Câu chuyện mẹ chồng phân biệt đối xử với con dâu, con gái đã chẳng phải chuyện hiếm lạ. "Con gái người ta là vàng là bạc, còn con dâu là rơm là rác!", thậm chí nhiều nàng dâu đã phải thốt lên cay đắng như thế. Mới đây một người mẹ trẻ đã lên mạng tâm sự chuyện ấm ức của mình, chung quy cũng xoay quanh vấn đề mẹ chồng, con gái và con dâu.
"Mẹ chồng mình bảo, ngoài Bắc bí ngô rẻ mua gửi vào Nam cho anh chị ít (chị chồng mình), trong ấy khổ lắm đi mua gì cũng đắt, bí những 15 nghìn một cân, rau nọ rau kia từng này..., ăn được bữa rau tốn nhiều tiền lắm. Trong khi lương 2 vợ chồng anh chị ý mỗi tháng vài chục triệu, nhà mình thì lương chồng được 5 triệu, mình ở nhà chăm con nhỏ buôn bán kiếm từng hào thì không khổ. Nghe mà lộn ruột các mom ạ".
Rõ ràng chuyện anh em, họ hàng hay người quen cho tặng quà cáp là điều vô cùng bình thường. Nó thể hiện sự quý mến lẫn nhau, cũng là cách để gia tăng tình cảm đôi bên. Vợ chồng anh chị chồng trong Nam, vợ chồng em trai em dâu ở ngoài Bắc, có thức gì ngon lạ, hai gia đình gửi cho nhau thật sự là điều đáng quý. Nhưng trong trường hợp này, việc mẹ chồng bảo con dâu gửi bí ngô vào Nam cho con gái thật sự không được "bình thường" cho lắm.
Thứ nhất, bí ngô chẳng phải đặc sản, của hiếm vật lạ gì, ở đâu cũng có. Có thể trong Nam chỗ chị chồng ở là thành phố đắt đỏ nên giá mới cao hơn ngoài Bắc lúc bí đang vào vụ, mà cho dù cao thì cũng 15 nghìn/kg thôi, ngoài Bắc cũng tầm 5 - 7 nghìn/kg rồi. Nếu là mang rau sạch từ quê lên phố thì còn được, chứ ngoài này em dâu cũng phải đi mua đâu tự trồng được, khác gì trong ấy chị chồng đi mua. Gửi từ Bắc vào Nam, khoảng cách cả nghìn cây số, tiền cước vận chuyển cũng gấp nhiều lần tiền bí, chung quy không hợp lí chút nào.
Chưa nói, cái công đi gửi và đi nhận hàng cũng mệt cho cả em dâu lẫn chị chồng. Nếu là vài cân chè Thái Nguyên đặc sản, túi bánh đậu xanh Hải Dương thơm lừng hay gói cốm Hà Nội dẻo dai thì ai cũng vui vẻ đội nắng mưa ra bến xe nhận quà. Mà đây lại là bí ngô, thiết nghĩ thật chẳng bõ công chút nào. Mẹ chồng thương con gái thì bảo vậy, chứ thật sự đến lúc em dâu gửi đồ, chị chồng có khi còn chẳng muốn đi nhận ấy chứ, nhất là khi đầu nhận phải trả cước phí?
Tính ra việc gửi bí ngô vào Nam cho chị chồng chẳng thấy chỗ lợi nào, cả về tiền bạc lẫn công sức bỏ ra, lẫn tính chất đáng quý của món quà. Vậy tại sao phải làm một việc "rỗi hơi" như thế? Em dâu ngoài này buôn bán nhỏ kiếm từng hào, con thì con mọn, chồng lại lương thấp, cuộc sống khó khăn trăm bề, cô có khó chịu với đề nghị của mẹ chồng cũng là điều thông cảm được. Chị chồng trong kia cuộc sống khá hơn vợ chồng cô nhiều, đắt rẻ thì cũng ăn vài bữa là chán, có phải ăn quanh năm suốt tháng được đâu mà sợ tốn kém.
Không biết người mẹ chồng trong bài viết đã bao giờ bảo con gái thế này hay chưa: "Con ơi trong ấy chôm chôm, sầu riêng với xoài rẻ mà ngon, con gửi ít cho các em và cháu ngoài này ăn nhé!". Đằng này bà thương con gái từ những điều nhỏ nhặt nhất, phải mua mớ rau đắt hơn ngoài Bắc cho bữa cơm hàng ngày. Nhưng hoàn cảnh con trai, con dâu bà còn chật vật gấp nhiều lần thì bà lại chẳng xót thương, trong khi bà đang trực tiếp ở cùng con trai.
Tất nhiên con gái là khúc ruột máu mủ mẹ nâng niu, chăm bẵm bao nhiêu tháng năm ròng, tình cảm sẽ thắm thiết, gần gũi hơn con dâu mới ở cùng được 1 vài năm. Nhưng thiết nghĩ, con dâu hay con gái thì cũng là con cái trong nhà, điều tối thiểu những bậc bố mẹ chồng cần làm là duy trì sự công bằng để không bên nào phải chịu ấm ức.
Theo Sen Trắng (Helino)