nhở về việc các bậc phụ huynh hãy giáo dục thật tốt con mình và khi chúng gây lỗi lầm đừng bao biện bằng những câu như "Cháu nó còn nhỏ" hay "Con nít không biết gì".
Nga khẳng định rằng trẻ con cũng có nhận thức riêng và nếu chúng ta dạy dỗ tử tế từ sớm, chúng sẽ trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, biết vâng lời.
Dạy trẻ chịu trách nhiệm với hành động của mình càng sớm càng tốt
Tuy chỉ là những dòng trạng thái chia sẻ về câu chuyện của riêng mình nhưng bài đăng của nữ sinh Thái Nguyên bất ngờ nhận được số lượt quan tâm "siêu khủng": hơn 45 nghìn lượt thích, gần 20.000 lượt chia sẻ chỉ sau thời gian ngắn.
Con số này cho thấy sự tán thành, đồng cảm của nhiều người bởi đây là vấn đề không của riêng ai.
Nói về sự việc vừa qua, Quỳnh Nga cho hay: "Lỗi cứ cho là của mình hết đi. Vì mình đã quên mất mà đóng cửa phòng lại, mà ngủ quên khi hai con mèo bị hai đứa trẻ con đuổi bắt.
Nhưng cũng xin các bậc phụ huynh, nếu có trẻ con hãy giáo dục nó thật tốt ngay từ sớm và khi trẻ gây lỗi lầm đừng luôn nói câu: "Cháu nó còn nhỏ"...hay đại loại thế".
Mình vô cùng bất ngờ vì câu chuyện này lại thu hút sự chú ý của cộng đồn đến vậy, rất cám ơn vì mọi người đã chia sẻ, hỏi thăm, động viên mình.
Bé mèo con thì hiện tại mình chỉ biết là bé bị đau ở chân thôi vì chưa có điều kiện đi bác sỹ thú ý, nhưng may sao bé vẫn ăn ngủ ngoan".
Tốc độ lan truyền nhanh chóng của câu chuyện chứng tỏ đây là vấn đề không mới nhưng cũng chưa hề biến mất dù trong thời đại nào.
Ngoài ra, cũng có rất nhiều bạn trẻ chia sẻ chính câu chuyện của mình khi từng gặp phải trường hợp người lớn bênh vực trẻ con sai cách.
Chúng ta cũng không thể phủ nhận việc nuông chiều trẻ con quá mức có thể gây ra sự ỷ lại hay hư hỏng khi chúng lớn lên. Chính vì vậy, giáo dục trẻ con chưa bao giờ là việc đơn giản.
Việc giáo dục đúng đắn ở từng giai đoạn phát triển của trẻ em là rất quan trọng trong việc hoàn thiện tính cách. Tuy nhiên, bố mẹ Việt lại thường xuyên biến mọi thứ tệ hại hơn bằng những câu bao biện rằng trẻ con luôn vô tội và ngây thơ.
Nếu không để trẻ thấy những lỗi sai của mình, dần dà sẽ tạo nên tính xấu khó thay đổi. Vì vậy, ngay từ nhỏ, cha mẹ hãy dạy bé cách tự nhận lỗi và sửa chữa mỗi khi phạm sai lầm.
Khi trẻ làm sai hay làm hỏng một việc gì đó, cách ứng xử tốt nhất là cha mẹ tránh trừng phạt hoặc giận dữ với con. Tuy nhiên, người lớn cũng nên từ từ phân tích cho con trẻ hiểu nguyên nhân và mức độ của sự việc.
Theo Ngân Hà (Soha/Trí Thức Trẻ)