Chấp nhận bị “chém” để cầu an, giải hạn

06/03/2015 14:46:58

Đến hẹn lại lên, đầu năm, hàng vạn người đổ xô đi cầu an, dâng sao, giải hạn. Chùa đông, thiếu chỗ ngồi, các dịch vụ ăn theo tha hồ “chặt chém” nhưng nhiều người vẫn tặc lưỡi cho qua.

Đến hẹn lại lên, đầu năm, hàng vạn người đổ xô đi cầu an, dâng sao, giải hạn. Chùa đông, thiếu chỗ ngồi, các dịch vụ ăn theo tha hồ “chặt chém” nhưng nhiều người vẫn tặc lưỡi cho qua.

Người dân đội mưa, tràn ra đường tại lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh tối 4/3. Ảnh: Hạnh Nguyên


Dầm mưa, gió để… cầu an
 
Tối 4/3 (tức tối 14 tháng Giêng), hàng vạn người đã tập trung trước chùa Phúc Khánh (Hà Nội) để làm lễ cầu an Rằm tháng Giêng. Mặc dù khóa lễ bắt đầu từ 7h tối nhưng từ 6h chiều, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về chùa. Trời đêm, trong tiết mưa phùn, giá lạnh, đoàn người tràn cả ra đường, kéo dài đến cả cây số trước chùa. Người lớn, trẻ em, người già, người cầm ô, người đội áo mưa, lót giấy… quỳ gối giữa đường, mắt hướng về chùa lầm rầm khấn vái.
 
Có những em bé chỉ độ 4-5 tuổi cũng được bố mẹ mặc áo mưa làm lễ. Nhiều người không có chỗ ngồi phải đứng trên cầu, trèo lên mái những nhà đối diện bái vọng. Theo quan sát của chúng tôi, tất cả các phương tiện tham gia giao thông qua đây đều phải đi lên cầu vượt Ngã Tư Sở để dành làn đường ngoài cùng cho người dân ngồi làm lễ. Các barie sắt đã được đưa ra làm hàng rào chắn nhằm đảm bảo an toàn cho người dân. Trong suốt thời gian hành lễ, để đảm bảo an toàn, lực lượng công an đã phong tỏa khắp khu vực này.
 
Lót giấy quỳ ngoài đường bái vọng.

Trẻ em cũng dầm mình trong mưa để cầu an.


Một chiến sĩ công an cho biết, để đảm bảo an toàn trật tự, lực lượng công an phường, công an quận và cả thành phố đã được điều động về đây. Chưa kể đội ngũ tình nguyện đến từ một số đơn vị cũng được huy động cầm biển nhắc nhở người dân không vứt rác bừa bãi. Từ 2h chiều 4/3, lực lượng công an đã được tập hợp tại chùa để chuẩn bị.
 
Được biết, đây chưa phải là ngày cuối cùng người dân phải chen chúc tại đây bởi theo lịch, các khóa lễ đầu năm của chùa Phúc Khánh, các lễ giải sao hạn La Hầu, Thái Bạch, Kế Đô... được tổ chức lần lượt vào các ngày mùng 8, 15, 18 (Âm lịch) và lễ cầu an vào ngày 14 tháng Giêng. Như vậy, tối mùng 5 và mùng 8/3 (Dương lịch) lại tiếp diễn cảnh hàng vạn người phải chắp tay ngoài đường để hành lễ. Tại chùa Quán Sứ và nhiều chùa khác ở Hà Nội, từ nay đến hết tháng Giêng cũng sẽ tiến hành các buổi lễ dâng sao giải hạn và cầu an cho các phật tử.
Mất tiền triệu vẫn vui?
 
Đội ghế nhựa từ nhà đến tham gia khóa lễ.
Đầu đội túi bóng, vai mang áo mưa làm lễ.

