Chăm sóc khách hàng, nữ "cò đất" bị đánh ghen nhầm

29/01/2016 09:34:55

“Người yêu xa lánh, khách khứa dòm ngó, đụng chạm cơ thể… là những việc mà nữ môi giới bất động sản (BĐS) như mình thường phải đối mặt hàng ngày” - Trang Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

“Người yêu xa lánh, khách khứa dòm ngó, đụng chạm cơ thể… là những việc mà nữ môi giới bất động sản (BĐS) như mình thường phải đối mặt hàng ngày” - Trang Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Nhung kể: “Ở bất cứ một công ty môi giới BĐS nào cũng chia nhân viên thành 3 mức: dự bị, thử việc, và chính thức. Nếu một nhân viên mới vào không bán được hàng sẽ không có lương ( gọi là nhân viên dự bị). Khi đã bán được hàng sẽ được lên thử việc còn khi bán đủ doanh số sẽ được lên nhân viên chính thức và có lương cứng. Sau khoảng 3,4 tháng nếu không bán được sản phẩm nào sẽ bị đẩy xuống vị trí nhân viên thử việc và nhân viên dự bị. Chính vì vậy trong mỗi công ty môi giới, việc cạnh tranh, giành giật khách là vô cùng khốc liệt”.

Trang Nhung cũng chia sẻ: “Khách mua nhà cũng xuất thân từ rất nhiều thành phần, nếu phục vụ khách lịch sự thì đó thật sự may mắn. Những hôm gặp phải khách “dê xồm” lợi dụng đụng chạm, mình vẫn phải tươi cười niềm nở. Đôi khi, họ bóng gió muốn gặp riêng để trao đổi công việc, mình vẫn phải gặp, và gượng gạo để họ nắm tay. Chính vì thế, đối với nhiều nhân viên môi giới BĐS, việc để khách đụng vào người là quá đỗi bình thường”.

“Nhớ hôm trước có một ông khách hẹn đến nói chuyện, xem nhà nhưng say bí tỉ. Ông ta , đến gặp mình mà không còn biết gì, vừa uống vừa cợt nhả, thề non hẹn biển, đồng ý mua nhà cho mình...., mình chỉ biết cười và cố gắng dìu ông này ra xe. Nào ngờ, bà vợ của ông ấy từ đâu bay lại tát mình một cái đau điếng, chửi mình xối xả là "bồ nhí", "mèo mả gà đồng"... Mình đứng như trời trồng, ê chề giữa đám khách, để mặc cho bà vợ nghiến răng chỉ tay vào trán chửi oang oang.

Sau đó, nhờ anh quản lý ra giải thích, mọi chuyện mới dừng lại, còn mình chỉ biết lầm lũi thu dọn áo quần bắt xe ôm trở về. Lần đó mình vừa mất khách vừa bị người yêu xa lánh vì cho rằng mình là giái hư…”- Nhung kể.
 

Ảnh minh họa

Vẫn theo lời Nhung: “Đó là đối với khách hàng, còn trong công ty, không được lòng sếp sếp “dí” cho bán những dự án hóc búa rồi áp lực doanh số phải bán bao nhiêu căn trong 1 tháng”. “Rồi những chiêu trò mà nhân viên với nhau để cạnh tranh nhau, cướp khách hàng của nhau. Đúng là khổ”, Trang Nhung nói.

Hồng Liên, nhân viên môi giới cho một công ty BĐS ở Láng Hạ thì chia sẻ: Trước đây, mình làm kinh doanh, buôn bán, cũng kiếm được chút đỉnh. Tuy nhiên khi kinh tế khủng hoảng, việc làm ăn của mình lâm vào khó khăn, vốn quay vòng chậm, bán được hàng lại phải lo trả nợ, thiếu tiền, nên mình chuyển sang nghề đi làm môi giới hay còn gọi là “cò” nhà đất”.

 Liên cho hay, “Để có mối, mình phải gọi điện, bám đuổi tất cả mọi khách hàng. Tuy nhiên để có được khách mua nhà không phải là đơn giản, nhiều khi phải đánh đổi cả máu, nước mắt. Ấy là chưa kể đến việc bị khách hàng chửi vì “làm phiền”.

Mới đầu mình cũng thấy tủi nhục, nhưng làm mãi rồi cũng quen và bây giờ thì chấp nhận nó là chuyện thường. Đến thời công nghệ hiện đại, hàng tháng mình phải bỏ ra số tiền không nhỏ để đăng tin rao vặt. Lúc đầu, khi ít người làm thì khá hiệu quả nhưng càng ngày sự cạnh tranh càng cao nên thường phải ra đường giữa trời giá rét để phát tờ rơi, quảng cáo”.

“Có được khách hàng đã khó, chăm sóc cho đến khi họ đồng ý mua nhà còn khó hơn. Có hôm 11 giờ đên khách hàng gọi mình vẫn vui vẻ tư vấn, thế nhưng có khi mình gọi lại thì nhận ngay một câu gọi gì mà lắm thế, bực mình…. “, Liên nói.

“Đau xót trong nghề mà nhiều môi giới gặp phải chính là chuyện “cắt máu”. Đó là khi chúng mình gặp phải những khách “keo kiệt” muốn bòn rút từng đồng, họ chọn được sản phẩm rồi hỏi nhiều cò đất, ai chiết khấu cao hơn thì họ đồng ý mua của người đó. Nhiều khi vì cạnh tranh doanh số, chúng mình đành phải cắt hết tiền hoa hồng cho khách mà chẳng giữ lại được đồng nào”.

“Làm cái nghề này cần có cái duyên chứ không phải cứ có kiến thức là bán được đâu. Có người chỉ 4- 5 tháng đã là nhân viên cứng, có người đến cả năm cũng chả bán được căn nà cứ làm nhân viên tập sự mãi” - Liên cho hay.

Theo M.A – H.T (VietNamNet)

Nổi bật