Xót xa hình ảnh cụ ông chực chờ ở siêu thị, chờ cơm hạ giá về đêm
Những ngày qua, một cô gái có tên Vy Nguyễn, sống tại Đà Nẵng đã đăng tải hình ảnh và câu chuyện về một ông cụ tóc đã bạc phơ, quần áo cũ kỹ, xộc xệch hàng ngày đứng chực chờ ở một siêu thị tại Đà Nẵng để đợi mua cơm đại hạ giá lúc đêm khuya.
"Đêm nào cũng vậy, cứ đúng giờ siêu thị giảm giá hộp cơm còn một nửa là ông mới dám mua. Lí do là vì có thằng con làm thợ hồ, tối nào cũng đi làm về là nhậu, bỏ bê không ngó nghiêng gì tới ông, cho nên ông chờ cơm giá rẻ còn 10.000 đồng mới mua. Nhiều ngày khách đông, không còn hộp nào kể cả cơm hay bún là ông về tay không, quá tội!
Ai có lòng đi BigC, gặp ông thì cứ coi nhịn ăn cái bánh, nhịn uống ly trà sữa cho ông 10 ngàn thôi cũng được, giúp ông bữa cơm cho ấm bụng cả mình cả ông. Đây hoàn toàn câu chuyện mình hỏi ông luôn. Cứ gặp hỏi ông là biết nhé mọi người. Ông nói nghe tội lắm: "Tôi không dám đứng gần chỗ bán cơm, chỉ đợi giờ giảm mới tới, chứ đứng đó lâu họ tưởng tôi ăn trộm ăn cắp hay gì họ la". Ông thường ở đây tầm 8h tối, tầng 1, khu vực bán cơm hộp đóng gói sẵn nha mọi người", tài khoản Vy Nguyễn, chia sẻ.
Theo chia sẻ của bạn Vy Nguyễn, ông cụ này đã dành cả đời để nuôi con nhưng về già lại không ai phụng dưỡng. Ông phải tự nuôi chính mình bằng những bữa cơm hạ giá ở siêu thị. Cứ đến tầm 20 giờ là ông sẽ đứng chờ những hộp cơm giảm giá một nửa để mua. Đặc biệt, có những hôm, siêu thị không còn hộp cơm nào, ông đành tay trắng ra về.
Chỉ vài giờ sau khi đăng tải, câu chuyện này đã nhận được hàng chục nghìn lượt thích, chia sẻ và bày tỏ sự xót thương đối với cụ già tội nghiệp. Đồng thời, kêu gọi mọi người ở gần khu vực trên đến giúp đỡ để ông cụ có được những bữa cơm no bụng hơn, để cụ không còn phải trải qua những ngày ôm bụng đói cồn cào để đi ngủ.
Cùng người con trai tàn tật sống nhờ tình thương lối xóm
Qua tìm hiểu, được biết cụ ông trong câu chuyện trên là Nguyễn Văn Roanh, năm nay đã 87 tuổi. Chiều 11/9, chúng tôi tìm đến thăm cụ Roanh tại căn nhà cấp 4 bé tí tẹo nằm sâu hun hút trong con hẻm nhỏ tại Kiệt 424/H19/30 đường Ông Ích Khiêm (phường Vĩnh Trung, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Bên trong căn nhà trống huơ, trống hoác chẳng có nổi vật dụng gì đáng giá.
Qua trò chuyện, cụ Roanh cho biết, vợ của cụ mất cách đây cũng đã tròn nửa thế kỷ, một mình cụ chật vật nuôi 2 đứa con khôn lớn. Cứ ngỡ đến tuổi xế chiều sẽ được an hưởng tuổi già bên con cháu, nhưng ngặt một nỗi cứ nghèo, cái khổ cứ bám riết lấy cụ.
Lúc trước còn sức khoẻ, hằng ngày cụ đi làm bốc vác thuê tại ga tàu lửa để mưu sinh và nuôi 2 đứa con khôn lớn. Khoảng 10 năm nay, do tuổi cao, sức yếu, lại phải mổ thận, cụ không thể lao động được nữa nên đành phải sống nhờ vào 2 cậu con trai làm nghề thợ hồ.
Thế nhưng, bất hạnh vẫn chưa chịu buông tha cho gia đình cụ khi cách đây hơn 6 năm, đứa con trai đầu của cụ là chú Nguyễn Văn Giang (54 tuổi) bất ngờ gặp tai nạn lao động. Thương con, cụ Roanh bán sạch tài sản bao năm tích góp được để cố gắng cứu mạng sống cho con, nhưng kể từ đó chú Giang bị bại liệt, chỉ ngồi một chỗ và không thể lao động được.
Cứ thế, dù đã ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng suốt 6 năm nay, hằng ngày cụ Roanh phải chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân cho người con trai bệnh tật. Do người con trai út cũng làm nghề thợ hồ, thu nhập bấp bênh nên cũng không đỡ đần được gì cho cụ Roanh. Hiện cuộc sống của cụ Roanh và người con trai đầu bị bại liệt chỉ biết dựa vào số tiền trợ cấp cho người khuyết tật và người già hằng tháng, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và đùm bọc của hàng xóm, láng giềng…
Theo cụ Roanh, mỗi tháng cụ được nhận 280.000 đồng tiền trợ cấp cho người cao tuổi, còn chú Giang được nhận 500.000 đồng tiền trợ cấp cho người khuyết tật. Nhưng số tiền ít ỏi này cũng chỉ đủ "chắp vá" vào vài ba đơn thuốc mỗi khi chú Giang lên cơn đau lúc trái gió trở trời, thành ra gia đình luôn lâm vào tình cảnh bữa đói, bữa no.
"Do tôi nay đã già rồi, chân tay lượm thượm nên không thể nấu ăn được, còn đứa con trai út khoẻ mạnh thì nó đi làm thợ nề (phụ hồ), xong việc là lại tụ tập nhậu với bạn bè đến khoảng 10 giờ tối mới về nên cũng ăn riêng luôn. Để tiết kiệm tiền, hằng ngày tôi thường đi bộ qua siêu thị để chờ đến khuya người ta bán cơm với đồ ăn còn một nửa giá thì thôi mua 2 phần để về 2 cha con (cụ Roanh với chú Giang – PV) ăn tối…", nói đến đây, giọng cụ Roanh bỗng nghẹn lại, đôi mắt ngân ngấn lệ khi nhìn đứa con trai tàn tật đang ngồi dựa đầu vào góc nhà.
Chia tay cụ Roanh ra về khi trời vừa nhá nhem tối, xe lăn bánh mà trong lòng tôi cứ ám ảnh mãi bởi câu nói của ông cụ: "Tôi già rồi, chẳng biết còn sống được bao lâu nữa, chỉ sợ khi tôi chết đi thì không biết ai sẽ chăm sóc cho thằng Giang nữa. Có 2 đứa con trai, nhưng giờ 1 đứa thì bệnh tật, còn 1 đứa thì năm nay cũng đã 50 tuổi rồi mà vẫn chưa có vợ con gì cả, tôi buồn lắm chú ạ…!".
Chợt nghẹn lòng khi nghĩ đến năm nay cụ Roanh đã gần 90 tuổi rồi, không biết cụ còn đứng chờ mua cơm giảm giá ở siêu thị được bao lâu nữa...
Theo Hà Nam (Trí Thức Trẻ)