Sáng 5/3, theo ghi nhận của PV, do thiếu chỗ nên những ngày đầu năm này, để vào chùa Phúc Khánh, phật tử phải gửi xe ngoài đường với giá 15.000đồng/xe. Các dịch vụ bán áo mưa, cho thuê ghế nhựa…  cũng được dịp hốt bạc. Để có 1 chiếc ghế nhựa ngồi trong giờ làm lễ, người thuê phải trả 20.000 đồng. Mỗi chiếc áo mưa siêu mỏng giá bình thường khoảng 3.000đồng/chiếc cũng được bán dạo từ 10.000- 20.000đồng/chiếc tùy loại.
 
Theo thông lệ, để giải một sao xấu ở đây, mỗi người phải đóng 100.000 đồng/sao. Một nhân viên ghi danh sách giải hạn ở chùa Phúc Khánh cho biết, với 100.000 đồng này, người đó được cầu cả năm với 12 lá sớ. Còn muốn làm lễ cầu an, mỗi người phải đóng 80.000đồng.
 

Mặc dù đã được nhắc nhở nhưng sau thời gian hành lễ, hàng đống rác được gom lại trước cửa chùa Phúc Khánh.


Tại các chùa khác, giá dâng sao giải hạn cũng không giống nhau. Chẳng hạn ở chùa Đồng Quang (Đống Đa, Hà Nội), chi phí lễ cầu an khoảng 200.000-500.000 đồng/gia đình, chùa Quán Sứ là 500.000 đồng/gia đình… Bà Lan, một phật tử nhà ở gần gò Đống Đa cho biết, mặc dù ở gần nhưng thỉnh thoảng bà mới làm lễ ở chùa Phúc Khánh bởi quá đông. “Tôi theo dõi mọi năm thì thấy, do quá đông  người đăng kí nên mỗi bận làm lễ thế này, nhà chùa bê hàng mâm sớ lên dâng.
 
Sau đó, trong khi hành lễ, nhà chùa dành một phút để gia chủ tự điền tên vào. Nếu nhỡ mất tập trung, coi như cả khóa lễ công cốc vì không nhẩm điền tên kịp. Vì vậy, 2 năm nay, tôi đóng tiền lễ ở chùa Bà Nành (Văn Miếu, Hà Nội). Ở đây tính tiền dâng sao giải hạn theo gia đình, không tính riêng lẻ từng sao. Giá cả ở đây vào mọi năm chỉ khoảng 400.000đồng/gia đình. Sau đó tăng dần lên 600.000 đồng- 700.000 đồng/gia đình.Và sang năm nay, giá đã tăng lên 800.000 đồng/gia đình. Tuy nhiên, khi đóng tiền ở đây, nhà chùa cho một phiếu hẹn, đến lượt gia đình sẽ đến làm lễ nên thấy yên tâm hơn là làm đại trà thế này”.
 
Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, Trụ trì chùa Một Cột, nhà Phật không quan niệm sao tốt, sao xấu, cũng như không có ngày tốt, ngày xấu mà có nghiệp tốt và nghiệp xấu. Nếu người làm việc phúc đức, ắt sẽ có nghiệp tốt. Tuy nhiên, do ở miền Bắc chịu sự ảnh hưởng của Tam giáo đồng nguyên, tư tưởng này đi vào tiềm thức của người dân nên sinh ra việc cầu, cúng để an tâm hơn. Theo Đại đức, muốn thay đổi được nghiệp tốt - xấu, cần phải làm việc thiện chứ không ỷ vào cầu cúng. Một cán bộ lãnh đạo Hội Văn nghệ dân gian cũng cho rằng, “sao chiếu mệnh” chỉ là quan niệm về mặt lý thuyết, trên thực tế, chưa ai kiểm chứng được điều này đúng, sai ra sao.
 
Theo quan niệm của người Á đông, căn cứ vòng quay của sao Thái Tuế, mỗi người sinh ra đều có một vì sao chiếu mệnh tùy theo mỗi năm. Có tất cả 24 vì sao quy tụ thành 9 chòm: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức. Trong 9 ngôi sao này, có sao tốt, có sao xấu. Người ta cho rằng năm nào bị sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật… gọi là vận hạn nên phải cúng lễ giải hạn đầu năm.
 
Theo Nguyên Hạnh (Giadinh.net.vn)

Nổi bật