Giữa tiết trời Sài Gòn nóng như đổ lửa, việc bước ra đường dường như trở thành một nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Vậy mà đâu đó vẫn có những người dân lao động vẫn tất bật với công cuộc mưu sinh của họ. Tuy nhiên, công cuộc mưu sinh ấy chẳng những bị ngăn trở bởi sự khó khăn đến từ thời tiết khắc nghiệt mà còn phải đối mặt với không ít những tình huống oái oăm.
Đơn cử, vừa mới đây, một hội nhóm trên mạng xã hội đã có dịp chia sẻ câu chuyện đầy thương cảm của một chú xe ôm thời buổi công nghệ, với một trạng thái vô cùng bức xúc. Giữa tiết trời nắng nóng cực điểm của mùa hè Sài Gòn, chú xe ôm công nghệ nhận được một đơn đặt hàng mua tại quận 4 và giao tại quận 9 – một quãng đường không hề gần. Tuy nhiên, khi đến nơi thứ chú nhận được chỉ là những tính hiệu chờ phát ra từ điện thoại. Tường tận, trang này viết:
"Đặt bánh kem ở quận 4, giao sang quận 9 nhưng không ra nhận.
Câu chuyện mà mình được 1 người dân phản ánh vào chiều qua (23/4). Mình đọc cảm thấy hơi bức xúc và cảm thương cho chú xe ôm công nghệ nữa. Do đó, mình xin trích lại nội dung.
Câu chuyện thế này, đầu giờ chiều, 1 bạn nam đặt 1 bánh sinh nhật tại 1 tiệm bánh ở quận 4 và yêu cầu giao ở quận 9. Tiền bánh là 300 nghìn, 1 chú chạy Goviet đã ứng số tiền đó rồi chạy từ tiệm bánh đến quận 9 để giao, giữa trời nắng nóng gần 40 độ ở Sài Gòn.
Tuy nhiên, khi đến nơi gọi điện nhiều cuộc cho bạn ấy nhưng không bắt máy, nhắn tin không trả lời. Chú lấy số nhắn qua Zalo cũng không thấy ơi hỡi gì. Ngồi đợi cả tiếng, chú tiếp tục gọi vẫn không được nên đành ôm cái bánh ra về, tội nghiệp. Mình sẽ cố gắng tìm hiểu rõ sự việc.
Bạn đặt bánh trên nên suy nghĩ lại cách hành xử của mình nghen, mưu sinh khó khăn lắm, bằng mồ hôi nước mắt đó".
Ngay khi vừa được đăng tải, câu chuyện này nhanh chóng thu hút được sự chú ý và chia sẻ của đông đảo người dùng mạng. Bên dưới bài đăng, vô vàn quan điểm bày tỏ sự bức xúc đã được để lại trong phần bình luận:
"Sao kỳ cục vậy, đặt hàng xong lại không lấy là như thế nào, một vừa hai phải thôi chứ. Ai cũng là dân lao động như nhau mà, nên làm ơn thấu hiểu lẫn nhau giùm một chút đi. Thân ái".
"Tội nghiệp chú ghê, giữa trời nắng nôi mà chạy xa như vậy còn bị bùng đơn. Nếu có thể, bạn chia sẻ thông tin giúp mình để mình gửi lại tiền chiếc bánh đó cho chú ấy nhé".
"Đối với nhiều người 300 nghìn đồng chẳng là cái gì cả. Nhưng đối với rất nhiều người khác 300 nghìn đồng có thể nuôi được cả gia đình người ta trong mấy ngày. Các bạn nên suy nghĩ một chút trước khi có những hành động như vậy".
Câu chuyện rủi ro mà các tài xế xe ôm thời công nghệ phải đối mặt như câu chuyện khách hàng bùng đơn hàng vốn chẳng phải là câu chuyện mới và mặc dù đã nhiều lần được đề cập một cách rộng rãi, biện pháp để cải thiện và giúp đỡ họ vẫn chưa có. Gốc rễ của vấn đề này vẫn xuất phát từ chính những người đã đặt hàng.
Công cuộc mưu sinh của những con người cung cấp dịch vụ vốn rất vất vả và nhiều khó khăn cũng như rủi ro. Đứng ở góc độ là khách hàng, chúng ta nên có cách cư xử đúng mực hơn, bởi đơn giản, trong một diễn biến khác, khi chúng ta là người cung cấp dịch vụ và gặp phải tình huống tương tự, cảm nhận của chúng ta sẽ như thế nào.
Theo Lou (Helino)